Chiều 6/7, HĐND TP.HCM khóa IX đã bế mạc kỳ họp thứ 5 với 14 nghị quyết được thông qua, bao gồm các quyết sách quan trọng cho sự phát triển bền vững của TP.
Thu hút giáo viên không hộ khẩu TP
|
Các chính sách hỗ trợ vẫn chưa thu hút, khiến TP.HCM vẫn thiếu giáo viên mầm non trầm trọng |
Tại phiên bế mạc, HĐND TP đã thông qua tờ trình về “Chính sách thu hút giáo viên mầm non trên địa bàn TP”. Nghị quyết này được thông qua cho phép các trường mầm non công lập được tuyển dụng giáo viên không có hộ khẩu tại TP.HCM.
Trả lời băn khoăn của đại biểu về việc giáo viên hợp đồng chỉ được hưởng lương 9 tháng/năm mà không được hỗ trợ hết 12 tháng, sẽ không bảo đảm đời sống và đủ sức hút giáo viên, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, trên thực tế, giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng không nghỉ hè mà chỉ nghỉ một thời gian rất ngắn từ ngày 1 đến 15/6 hằng năm.
Từ 15/6 cho đến hết hè, họ làm việc theo nhu cầu của phụ huynh học sinh gửi con bằng hình thức tự nguyện. Như thế, họ sẽ nhận thêm một phần hỗ trợ thỏa thuận từ phụ huynh. Do đó, các sở ngành đề nghị mức hợp đồng với giáo viên và nhân viên nuôi dưỡng là 9 tháng.
Theo bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP, quá trình thẩm tra cho thấy việc tuyển dụng giáo viên đạt tiêu chuẩn vào làm việc ở trường mầm non, nhưng trong quá trình làm việc không chịu được áp lực công việc nên họ nghỉ việc. Để thuận lợi cho các trường, HĐND thống nhất hợp đồng giáo viên trong 9 tháng.
Trong thời gian này, chờ các trường xét tuyển giáo viên. Sau khi các giáo viên thực hiện hợp đồng một thời gian họ sẽ xét tuyển, nếu đạt tiêu chuẩn vào trường thì họ sẽ là một viên chức bình thường. Đối với nhân viên nuôi dưỡng, do không có chức danh này theo quy định, nên HĐND thống nhất cho đối tượng này vào hợp đồng công việc. Tương tự như hợp đồng khoán việc, họ không làm việc hết tám giờ đồng hồ mà chỉ làm theo yêu cầu, nhiệm vụ của lớp học để giúp cho giáo viên.
Lập công ty “giải cứu” nông nghiệp
Trước đó, tại phiên chất vấn sáng cùng ngày, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NN-PTNT TP - đã trả lời các vấn đề “nóng” được nhiều cử tri quan tâm.
Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết nêu vấn đề khủng hoảng trong việc “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp thời gian gần đây. “Trong bài toán giải cứu sản phẩm nông nghiệp, thành phố đóng vai trò gì? Qua hiện tượng này, thành phố rút ra bài học gì để ngăn ngừa, không để vấp phải những vấn đề này trong tương lai?”, bà Tuyết đặt vấn đề.
Cùng băn khoăn vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, hiện nay nhiều người dân tự “giải cứu” heo bằng cách tự giết mổ, bán thịt ngay tại lòng lề đường, vừa không đúng quy định, vừa mất vệ sinh, lấn chiếm lòng lề đường. Vậy giải pháp nào để hạn chế tình hình này?
Trả lời chất vấn, ông Trung cho biết, việc “giải cứu” heo nói riêng hay các sản phẩm nông nghiệp nếu chỉ mình ngành nông nghiệp làm thì không xuể. Bởi nếu “giải cứu” xong cho TP thì sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh khác cũng tràn về.
“Thời gian qua Sở NN-PTNT đã thực hiện một số giải pháp để “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, sở đã ký kết, thực hiện 55 hợp đồng với các đơn vị tiêu thụ, đồng thời, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch với các đơn vị này. Ngoài ra, sở còn định kỳ tổ chức phiên chợ nông sản nhằm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp sạch tới người tiêu dùng. Phối hợp với các đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi vừa sạch, vừa rẻ cho người dân…
Sở đang xây dựng kế hoạch thành lập một công ty cổ phần chuyên sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Công ty này sẽ trực tiếp đưa sản phẩm an toàn ra thị trường nhằm cắt giảm chi phí trung gian để nâng cao giá thu mua cho nông dân. Ngoài ra, công ty cũng sẽ là đầu mối tổ chức phân phối sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn thông qua các chợ phiên, bán hàng online và mở rộng phân phối các cửa hàng riêng. Hiện đã có 15 doanh nghiệp, hợp tác xã đã đồng ý tham gia vào việc thành lập công ty này”, ông Trung thông tin.
Ngoài vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản, phiên chất vấn cũng tập trung thảo luận những bức xúc hiện nay của cử tri về quy hoạch phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, sử dụng đất nông nghiệp, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp… Kỳ họp thống nhất ý kiến TP.HCM tiếp tục sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học vì định hướng này hoàn toàn phù hợp trong bối cảnh đất dành cho sản xuất nông nghiệp của TP ngày càng giảm.
Cũng tại kỳ họp, HĐND TP đã thông qua tờ trình về việc miễn phí cho người cao tuổi 70 trở lên khi tham gia giao thông công cộng bằng hình thức xe buýt (đối với các tuyến xe buýt có trợ giá), bắt đầu từ ngày 1/8.
Về lĩnh vực đầu tư, HĐND TP thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công đối với danh mục 101 dự án nhóm B sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có tổng vốn đầu tư gần 27.090 tỷ đồng. Trong đó, gần 26.360 tỷ đồng từ ngân sách TP, phần còn lại từ các nguồn khác.
Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn từ năm 2016-2020 với tổng vốn đầu tư gần 171.890 tỷ đồng, bao gồm gần 21.900 tỷ đồng từ vốn trung ương (chưa gồm 10% dự phòng) và 150.000 tỷ đồng từ ngân sách TP. Nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - văn hóa - xã hội sáu tháng cuối năm 2017 với yêu cầu bảo đảm tốc độ tăng trưởng năm 2017 như tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng từ 8,4-8,7% và thu ngân sách đạt 100% dự toán…
Phát biểu bế mạc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP.HCM - đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND về kinh tế - xã hội năm 2017; công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; lĩnh vực quản lý, phát triển nông nghiệp còn hạn chế, yếu kém; việc thực hiện bảy chương trình đột phá còn chậm.
Trong thời gian tới, TP cần tập trung chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách, chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả. Vấn đề quản lý trật tự đô thị đối với lòng lề đường, vỉa hè cần có kế hoạch toàn diện, có mục tiêu cụ thể, có lộ trình hợp lý. Vấn đề này cần có sự phân công rõ ràng cụ thể từng cấp, từng ngành, từng tổ chức gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Khuyến khích người dân từng khu dân cư cùng bàn kế hoạch, chính quyền điều hành, người dân thực hiện và giám sát…
Đặc biệt, UBND TP cần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính hiệu quả hơn, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ kịp thời khó khăn để TP phát huy vai trò, vị trí của TP với cả nước, triển khai công tác quản lý đô thị căn cơ, hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Về các vấn đề liên quan đến công tác chống ngập, kẹt xe trên địa bàn TP, bà Tâm cho rằng vẫn còn nhiều bất cập, song nhìn theo hướng tích cực hơn thì cũng đã có những chuyển biến, đầu tư đáng kể về ngân sách, kêu gọi vốn xã hội hóa để nâng cấp cơ sở hạ tầng, từng bước khắc phục.
Để tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, bà kêu gọi các đại biểu, cử tri tiếp tục phối hợp tốt HĐND các cấp giám sát việc thực hiện “lời hứa” của các đơn vị được chất vấn, giám sát thực hiện các nghị quyết của HĐND TP.
Từ ngày 1/9, các trường mầm non công lập trên địa bàn TP được thực hiện hợp đồng với giáo viên với mức lương 3,75 triệu đồng/người/tháng, thời gian hưởng là 9 tháng/năm. Song song đó, có thể thực hiện hợp đồng với đối tượng nhân viên nuôi dưỡng, mức hỗ trợ tối thiểu là 2 triệu đồng/người/tháng, thường gian hưởng trong 9 tháng/năm (trong đó ngân sách TP chi một nửa, phần còn lại là nguồn xã hội hóa).
TP cũng sẽ tổ chức hỗ trợ cho giáo viên mầm non (không áp dụng với giáo viên hợp đồng) với mức hỗ trợ là 650.000 đồng/người/tháng, thời gian hưởng 9 tháng/năm và hỗ trợ khuyến khích đối với giáo viên mầm non theo trình độ chuyên môn (không áp dụng với giáo viên hợp đồng) với mức hỗ trợ theo trình độ. Thạc sĩ là 1,5 triệu đồng/người/tháng, đại học là 900.000 đồng/người/tháng, cao đẳng là 550.000 đồng/người/tháng, thời gian hưởng là 12 tháng.
|
Quốc Ngọc - Sơn Vinh