Liệu COVID-19 có trở thành nỗi lo mới của giới trẻ? 

29/07/2021 - 12:29

PNO - Biến thể Delta không chỉ làm cho tốc độ lây nhiễm COVID-19 nhanh và lan rộng hơn mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến người trẻ tuổi, đặc biệt là trẻ em.

Nỗi lo mới 

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lần đầu tiên báo cáo về loại virus SARS-CoV-2 vào tháng 2/2020 thì một trong những tin tốt lành là trẻ em tương đối ít bị ảnh hưởng. Vào thời điểm đó, COVID-19 dường như là căn bệnh của người già, thừa cân và người có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Nhưng hơn một năm sau, khi các nước giàu bắt tay vào chương trình tiêm chủng để bảo vệ không chỉ người cao tuổi mà còn toàn bộ người trưởng thành với kết quả số ca nhập viện và tử vong giảm thì các câu hỏi dành cho trẻ em bắt đầu thay đổi. Ở Anh, Mỹ, châu Âu gần đây, số ca nhiễm ở trẻ em và thanh thiếu niên đã gia tăng. 

Nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận sự gia tăng các bệnh nhiễm COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên
Nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận sự gia tăng các bệnh nhiễm COVID-19 ở trẻ em và thanh thiếu niên

Riêng Indonesia, ngày 26/7, truyền thông nước này cho biết, tỷ lệ trẻ em ở quốc gia này chết vì COVID-19 được xem là cao nhất thế giới. Chỉ trong tuần thứ hai của tháng Bảy, Indonesia có hơn 150 trẻ em chết vì COVID-19. Và từ đầu đại dịch đến nay, đã có hơn 800 trẻ dưới 18 tuổi chết vì vi-rút, nhưng phần lớn xảy ra trong tháng qua. Các chuyên gia y tế nước này cho rằng, có nhiều yếu tố góp phần khiến số trẻ tử vong cao. Một số có thể dễ bị vi-rút tấn công vì suy dinh dưỡng, béo phì, tiểu đường, bệnh tim... Ngoài ra, vì bệnh viện quá tải và ưu tiên cho bệnh nhân người lớn khiến trẻ bị bỏ rơi. Việc người lớn được cách ly tại nhà cũng làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh cho trẻ.

Tiến sĩ Rochelle P. Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cho biết trong số hơn 600.000 người chết ở Mỹ từ đầu mùa dịch, có 400 là trẻ em. Các nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Mỹ cho thấy, trẻ em chiếm 14,2% tổng số trường hợp COVID-19 tính đến ngày 15/7 ở Mỹ. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, vi-rút có thể gây ra bệnh tật lâu dài, thay đổi sinh lý của cơ thể và các vấn đề về tim, thận, mạch máu và phổi ở trẻ em. COVID-19 là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em ở Mỹ vào năm 2020.

Vắc-xin cho trẻ là cần thiết

Trẻ em nhiễm SARS-CoV-2 như bị cảm cúm thông thường hay tốt hơn là nên bảo vệ chúng thông qua việc tiêm chủng và các biện pháp như giữ khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang? Đây là câu hỏi mà nhiều quốc gia đang đặt ra. May mắn thay, các cơ quan quản lý chăm sóc sức khỏe ở Anh, Mỹ, Singapore và nhiều nước đã phê duyệt vắc-xin Pfizer/BioNTech để sử dụng cho trẻ em từ 12 - 15 tuổi. Thậm chí, Trung Quốc còn duyệt vắc-xin Sinovac cho trẻ từ ba tuổi.

Hiện tại, đã có 25% trẻ em từ 12 - 15 tuổi trên khắp nước Mỹ được tiêm chủng, một phần ba số đó đã nhận được ít nhất một liều. Ở những nơi khác, Israel, Ý và Pháp đã đi trước trong việc tiêm chủng cho trẻ em trong độ tuổi này. Sắp tới, nhiều nước trên thế giới cũng sẽ tiêm vắc-xin cho trẻ nhằm hạn chế ca nhiễm mới và giảm nguy cơ tử vong ở trẻ ở mức thấp nhất. Mới đây, hai hãng dược Moderna và Pfizer cũng đã mở rộng các thử nghiệm vắc-xin cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi.

Trẻ em dưới 12 tuổi là thách thức khó khăn hiện tại đối với các nhà khoa học và các chính phủ khi tỷ lệ nhiễm mới tăng và tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tại Israel và Mỹ, các cơ quan y tế từng hy vọng rằng việc tiêm chủng đủ liều lượng cho người lớn sẽ ngăn chặn được bệnh COVID-19 ở trẻ em. Nhưng mục tiêu này khó có thể thành công với biến thể Delta khi mà nó đã có mặt trên 90 nước với tốc độ lây truyền cao hơn. “Vì thế, không có con đường nào tốt cho tương lai ngoài vắc-xin. Tiêm chủng cho trẻ là bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19”, bà Janet Woodcock, quyền ủy viên của Cơ quan Quản lý thực phẩm và Dược phẩm Mỹ, nói. 

Thảo Nguyễn (theo AP, The Guardian, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI