Phản ánh đến báo Phụ Nữ, chị Thanh - em ruột của bệnh nhân (BN) Lê Thị Thanh Nhàn (57 tuổi, ngụ Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết, gia đình chị vô cùng bức xúc khi Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện nội soi ba lần vẫn không lấy được răng giả bị rơi trong bụng mà còn làm rách thực quản, liệt dây thanh khiến chị Nhàn khó nói, không ăn được, phải nằm viện cả tháng trời, và vừa được xuất viện vào ngày 11/11.
Bỗng dưng... rách thực quản
Chị Thanh bức xúc kể: 7 giờ tối ngày 11/10/2016, trong lúc ăn cơm, chị Nhàn phát hiện một cái răng giả ở hàm dưới bị “thất lạc”. Hốt hoảng, chị bỏ ăn và đến BV Quân đoàn 4 (tỉnh Bình Dương). Sau khi siêu âm, chụp X-quang, nội soi, các bác sĩ (BS) phát hiện chiếc răng đang nằm ở dạ dày, tuy nhiên vì BV không có dụng cụ gắp răng trong ruột ra, nên BS khuyên gia đình tôi chuyển chị Nhàn sang BV khác. Vì cái răng có móc sắt nên gia đình không an tâm, quyết định chuyển gấp sang BV Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Lúc đầu, các BS tại BV Đa khoa tỉnh Bình Dương giải thích, cái răng có thể sẽ ra tự nhiên theo đường hậu môn, do đó, BN được nằm lại để theo dõi và nếu đến sáng hôm sau, dị vật vẫn không chịu ra thì phải thực hiện nội soi để gắp ra, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Đến sáng 12/10, cái răng vẫn nằm y trong bụng chị Nhàn nên BS cho truyền nước biển, chụp phim, nội soi và lên phương án lấy răng ra. Chúng tôi đồng ý ký để BS gây tê và thực hiện nội soi sớm, nhưng sau vài giờ vẫn không lấy được răng ra. BS lại thông báo phải chuyển BN sang khoa Tai Mũi Họng để thực hiện lần hai. BN lại được gây tê, khi kéo răng lên đến cổ họng thì bị vướng lại và thất bại. Chị Nhàn có nghe BS nói “gãy rồi” nhưng không biết gãy cái gì, nên càng hoang mang.
Sau đó, BS có giải thích với gia đình là phải gây mê mới lấy được răng. Gia đình tôi đồng ý gây mê. Đến chiều 12/10, BN lại được đẩy vô phòng mổ để gây mê, nhưng vẫn không lấy được. Các BS tức tốc đẩy BN lên xe cứu thương chở đến TP.HCM cấp cứu.
“Lúc đó, mẹ ói ra máu, ở cổ có một vết mổ và còn gắn nguyên ống nhựa cứng dùng để luồn ống nội soi vào”, chị Út - con gái chị Lê Thị Thanh Nhàn nhớ lại.
Thí nghiệm trên người bệnh?
Trình bày về quá trình cứu BN Nhàn, BS Nguyễn Quang Tú - BV Tai Mũi Họng TP.HCM cho biết: BN nhập viện với chẩn đoán là nội soi thực quản bằng ống cứng để lấy răng giả ra nhưng thất bại. Khi nhập viện, trên cổ BN vẫn còn đặt ống nội khí quản, miệng có dịch màu hồng chảy ra sau khi thực hiện nội soi, BN vẫn tỉnh.
Sau đó, BN được chụp CT vùng cổ ngực bụng và thấy dị vật là một chiếc răng giả có gắn móc với bản cung răng cỡ 4x2,5cm, nằm ở thực quản. BN được tiến hành gây mê, nội soi lấy dị vật bằng ống cứng. Trong lúc nội soi, các BS cũng ghi nhận thực quản đã bị rách. Sau khi lấy được dị vật ra, BV đã chuyển qua BV Bình Dân để điều trị tiếp về đường tiêu hóa.
BS Trần Công Quyền - Trưởng khoa Mạch máu Lồng ngực BV Bình Dân cho biết: "BN được chuyển từ BV Tai Mũi Họng TP.HCM qua trong tình trạng nhiễm trùng, đau họng, sưng cổ. Khi nội soi, chúng tôi thấy thủng thực quản, xét nghiệm ghi nhận bạch cầu trong máu tăng, chụp CT ghi nhận cổ và trung thất bị áp-xe (mủ) do thủng thực quản sau khi gắp dị vật. BN đã được khâu thực quản, dẫn lưu áp-xe (mủ), hoàn toàn không ăn uống bằng miệng nên phải rạch một đường ở bụng để mở dạ dày, đưa ống thông vào nuôi ăn. Nếu không kịp thời xử lý, dịch chảy lan xuống trung thất sẽ gây áp-xe quanh cổ, khả năng tử vong rất cao. Sau hai tuần nằm viện, BN đã lành vết thương, cổ cũng không còn áp-xe, tuy nhiên BN vẫn còn khàn tiếng do liệt dây thanh âm bên trái. Dự kiến phải sau sáu tháng nữa mới hồi phục, vì theo kinh nghiệm của tôi thì tình trạng này chỉ liệt tạm thời. Và BN vẫn còn nói hụt hơi".
Nhìn chị gái nói khó, không ăn được, chị Thanh đau lòng trách móc: “Gia đình tôi vô cùng bức xúc là tại sao BV Tai Mũi Họng cũng thực hiện gây mê và lấy ra dễ dàng, còn BV Đa khoa tỉnh Bình Dương nội soi đến ba lần không lấy được cái răng giả. Chưa kể, sau đó chị Nhàn bị mất giọng, liệt dây thanh, rách thực quản do lấy dị vật không thành công gây ra và phải chuyển tiếp qua BV Bình Dân điều trị kéo dài. Tất cả chi phí này ai chịu? Cũng là phương pháp nội soi, nhưng nếu BV Đa khoa tỉnh Bình Dương lấy răng không được, sao không chuyển BN lên TP.HCM ngay từ đầu? Gia đình tôi không muốn BV thí nghiệm trên người bệnh, thực hiện đến ba lần, gây ra biến chứng mới chuyển viện”.
Trả lời với phóng viên báo Phụ Nữ, BS Dương Tấn Tài - Phó giám đốc BV Đa khoa tỉnh Bình Dương cho rằng: "Nếu tôi là người nhà của BN thì tôi cũng bức xúc, trách móc BS vì đi lấy răng thất bại lại làm liệt dây thanh, rách thực quản. Tuy nhiên, đây không phải lỗi của BS. Việc chuyển BN ngay từ đầu rất dễ, nhưng chúng tôi muốn cứu BN, chứ không phải giữ lại để nâng cao tay nghề. Riêng việc BV Bình Dân chẩn đoán rách thực quản do dị vật và liệt dây thanh âm thì chúng tôi tin tưởng, nhưng việc rách thực quản, liệt dây thanh do BV Tai Mũi Họng TP.HCM hay do BV Đa khoa tỉnh Bình Dương gây ra thì cần phải có hội đồng chuyên môn xác định, chứ đổ lỗi ngay cho BV Đa khoa tỉnh Bình Dương là không công bằng”.
Tổn thương thanh quản trong trường hợp nuốt dị vật như chị Nhàn hiếm khi xảy ra. Các BS khuyến cáo người mang răng giả tháo lắp nên kiểm tra, tốt nhất nên trồng răng cố định. Răng giả thường có móc kim loại, khi nuốt, trên đường di chuyển xuống bụng có thể làm rách thực quản, đến dạ dày có thể gây nghẹt môn vị dạ dày, thậm chí làm thủng ruột. Những trường hợp này đều phải can thiệp ngoại khoa để lấy dị vật ra. Khi đã lỡ nuốt, BN không nên cố móc họng, không nuốt cơm để trôi dị vật mà cần tới cơ sở y tế ngay. |
Văn Thanh