“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, với tâm lý này, những ngày đầu xuân, không ít người đã lao vào những cuộc chè chén. Năm nay, thời tiết ở miền Trung lạnh bất thường nên rượu được các “đệ tử lưu linh” chọn làm đồ uống trong các cuộc gặp mặt đầu năm. Ngộ độc rượu ở miền Trung cũng vì thế tăng lên.
Loạn thần, suy kiệt do uống rượu
Sau một tuần nhập viện điều trị, La Văn V. (ngụ huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) mới dần hồi tỉnh. V. là bệnh nhân bị loạn thần do sử dụng rượu quá nhiều. Anh kể, năm nay, công ty hết việc nên anh về quê đón tết sớm. Tranh thủ thời gian rảnh, anh thường gặp mặt bạn bè chè chén, hàn huyên.
|
Bác sĩ Trần Phạm Chí kiểm tra hình ảnh chụp gan của một bệnh nhân bị tổn thương do uống rượu quá nhiều |
“Đến khoảng 29 tháng Chạp, tôi thấy thần trí mình không ổn, luôn nghe thấy tiếng ai đó rượt đuổi, dọa giết bên tai. Có những đêm vì quá sợ hãi, tôi chạy lên rừng trốn, lấy dao tự cứa cổ mình mà không hay biết. May mắn là người thân phát hiện, đưa tôi vào viện kịp thời” - anh V. thuật lại.
Những ngày qua, bà Nguyễn Thị Th. (ngụ huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) luôn phải túc trực bên giường bệnh của người chồng nghiện rượu. Khi chồng la hét, bà Th. phải nhờ sự giúp sức của một số người để giữ chặt tay chân anh ta. Bà kể, cả tháng qua, hầu như ngày nào chồng cũng uống rượu. Có ngày, anh uống hơn 2 lít mà không ăn gì. Những ngày gần đây, anh chuyển sang la hét và luôn kêu bị kiến cắn khắp người. Thấy tình trạng ngày càng nặng nên bà Th. đưa chồng đi bệnh viện.
Tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, chúng tôi bắt gặp khá nhiều trường hợp bị loạn thần, suy kiệt do sử dụng rượu quá nhiều. Bác sĩ Nguyễn Văn Thủy - Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện - cho biết, những ngày sau tết, khoa này liên tục tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc rượu, phần lớn đều nhập viện trong tình trạng hôn mê, hạ thân nhiệt. Đặc biệt, có những bệnh nhân toan chuyển hóa nặng do uống nhầm rượu cồn công nghiệp.
Bác sĩ Nguyễn Cảnh Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An - cũng cho hay, trước và sau tết, bệnh viện tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân nhập viện do uống rượu. Có trường hợp chỉ rối loạn tâm thần, nhưng không ít trường hợp bị rối loạn ý thức, nói lảm nhảm, đe dọa tự tử... “Nhiều bệnh nhân nặng, buộc phải trói chân tay trên giường bệnh trong vài ngày đầu điều trị để tránh quậy phá. Khi uống rượu đến giai đoạn không còn dung nạp được nữa sẽ sa sút về nhận thức. Nhiều trường hợp không kiểm soát được bản thân, thường hoang tưởng có người giết mình, nếu không kịp đưa vào bệnh viện điều trị sẽ dễ dẫn đến những tai nạn đáng tiếc” - bác sĩ Hùng chia sẻ.
Tại Thừa Thiên - Huế, theo thống kê từ Trung tâm Y tế huyện A Lưới, từ ngày 25/1 đến nay có 8 trường hợp bị ngộ độc do uống rượu không rõ nguồn gốc. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Vỹ - Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế - cũng cho biết, từ dịp nghỉ tết đến nay, đơn vị ghi nhận có 5 trường hợp vào cấp cứu do ngộ độc rượu. Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Huế, cũng đang điều trị cho 5 bệnh nhân bị ngộ độc rượu.
Đừng tin vào thuốc giải rượu
Nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu cho biết, sở dĩ họ uống rất nhiều rượu trong nhiều ngày liên tiếp là do tin tưởng vào các sản phẩm giải rượu “cấp tốc” đang bán trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế cho hay, có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo “giúp đào thải rượu” được bán trên thị trường, nhưng không có tác dụng thật. Cho nên, tốt nhất là ngay từ đầu không nên uống bia rượu hoặc chỉ uống với mức độ ít nhất có thể.
|
Bệnh nhân ở tỉnh Nghệ An bị loạn thần, hoang tưởng nặng do sử dụng rượu quá nhiều, phải trói tay chân để nạn nhân không tự sát |
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Phạm Chí - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Huế - cho biết, thông thường những người uống rượu bia số lượng nhiều sẽ có dấu hiệu đau vùng thượng vị dữ dội, thậm chí nôn ra máu. Nội soi cho thấy toàn bộ niêm mạc dạ dày đỏ ửng như những cánh hoa hồng, mức độ nặng có thể bị xuất huyết. Ngoài ra, cũng có trường hợp bị tổn thương gan dẫn tới suy gan cấp. Bệnh nhân lúc này có dấu hiệu mệt mỏi, vàng da, nước tiểu sẫm màu… Bác sĩ Chí khuyến cáo, khi người uống rượu bia không làm chủ về lời nói, hành vi, chứng tỏ họ đã bị ngộ độc khá lâu. Biểu hiện của ngộ độc rượu bia, những người xung quanh có thể nhận thấy nhưng “đương sự” khó nhận thấy.
Dịp đầu xuân, rất nhiều cơ quan, gia đình, doanh nghiệp tổ chức tiệc tùng, gặp mặt. Để giảm tác hại của bia rượu, có một số mẹo nhỏ bất đắc dĩ có thể áp dụng như: ăn nhiều, ăn một ít tinh bột, rau, thịt, cá… Những thức ăn này giúp cho rượu không thẩm thấu nhanh qua niêm mạc đường tiêu hóa (làm ngộ độc rượu cấp). “Sử dụng một số loại nước trái cây và thức ăn nhẹ giúp giảm nồng độ rượu. Hát hò, nói chuyện cũng giúp thải rượu qua đường hô hấp. Nếu thấy tri giác hoặc hành động cử chỉ của mình không được bình thường, hãy lập tức ngưng uống” - bác sĩ Trần Phạm Chí tư vấn.
Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã ghi nhận nhiều vụ cấp cứu do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, rượu có hàm lượng methanol cao. Trước tình hình này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản liên quan đến việc kiểm soát rượu gửi đến sở y tế các tỉnh, thành phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh.
Đà Nẵng: Nhiều bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn Bác sĩ Lê Đức Nhân - Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng - cho biết, từ dịp nghỉ tết đến nay, bệnh viện tiếp nhận khá nhiều trường hợp tai nạn giao thông vi phạm nồng độ cồn và các bệnh lý mạn tính liên quan đến rượu. Bệnh nhân tai nạn giao thông có nồng độ cồn trong máu sẽ được phân loại điều trị. Một số trường hợp nặng như: chấn thương sọ não biến chứng hôn mê sâu, chấn thương tạng biến chứng choáng mất máu, choáng chấn thương hoặc hôn mê gan… bệnh viện phải thực hiện một số biện pháp kỹ thuật và máy móc hiện đại mới giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Ngoài ra, cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì viêm gan mạn tính do sử dụng rượu kéo dài dẫn đến tổn thương gan, xơ gan. Khi phát hiện bệnh thì đã ở giai đoạn muộn nên việc điều trị gặp khó khăn. Lê Đình Dũng |
Thuận Hóa - Phan Ngọc