Liên tục gây ngộ độc, vẫn tiếp tục cung cấp suất ăn công nghiệp

02/08/2017 - 11:26

PNO - Đã có 21 công nhân phải nhập viện điều trị sau khi ăn bữa trưa tại Khu chế xuất Tân Thuận. Điều đáng nói là, các suất ăn công nghiệp này do một cơ sở chưa có giấy chứng nhận, nhiều lần sai phạm đứng ra cung cấp.

Không đủ điều kiện an toàn, vẫn cung ứng thức ăn

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Q.7 cho biết, khoảng 17g chiều 28/7, BV này tiếp nhận 21 CN được chuyển đến từ KCX Tân Thuận trong tình trạng chóng mặt, đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Đến ngày 29/7, tất cả CN đã xuất viện. Trao đổi với chúng tôi ngày 1/8, đại diện Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM đã xác nhận vụ việc.

Các CN nói trên làm việc tại Công ty (CT) TNHH Always trong KCX Tân Thuận. Sau bữa ăn trưa ngày 28/7 tại CT, một số CN bắt đầu đau bụng, nhức đầu. Sau đó, khoảng 16g30, hàng loạt CN nôn ói, tiêu chảy, phải đi cấp cứu. 

Theo xác minh của BQL, bữa ăn dành cho CN tại CT Always là do Doanh nghiệp (DN) tư nhân Gia Hưng Đỗ cung cấp. Đây là đơn vị cũng đặt trụ sở chế biến tại KCX Tân Thuận, chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các CT, xí nghiệp. Tuy nhiên, DN này kinh doanh dịch vụ ăn uống trái phép, vì hoạt động mà hoàn toàn không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Lien tuc gay ngo doc, van tiep tuc cung cap suat an cong nghiep
Công nhân Công ty Always điều trị tại BV Q.7, TP.HCM (ảnh nhỏ) và cơ sở chế biến của Công ty Gia Hưng Đỗ nằm trong KCX Tân Thuận - Ảnh: Quốc Ngọc

Trước khi xảy ra ngộ độc tại CT Always vài ngày, Phòng Quản lý nguy cơ và xử lý ngộ độc thuộc BQL đã đi kiểm tra, phát hiện xung quanh khu vực chế biến thức ăn, hành lang, khu vực rửa dụng cụ sơ chế của CT Gia Hưng Đỗ không bảo đảm ATTP, ứ đọng rác, ruồi nhặng…

Phòng đã thẩm định cơ sở chưa đạt điều kiện để cấp phép. Đại diện BQL cũng cho biết, trưa và chiều 28/7, CN CT Always được phục vụ các món gồm cơm, canh, rau cải thảo xào, gà chiên, thịt kho trứng, thịt chiên; ngoài ra, còn có cả món chay là tàu hủ.

Xảy ra nhiều vụ ngộ độc trước đây

Về việc xử lý vi phạm, BQL đã yêu cầu CT Gia Hưng Đỗ ngưng hoạt động; BQL Các KCX và KCN TP.HCM (Hepza) và Phòng y tế Q.7 có trách nhiệm giám sát việc ngưng hoạt động này; đồng thời BQL cũng đã lấy mẫu thức ăn mang đi kiểm nghiệm tại Viện Y tế công cộng (thông thường, sau 20 ngày làm việc, viện sẽ có kết quả kiểm nghiệm).

Phòng Thanh tra BQL ATTP TP.HCM cũng đang xem xét ra quyết định phạt tiền CT Gia Hưng Đỗ từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, CT Gia Hưng Đỗ do bà Đỗ Thị Phương D. làm chủ, vừa đăng ký giấy phép kinh doanh vào đầu năm 2017. Cho đến gần đây, tức vào tháng Bảy, CT mới đề nghị BQL giám định để được cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, nhưng đã bị “đánh rớt”.

Trước đây, bà D. cũng chính là chủ CT TNHH MTV Suất ăn công nghiệp Nụ Cười (Q.7, TP.HCM) - một đơn vị mà trong năm 2016 đã liên tục để xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, cũng ngay tại KCX Tân Thuận.

Vụ đầu tiên xảy ra vào tháng 4/2016, khiến 49 CN CT TNHH dệt Đông Minh bị ngộ độc, phải nhập viện sau 30 phút ăn trứng ốp la, thịt bò và canh rau củ trong bữa trưa ở CT. Kế đó, vào ngày 9/12/2016, tiếp tục xảy ra ngộ độc tập thể tại CT Đế Lĩnh khiến 5 trường hợp phải nhập viện sau khi ăn bữa trưa. Cùng ngày, tại CT Hungway cũng xảy ra ngộ độc thực phẩm làm 27 CN nhập viện. 

Khi đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM (thuộc Sở Y tế) đã xử phạt, đình chỉ hoạt động và rút giấy phép của CT Nụ Cười do không hề có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP tại địa điểm chế biến và không đủ điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định. Sau các bê bối trên, bà D. đã “thay tên, đổi họ” CT thành Gia Hưng Đỗ với giấy phép kinh doanh mới nhưng vẫn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Theo BQL ATTP TP.HCM, kiểm tra sau khi xảy ra sự việc, CT Gia Hưng Đỗ chỉ thừa nhận cung cấp suất ăn cho riêng CT Always, với khoảng 2.000 suất/ngày (giá 17.000 đồng/suất dành cho CN). Tuy nhiên, theo đánh giá của BQL, công suất chế biến của đơn vị này tại KCX Tân Thuận đủ sức đáp ứng khoảng 10.000 suất ăn công nghiệp/ngày.

Khi trao đổi với chúng tôi, bà D. cho biết mình có rất nhiều CT, trong đó bao gồm Nụ Cười, Gia Hưng Đỗ và các CT khác nữa. Vậy còn bao nhiêu người như bà D. sở hữu những DN “coi trời bằng vung” gây phương hại và nguy hiểm cho sức khỏe người lao động? Đáng kinh ngạc là tất cả những vụ ngộ độc liên quan đến DN của bà D. được nêu trong bài này đều xảy ra tại KCX Tân Thuận, thậm chí được chế biến ngay tại đây - nơi luôn đặt dưới sự quản lý, giám sát của đơn vị trực thuộc UBND TP.HCM là Hepza. 

BQL ATTP TP.HCM cho rằng, trách nhiệm trong việc để một DN liên tục gây ra ngộ độc thực phẩm tập thể thuộc về Chi cục ATVSTP trước đây, thuộc BQL ATTP TP.HCM và cả đơn vị ký hợp đồng với các CT cung cấp suất ăn công nghiệp nữa. Bởi  về nguyên tắc, khi ký kết hợp động cung cấp thức ăn, đơn vị thuê phải yêu cầu đối tác trình đầy đủ các giấy phép, trong đó, quan trọng nhất chính là giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Sắp tới, BQL ATTP TP.HCM sẽ làm việc với Hepza để có quy chế phối hợp, giám sát chặt chẽ ATTP. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI