Liệu liều vắc xin thấp hơn có thể là chìa khóa để chấm dứt đại dịch COVID-19?

24/07/2021 - 09:23

PNO - Trong đợt bùng phát bệnh sốt vàng da, một chứng bệnh sốt xuất huyết cấp tính do virus ở Brazil năm 2018, đã xảy ra tình trạng thiếu vắc xin. Giới chức y tế Brazil đã quyết định cung cấp vắc xin theo liều lượng phân đoạn, tức là tiêm vắc xin bằng 1/5 mức của liều bình thường. Kết quả, nhiều người được bảo vệ trong một thời gian ngắn và dịch bệnh đã được khống chế.

Một phụ nữ được tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 trong đợt tiêm chủng đại trà ở Mexico City - Ảnh: Reuters
Một phụ nữ được tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 trong đợt tiêm chủng đại trà ở Mexico City - Ảnh: Reuters

Liều lượng phân đoạn hoặc liều thấp hơn nhiều năm qua đã được sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới như một phương tiện để khắc phục tình trạng thiếu vắc xin.

Năm 2016, biện pháp này được sử dụng ở Angola và Cộng hòa Dân chủ Congo trong các đợt bùng phát bệnh sốt vàng da ở các quốc gia châu Phi này. Bây giờ, có bằng chứng cho thấy nó có thể được thực hiện đối với một số loại vắc xin COVID-19.

Theo cơ sở dữ liệu Our World in Data, trong khi 3,79 tỷ liều vắc-xin đã được tiêm chủng trên toàn thế giới, 73,1% dân số toàn cầu vẫn chưa nhận được mũi vắc xin nào. Khi nhiều nước giàu có thể mở cửa trở lại sau khi tiêm chủng cho hầu hết công dân trong nước, thì ở các quốc gia thu nhập thấp, chỉ 1,1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin.

Alex Tabarrok, giáo sư kinh tế Đại học George Mason (Mỹ), cho biết: “Liều (vắc xin) phân đoạn là liều tốt hơn là không có liều nào, và nó còn tốt hơn một số loại vắc xin hiện đang được sử dụng”.

“Khả năng miễn dịch thấp hơn nhưng không thua kém gì”

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã xem xét dữ liệu từ các thử nghiệm ban đầu của vắc xin Moderna. Trong giai đoạn đó, những người tham gia thử nghiệm được tiêm nhiều loại liều khác nhau.

Cuối cùng, liều 100 microgram được đưa sang giai đoạn 3 và sau đó. Nhưng dữ liệu cho thấy 7 tháng sau khi được tiêm 2 liều 1/4 mỗi liều 25 microgam, những người tham gia thử nghiệm có phản ứng miễn dịch tương tự với liều đầy đủ.

Mô hình hóa trong một nghiên cứu về liều lượng thấp hơn cho thấy rằng vắc xin có hiệu quả 70% so với hiệu quả 95% của vắc xin sau 2 tháng và giảm tỷ lệ tử vong từ 20 đến 37% - Ảnh: AP
Mô hình hóa trong một nghiên cứu về liều lượng thấp hơn cho thấy rằng vắc xin có hiệu quả 70% so với hiệu quả 95% của vắc xin sau 2 tháng và giảm tỷ lệ tử vong từ 20 đến 37% - Ảnh: AP

Theo các nghiên cứu được thực hiện, các tế bào T và kháng thể trung hòa ở liều 1/4 và 1/2 tương đương với liều đầy đủ.

Alex Sette, giáo sư miễn dịch học tại Viện Miễn dịch học La Jolla (Mỹ) và đồng tác giả của nghiên cứu mới về liều lượng 1/4 của vắc xin Moderna, cho biết: “Khả năng miễn dịch thấp hơn nhưng không thua kém gì, nó có thể hiệu quả như liều 100 microgam”. Nhưng ông cho rằng cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa về vấn đề này.

Tính đến ngày 23/7, khoảng 3,79 tỷ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn thế giới, nhưng 73,1% dân số toàn cầu vẫn chưa được tiêm chủng - Ảnh: EPA
Tính đến ngày 23/7, khoảng 3,79 tỷ liều vắc xin đã được tiêm trên toàn thế giới, nhưng 73,1% dân số toàn cầu vẫn chưa được tiêm chủng - Ảnh: EPA

Triển khai liều lượng thấp hơn

Các thử nghiệm với liều lượng vắc xin thấp hơn còn ít và cần phải thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định chắc chắn chúng sẽ hiệu quả như thế nào.

Có một số nghiên cứu đang diễn ra, bao gồm một nghiên cứu cho vắc xin Pfizer ở Bỉ. Nhưng một số nhà khoa học nói rằng không cần phải chờ đợi để triển khai nó. “Các nghiên cứu đã đủ để xem xét chia nhỏ liều vắc xin”, ông Cowling nói.

Các quốc gia như Vương quốc Anh đã thử triển khai liều vắc xin thứ hai được kéo dài từ 4 tuần lên 8-12 tuần. Việc kéo dài khoảng cách giữa hai mũi vắc xin có ý nghĩa tương đương với việc chia nhỏ liều vắc xin trong nguồn cung ứng.

Nếu sử dụng liều thấp hơn, nguồn cung vắc xin toàn cầu sẽ tăng lên. Nếu liều như vậy có hiệu quả trong việc ngăn ngừa con số tử vong và các ca bệnh nặng, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chấm dứt đại dịch.

Hoàng Diệu (theo Aljazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI