Liên tục nhiều thai phụ đang điều trị sởi bỗng sinh non, thai chết lưu

16/01/2019 - 10:51

PNO - Bệnh sởi đang quay trở lại sau 4 năm tạm lắng, từ cuối năm 2018 đến nay. Người mắc bệnh sởi nhập viện ồ ạt vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Trong đó, không ít thai phụ bị sởi tấn công dẫn tới thai lưu, sinh non.

Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Thúy Hoa – Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM – cho biết tới thời điểm này, khoa Nội A cũng đang điều trị cho 7 thai phụ mắc bệnh sởi với tuổi thai từ 8 đến trên 30 tuần.

“Điều đáng lo ngại là có nhiều ca thai phụ mắc bệnh sởi đã sinh non trong khi đang điều trị. Cụ thể, từ tháng 10/2018 đến nay, nhiều thai phụ mắc sởi biến chứng viêm phổi, chuyển dạ, có dấu sinh phải chuyển qua các bệnh viện phụ sản và sinh non, một trường hợp thai chết lưu và ba trường hợp phải chấm dứt thai kỳ”, bác sĩ Hoa cho hay.

Lien tuc nhieu thai phu dang dieu tri soi bong sinh non, thai chet luu
Sốt liên tục 10 ngày chị N. mới vào bệnh viện thì được chẩn đoán mắc bệnh sởi

Như ngày 23/12, chị V.T.T. (28 tuổi, ở quận 2) mắc bệnh sởi khi mang thai 24 tuần, chị nhập viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 2 ngày thì có dấu sinh non tại bệnh viện, sau đó bé được chuyển đến khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ. Bé quá nhỏ nên bị nhiều biến chứng sơ sinh.

Trường hợp khác... Ngày 25/12, do bị bệnh sởi biến chứng viêm phổi, chị N.T.K.P. (26 tuổi, ở Tiền Giang) nhập viện, không lâu sau chị chuyển dạ khi thai được 34 tuần tuổi. Bệnh viện Hùng Vương đã hỗ trợ mẹ tròn con vuông.

Chỉ vài ngày sau, thai phụ N.T.T. (29 tuổi, ở TP.HCM) cũng bị sởi như chị P. khi thai mới hơn 32 tuần. Nằm viện vài ngày, chị T. lại có dấu sinh nên được chuyển ngay đến Bệnh viện Từ Dũ. Vài tiếng sau, chị T. sinh non. 

Lien tuc nhieu thai phu dang dieu tri soi bong sinh non, thai chet luu
Hầu hết các thai phụ tại đây chưa tiêm ngừa sởi.

Sau khi sinh, sản phụ được đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, còn em bé chuyển đến bệnh viện phụ sản để được chăm sóc tốt hơn. Tuy hầu hết các ca sinh đều cứu được cả mẹ lẫn con, nhưng những bé được sinh sớm đa phần bị mắc biến chứng ở trẻ sinh non.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều thai phụ khác mắc sởi mới cũng đang lần lượt vào viện điều trị, đa phần thai phụ đều chưa tiêm ngừa sởi. Bị sốt liên tục nhưng chị K.T.N.N. (28 tuổi, ở quận 7) đang mang thai 20 tuần tuổi chỉ đi khám bác sĩ tư chứ không vào bệnh viện, chị N. được chẩn đoán sốt, viêm họng thông thường và được cho 10 ngày thuốc. 

Lien tuc nhieu thai phu dang dieu tri soi bong sinh non, thai chet luu
Ai cũng lầm tưởng sởi với các bệnh như cảm cúm, viêm họng, ho thông thường,... đến khi nổi ban mới cuống cuồng vào viện thì bệnh đã nặng.

Trong 10 ngày uống thuốc, chị vẫn sốt, mệt mỏi, khàn giọng, mặt sần sùi vì nổi ban. “Chịu không nổi, tôi nhờ người nhà đưa đi bệnh viện mới biết mình bị sởi. Bây giờ tôi lo lắng nhất là con của mình, mong cháu có thể cùng tôi vượt qua căn bệnh này”, chị N. nói.

Bác sĩ Hoa nói thêm: “Bệnh sởi không lây từ mẹ sang con, nhưng phụ nữ mang thai miễn dịch vốn đã yếu, khi mắc bệnh sởi miễn dịch càng kém hơn nên dễ bị sinh non. Bên cạnh đó thai phụ có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng do sởi gây ra. Vì vậy, phụ nữ nên tiêm ngừa sởi trước khi mang thai từ 1-3 tháng, khi đã có thai muốn tiêm ngừa phải đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn. Thai phụ có dấu hiệu bệnh sởi cần nhanh chóng đến cơ sở y tế khám, theo dõi dấu hiệu của thai để được hỗ trợ y tế kịp thời”.

Lien tuc nhieu thai phu dang dieu tri soi bong sinh non, thai chet luu
Khoa Nội A của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho 7 thai phụ mắc bệnh sởi với tuổi thai từ 8 đến trên 30 tuần

Trong trường hợp phát hiện có thai ngay sau khi tiêm ngừa bệnh này, các bà mẹ cần đi khám thai và theo dõi bệnh theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi khi bị sốt, đau họng, ho khan, sổ mũi, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt, ghèn, sổ mũi, mắt mũi tèm nhem, mệt mỏi. Hai ngày tiếp theo mặt bị nổi ban đỏ, sau đó phát ban ở ngực, lưng, tay chân.

Người bệnh nên đến các cơ sở y tế địa phương như các bệnh viện quận, huyện, phòng khám…. để bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị. Sởi chưa có biến chứng, bác sĩ có thể cho theo dõi điều trị ngoại trú  và cách ly tại nhà ít nhất 4 -5  ngày sau phát ban Sởi, mang khẩu trang y tế,  hạn chế đến nơi đông người  tránh lây lan cho người xung quanh. Những trường hợp có biến chứng như viêm phổi  hoặc cơ địa đặc biệt như thai phụ hoặc suy giảm miễn dịch… nên được nhập viện điều trị.

Bệnh sởi lây qua đường hô hấp, dịch tiết của người bệnh khi ho, hắc hơi bắn ra không khí và người xung quanh hít vào, vì vậy bất kỳ ai cũng không nên chủ quan, nhất là đối với người chưa tiêm phòng căn bệnh này.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI