Liệt nửa người vì chủ quan với tăng huyết áp

22/09/2017 - 16:38

PNO - Hiện nay, Việt Nam có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, tức cứ năm người trưởng thành lại có một người mắc bệnh.

Tăng huyết áp đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu vì ý thức kiểm soát bệnh của cộng đồng còn rất kém.

​Ông P.V.N., 52 tuổi, chủ một doanh nghiệp bất động sản ở Bình Dương, bỗng nhiên thấy chóng mặt, tim đập nhanh suốt cả buổi chiều nhưng chủ quan không để ý. Đến tối, ông đột ngột bị méo miệng khiến gia đình hoảng sợ, đưa ngay vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cấp cứu.

Liet nua nguoi vi chu quan voi tang huyet ap

Sau khi kiểm tra, các bác sĩ (BS) kết luận ông N. bị tai biến, xuất huyết và có máu tụ trong não nên méo miệng và liệt nửa người. Rất may tình trạng xuất huyết não chưa nghiêm trọng. Ông N. lập tức được phẫu thuật hút máu tụ ra ngoài, nằm hồi sức tích cực cả tuần để theo dõi, rồi tập vật lý trị liệu suốt nhiều tháng mới nhúc nhắc đi lại được.

Ông cũng không còn dám quay lại với công việc nữa, sợ áp lực căng thẳng ảnh hưởng đến huyết áp, nguy cơ tái đột quỵ cao. Bà T.T.V., vợ ông N., cho biết ông vốn có tiền sử tăng huyết áp, từng đi khám phòng mạch tư, lấy thuốc uống nhưng thường xuyên không mang theo thuốc; công việc của ông lại nhiều áp lực, khó tránh việc phải đi tiếp khách, rượu bia. Biết sức khỏe không tốt nhưng ông vẫn chủ quan, dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

Liet nua nguoi vi chu quan voi tang huyet ap
Cứ 5 người trưởng thành lại có 1 người bị tăng huyết áp

Tại khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115, hiện có rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ vì chủ quan không kiểm soát huyết áp. Nữ bệnh nhân N.K.A., 37 tuổi, đang đi làm thì bị choáng, đau nhức thái dương trái. Khi được đưa đến bệnh viện thì đã bị liệt nửa người bên phải. Kết quả kiểm tra tim mạch bệnh nhân không có vấn đề gì.

Chồng bệnh nhân cho biết, trước đây vợ anh thường bị tăng huyết áp nhưng không điều trị. BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, nhận định: “Bệnh nhân bị tắc động mạch lớn trên não, đưa đến bệnh viện đã sau 6 giờ kể từ lúc đột quỵ nên không làm gì được. Tính mạng có thể giữ nhưng tình trạng liệt nửa người thì rất khó phục hồi”.

Theo BS Thắng, người dân cần phòng ngừa đột quỵ bằng cách kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ, trong đó có huyết áp. Những dao động về huyết áp sẽ dẫn tới biến cố nguy hiểm gây đột quỵ, kéo theo các bệnh lý về tim mạch. 

Chúng ta vẫn nghe nói tăng huyết áp dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, phình tách động mạch chủ, tai biến mạch não... nhưng không phải ai cũng có thời gian và ý thức để đến bệnh viện kiểm tra và tái khám đều đặn. Để phòng tránh tăng huyết áp trong cộng đồng, tuyến y tế cơ sở đóng vai trò rất quan trọng vì là tuyến y tế gần người dân nhất.

Liet nua nguoi vi chu quan voi tang huyet ap

Hiện nay, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM và các quận huyện 8, 12, Gò Vấp, Thủ Đức đã triển khai dự án Cộng đồng vì trái tim khỏe nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về tăng huyết áp; phát hiện sớm, phòng ngừa, điều trị, quản lý tăng huyết áp hiệu quả và bền vững.

Dự án còn hướng đến việc nâng cao tính liên tục trong chăm sóc điều trị tại cơ sở y tế công lập và tư nhân nhằm giảm tỉ lệ mất dấu bệnh nhân. Thông qua các hoạt động của dự án, đã có 592.000 người dân tiếp cận được với thông tin đúng và đủ về tăng huyết áp, 54.011 người được đo huyết áp miễn phí; trong đó 14.157 người phát hiện tăng huyết áp và 11.119 đã được điều trị.

Huyết áp thế nào là an toàn?

Theo BS Nguyễn Huy Thắng, để phòng tránh đột quỵ và đột quỵ tái phát, người dân cần giữ huyết áp luôn ở mức an toàn là dưới 140/90. Những người có tiền sử tăng huyết áp phải tuyệt đối tuân thủ điều trị, thường xuyên tái khám để BS điều chỉnh liều thuốc cho phù hợp.

Tăng huyết áp hay còn gọi là cao huyết áp xuất hiện khi áp lực máu trong các động mạch tăng cao tỉ lệ thuận theo nhịp đập của tim. Bệnh thường gặp ở những đối tượng như người lớn tuổi, béo phì, đái tháo đường, mỡ máu cao (do ăn uống không lành mạnh), đôi khi là do di truyền.

Các thống kê cho thấy, có trên 30% bệnh nhân không hề biết mình bị tăng huyết áp, hoặc có biết nhưng chủ quan bỏ lơ. Các dấu hiệu cụ thể cho thấy bạn có nguy cơ bị tăng huyết áp, cần đi khám ngay là: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn ói, 
tức ngực. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI