Liều lĩnh nếu dùng cát biển thay thế cát sông đại trà

04/06/2024 - 10:24

PNO - Chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, ĐBQH Trần Kim Yến cho rằng, triển khai đại trà việc thay thế cát biển cho cát sông là sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường.

ĐBQH Trần Kim Yến chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT sáng 4/6
ĐBQH Trần Kim Yến chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh sáng 4/6

Sáng 4/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Đặng Quốc Khánh là trưởng ngành đầu tiên “ngồi ghế nóng” trong 2 ngày rưỡi chất vấn tại nghị trường Quốc hội.

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, nhiều ĐBQH bày tỏ mối quan tâm đối với việc sử dụng cát biển thay thế cho cát sông. ĐBQH Trần Kim Yến (đoàn TPHCM) cho hay, trong bối cảnh thiếu cát sông để thực hiện các dự án, nhất là các dự án đặc biệt quan trọng thì phương án dùng cát biển để thay thế là một hướng.

Tuy nhiên, ĐBQH lo lắng, việc triển khai đại trà sẽ là sự liều lĩnh, đánh cược với môi trường, nguy cơ nhiều vấn đề xảy ra: “Hàm lượng muối trong cát biển có ảnh hưởng tới môi trường xung quanh theo thời gian không? Có ý kiến cho rằng, sử dụng cát biển thay cát sông dẫn tới mang mặn vào cánh đồng trũng, nhất là trong tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng phức tạp như hiện nay”.

ĐBQH đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trước mắt và lâu dài để có đủ nguyên vật liệu cho các dự án nhưng không làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, đảm bảo được an ninh nguồn nước.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng nêu ý kiến liên quan tới việc khai thác cát biển, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã có chỉ đạo, với công trình ở đồng bằng sông Cửu Long, nếu cát sông không đủ san lấp thì dùng cát biển.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng việc này có thể có hệ lụy. Nếu không thực nghiệm và chưa qua xử lý dẫn tới thấm nước cát biển, chảy ra đồng ruộng” - ĐBQH nói.

Ông dẫn vụ việc xảy ra tại Vị Thủy (Hậu Giang). Nhiều hộ dân đang khiếu nại, việc lấy cát biển làm vật liệu thay thế đã làm nguồn nước nhiễm mặn khiến người dân liên tiếp bị thiệt hại trong 2 vụ mùa. Một số cánh đồng bị thiệt hại trên 70%, một số diện tích bị thiệt hại từ 20 - 50%. Cụ thể, trong khu vực bị ảnh hưởng có 9 hộ dân với tổng diện tích gieo sạ là 33.300m2, trong đó diện tích thiệt hại là 10.700m2.

Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết, trữ lượng cát biển có thể khai thác rất lớn, nằm xa bờ, khai thác nông nên
Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết, để tránh gây sụt lún, khu vực khai thác cát biển được xác định nằm xa bờ và khai thác nông

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giải trình, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế. Hiện nay, dự án thí điểm của Bộ Giao thông Vận tải trong tiến hành san lấp và xây dựng đường giao thông. Bộ TNMT được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.

Thời gian qua, Bộ TNMT đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu m3 cách bờ gần 20km, thân mỏ chiều sâu 7m. Bộ trưởng cho biết, trữ lượng rất lớn và hiện nay cát biển đã được sử dụng san lấp và sử dụng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp và các dự án ven biển.

Bộ trưởng khẳng định, với mỗi công trình cần đánh giá tác động môi trường để tránh nguy cơ xâm nhập mặn như ĐBQH nêu. Hiện cát biển được sử dụng tốt nhất sử dụng ở khu vực đã nhiễm mặn. Nguyên tắc khi sử dụng cát biển thay thế là không được gây nhiễm mặn môi trường xung quanh. Bộ Xây dựng sẽ có quy trình cụ thể về từng công trình xây dựng.

Trước lo lắng gây sụt lún như các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh thông tin thêm, với trữ lượng cát ở khu vực Sóc Trăng, theo Bộ TNMT đây là khu vực cách xa bờ, Bộ cũng khuyến cáo chỉ khai thác thân mỏ ở chiều sâu 2m để đảm bảo an toàn. Đánh giá của Bộ TNMT cũng thấy, việc khai thác cát ở khu vực này không gây ảnh hưởng đa dạng sinh học.

Liên quan tới vụ việc lúa chết do ngập mặn tại Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ TNMT cho biết sẽ tìm hiểu thêm và trả lời ĐBQH bằng văn bản.

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI