Liệt chân vì giác hơi, nắn bóp chữa thoát vị đĩa đệm

17/07/2019 - 08:25

PNO - Do đau mỏi vì thoát vị đĩa đệm cột sống, bệnh nhân nữ 50 tuổi tìm đến nhà thầy lang nắn bóp, giác hơi. Tuy nhiên, chỉ sau vài tiếng, hai chân của chị không thể nhúc nhích được, hai tay tê bì, yếu ớt…

Ngày 17/7, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, lên tiếng cảnh báo về tình trạng xoa bóp, bấm huyệt… chữa xương khớp tại những cơ sở y học cổ truyền thiếu uy tín.

Bác sĩ Khánh cho biết, mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 50 tuổi gặp họa sau khi điều trị thoát vị đĩa đệm tại nhà thầy lang. Bệnh nhân này bị thoát vị đĩa đệm cột sống, nhưng chưa quá nặng. Do đau mỏi nhiều nên chị đã tìm tới một thầy lang để giác hơi, nắn bóp.

Sau khi về nhà được khoảng 6 tiếng đồng hồ, chân phải của chị xuất hiện cảm giác tê bì tăng dần kèm theo tức nặng chân; 1 tiếng sau thì không thể nhúc nhích được. Cảm giác khủng khiếp đó dần lan sang chân còn lại và cuối cùng, từ vùng ngang ngực xuống đến hai chân đều mất cảm giác. Chị mất hoàn toàn khả năng vận động, mất cảm giác, hai tay tê bì và yếu.

Chị được gia đình chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện một khối máu tụ rất to đang chèn ép lên cột sống cổ bệnh nhân. Bác sĩ Khánh cho biết đây chính là nguyên nhân gây ra tình trạng liệt hai chân ở bệnh nhân nữ này.

Liet chan vi giac hoi, nan bop chua thoat vi dia dem
Hình ảnh khối máu tụ chèn ép khiến bệnh nhân bỗng dưng liệt hai chân sau khi nắn bóp, giác hơi.

Ca mổ cấp cứu tiến hành lúc gần nửa đêm, diễn ra trong 2 tiếng đồng hồ, khối máu tụ lớn trong cột sống cổ của bệnh nhân được lấy bỏ, giải phóng chèn ép tủy thần kinh. Sau mổ, bệnh nhân thở yếu nên phải nằm hồi sức 3 ngày. May mắn, ngày thứ 5 sau mổ, chân của chị đã vận động trở lại, co duỗi bình thường.

Bác sĩ Trần Quốc Khánh khuyến cáo, khi gặp các vấn đề về xương khớp, cột sống, bệnh nhân nên đi khám sớm để tìm kiếm phác đồ điều trị, tư vấn từ những bác sĩ chuyên khoa.

Không vội vàng nghe theo lời rỉ tai và tìm đến các cơ sở nắn bóp, đắp, sử dụng thuốc kéo dãn… chưa được cấp phép. “Bất cứ lúc nào, nếu đi xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, bệnh nhân nên tìm đến những trung tâm chính thống và được đào tạo bài bản tại những viện Y học cổ truyền, trung tâm phục hồi chức năng có giấy phép hoạt động chính thức của Bộ Y tế”, bác sĩ Khánh nói.

Đặc biệt, bác sĩ Khánh nhấn mạnh, trong cơn say, cơn đau, mệt mỏi, cơn mơ ngủ… hãy cẩn thận với những động tác xoay-nắn-giật-nhổ đột ngột từ những nhân viên xoa bóp. Vì chính những động tác đó có thể vô tình làm thoát vị cấp, vỡ mạch máu… và gây liệt cấp tính.

Sau tác động, mát xa, châm cứu, tiêm chọc... vào cột sống, nếu bệnh nhân thấy tê bì tay, chân tăng dần hoặc cảm giác yếu liệt tăng dần thì cần đến ngay trung tâm y tế có khả năng chụp cộng hưởng từ để quét cột sống kiểm tra xem có bị thoát vị, máu tụ chèn ép cấp tính không.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI