Liên tục bị đánh nhập viện, nhưng không dám ly hôn vì chồng dọa giết

29/08/2019 - 05:30

PNO - Sau lần ly hôn đầu, dượng không chỉ đánh vợ mà... dọa giết. Cái cảm giác nửa đêm bị chồng kề dao vào cổ nói sẽ giết cả mẹ lẫn con, giết cả nhà ngoại, ai chẳng khiếp.

Chị em tôi nhớ như in cảnh mẹ lén lút gói đồ đạc, nói dối ba để vào viện chăm sóc cô. Cô là em gái út của ba. Cứ dăm bữa nửa tháng, cô lại nhập viện vì dượng tôi “lỡ tay”.

Sẵn cộc tính, cộng thêm vài ly rượu sau mỗi buổi chiều tan ca, là về nhà dượng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Nghe đâu, lúc cô mới cưới được gần một năm, vừa sinh con vài tháng mà bị dượng đánh đến mức bị hậu sản phải cấp cứu.

Lien tuc bi danh nhap vien, nhung khong dam ly hon vi chong doa giet
Phụ nữ có vô vàn lý do để trì hoãn chuyện ly hôn khi bị bạo hành. Ảnh minh hoạ

Lần đó, ba tôi kiên quyết bắt cô ly hôn, vì không chịu nổi cảnh em gái bị đánh đấm như bao cát. Thậm chí, ba còn bỏ tiền ra cất một căn nhà nhỏ, mua sắm đồ đạc để chuẩn bị cho hai mẹ con cô cuộc sống mới.

Mọi thủ tục ba lo, toà cũng có quyết định ly hôn chính thức, nhưng chỉ vài tháng sau, dượng lui tới ngọt nhạt, cô lặng lẽ bồng con về lại nhà chồng. Từ đó, ba giận cô không thèm nhìn mặt. Bởi thế, khi nào cô bị chồng đánh nhập viện, mấy mẹ con tôi phải giấu ba vào thăm. Nếu biết ba chửi té tát: “Nó ngu thì nó chịu, đừng có dây dưa vào. B ực mình”.

Mẹ kể, dượng có máu vũ phu “di truyền”, cả họ nhà đó ai cũng thích đánh đấm. Cha dượng đánh mẹ dượng như cơm bữa, hết gãy xương sườn đến gãy tay, chân. Lý do để đánh vợ đơn giản lắm: nấu cơm muộn, đi làm chậm, để con khóc…thậm chí thích lên là đánh. Hàng xóm lúc đầu còn quan tâm nhưng sau quen dần với cảnh đó nên thôi “đèn nhà ai người nấy rạng”.

Sau lần ly hôn đầu, dượng không chỉ đánh vợ mà còn doạ giết. Cái cảm giác nửa đêm bị chồng kề dao vào cổ doạ giết cả mẹ lẫn con, thêm họ hàng nhà ngoại nếu dám ly hôn thì ai chẳng khiếp vía.

Không sợ sao được khi trước đó, dượng từng đâm người khác trọng thương vì tranh chấp đất đai. Vụ đó, dượng phải lãnh án vài năm tù. Nỗi sợ này lấn át nỗi lo khác nên lần lữa mãi, cô tôi chỉ biết cắn răng chịu đựng. Cô tự an ủi mình đang giữ cho con một mái ấm đủ cha đủ mẹ.

Nhưng rồi, khi con trai cô lớn lên, nó đòi bỏ học giữa chừng vì xấu hổ có một người cha như thế. Nó bảo, học hành làm gì khi cha mang án tù, suốt ngày đánh đấm, sau này cũng chẳng ngẩng mặt lên với đời được. Mới học lớp 10 mà con trai khuyên mẹ ly hôn đi, hai mẹ con sống với nhau cũng được, nhưng cô không nhúc nhích gì cả.

Nó tức giận, bỏ quê đi làm xa xứ, mỗi năm chỉ về đôi lần. Cô ở nhà vẫn tiếp tục chịu đựng những trận đòn vô lý từ chồng, dù con chẳng ở bên nữa. Cô bảo, sống một mình buồn lắm, xấu tốt gì có đôi ra vào vẫn vui hơn.

Lien tuc bi danh nhap vien, nhung khong dam ly hon vi chong doa giet
Cô tôi không dám ly hôn vì sợ đủ thứ trên đời. Hình minh hoạ

Đến giờ, khi đã bước sang tuổi 60, con trai lấy vợ có con đuề huề. Thỉnh thoảng về thăm nhà, con trai cô rất tức giận khi biết bố vẫn đánh mẹ như một thói quen. Nhiều lần, con trai bảo cô ly hôn đi rồi vào thành phố ở với nó. Cô vẫn chẳng dứt khoát được với lý do: “Ly hôn gì nữa, già rồi”.

Sau gần 40 năm chịu đựng cảnh bạo hành, cô tôi vẫn chấp nhận thoả hiệp sống chung với đòn roi. Nhưng chuyện này không thể trách ai bởi chính cô chọn cuộc sống như vậy. Những người thân, từ ba tôi đến con trai cô, rất muốn “giải cứu” mà đành bất lực.

Mẹ bảo, cô như vậy cũng bởi sau một lần đánh vợ, dượng lại năn nỉ ngọt ngào đủ đường, phụ nữ vốn nhẹ dạ, cứ tha thứ mãi thành quen. Vả lại, phụ nữ ở quê lam lũ, hết sợ bỏ chồng sẽ ảnh hưởng đến con, sợ ly hôn rồi sống một mình buồn, đến xế chiều lại tự bao biện già rồi, ai lại ly hôn. Cứ như thế, cuộc đời như một vòng lẩn quẩn không sao thoát ra được…

                                                                                                              Uyên Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI