Liên tiếp xảy ra tai nạn phỏng nặng do bất cẩn

15/06/2023 - 06:27

PNO - Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp phải nhập viện do bị phỏng gas, phỏng hóa chất do sơ suất, chủ quan trong sinh hoạt.

Ngày 13/6, bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình - Khoa Ngoại chấn thương Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết, đơn vị đang điều trị cho một bệnh nhân bị phỏng do tai nạn.

Cụ thể, vào tối 11/6, chị T.K.M.H. (40 tuổi, ngụ tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) được chuyển tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh cấp cứu trong trạng thái đau đớn vật vã. Các bác sĩ chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân bị phỏng 50% diện tích cơ thể, từ cổ xuống phần ngực, bụng, lưng và 2 tay. Chị H. vẫn tỉnh táo nhưng có biểu hiện choáng vì đau.

Chị T.K.M.H. bị phỏng hết phần thân trên - ẢNH: Q.C.
Chị T.K.M.H. bị phỏng hết phần thân trên - ẢNH: Q.C.

Gia đình cho biết, tại khu vực bếp có để chai xăng. 2 con của chị H. lấy xăng nghịch, làm đổ ra ngoài. Lúc vào bếp nấu cơm, chị ngửi thấy mùi xăng nhưng không biết từ đâu, vừa bật bếp gas mini thì lửa phừng lên. Bị lửa cháy bao trùm khắp thân mình, chị H. nóng quá chạy ra ngoài kêu cứu. Thấy có vũng nước mưa trước cửa nhà, chị đã lăn vào để dập lửa. Ngay sau đó, chị được mọi người đưa thẳng tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình, mới 3 ngày đầu nên các tổn thương trên người bệnh nhân đang tạm đánh giá ở mức phỏng độ 2. Còn mặt của chị H. chỉ phỏng độ 1 nên sẽ không để lại sẹo. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh của chị H. có thể nặng thêm.

“Ta chỉ nhìn được tổn thương ở lớp da bên ngoài. Để đánh giá chính xác bệnh nhân phỏng độ mấy thì cần đợi sau 7 ngày, bởi các mô bên dưới có thể đang tiếp tục hoại tử”, bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình nhận định. Nếu phỏng độ 2 thì không cần ghép da, các mô sẽ tự hồi phục. Trong trường hợp độ phỏng cao hơn thì phải chuyển bệnh nhân sang các bệnh viện có chuyên khoa phỏng để điều trị chuyên sâu. 

Ở trường hợp của chị H., còn một vấn đề cần được theo dõi sát sao. Đó là lúc bị lửa cháy lan lên người, bệnh nhân đã lăn vào vũng nước mưa trước nhà để tự dập lửa. Nhưng vũng nước mưa không phải là nước sạch, nguy cơ vết thương bị nhiễm trùng sẽ rất cao. Hiện, chị H. đang được chăm sóc tích cực. Nếu diễn tiến thuận lợi thì ít nhất 1 tháng nữa bệnh nhân mới có thể hồi phục, nhưng sẽ bị di chứng sẹo xấu, sẹo co rút ở các phần khớp như khuỷu tay. 

Trước đó không lâu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã tiếp nhận một nam giới, độ tuổi trung niên, ngụ tại TP Thủ Đức bị phỏng xăng độ 2A - 2B tới 90% diện tích cơ thể. Bệnh nhân bị phỏng diện tích quá lớn, dù các bác sĩ đã tích cực điều trị nhưng bệnh vẫn diễn tiến xấu, nhiễm trùng huyết. Bệnh nhân đã được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để theo dõi chuyên sâu. Từ đầu năm tới nay, Bệnh viện Lê Văn Thịnh điều trị cho khoảng 5-7 trường hợp nặng liên quan tới phỏng gas, xăng và hóa chất trong sinh hoạt.

Ngày 10/6, Bệnh viện Nhi Đồng 2 tiếp nhận bé gái 5 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Phước là nạn nhân của vụ nổ bình gas mini. Bé gái được đưa tới bệnh viện trong trạng thái hôn mê, có vết thương ở đỉnh đầu chảy máu kèm theo cả mô não dập chảy ra. Kết quả thăm khám, xác định bệnh nhi có vết thương xuyên thấu sọ từ đỉnh đầu xuống vùng chẩm, dập xuất huyết não, trong nhu mô não có rất nhiều mảnh xương sọ nhỏ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Pi Doanh - Khoa Ngoại thần kinh - đã cùng ê kíp mổ mất 3 tiếng đồng hồ để làm sạch vết thương, lấy não dập và các mảnh xương vỡ trong nhu mô não. Hiện, bệnh nhi vẫn đang được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc của bệnh viện. Theo gia đình, bé đang chơi phía sau nhà thì có tiếng nổ lớn. Mọi người chạy tới thì thấy bé nằm ngã, đầu có vết thương, bên cạnh là bình gas mini đã phát nổ.

Qua các trường hợp bị tai nạn phỏng trong sinh hoạt nêu trên, bác sĩ Nguyễn Đức Kiên Bình cảnh báo mọi người tuyệt đối không để các hóa chất dễ cháy nổ tại khu vực bếp. Tất cả vật nguy cơ như bình gas mini, xăng, cồn cần để xa khỏi tầm  tay với của trẻ em. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần giáo dục con về những nguy cơ từ các vật dụng dễ cháy nổ để trẻ có nhận thức tránh xa.

Khi tai nạn phỏng xảy ra, việc đầu tiên là phải cách ly nạn nhân ra khỏi đám cháy. Tiếp đến, cần dùng nước sạch (tốt nhất là nước từ 16 - 200C) dội lên vết thương, thậm chí ngâm luôn vết thương trong nước để làm dịu mát và loại bỏ bớt hóa chất trên da. Sau đó, nếu không có băng gạc thì dùng vải sạch, cuốn vết thương lại, cho nạn nhân uống đủ nước và lập tức đưa tới bệnh viện. Tuyệt đối không được bôi gì lên vết phỏng (mỡ trăn, lòng trắng trứng gà, nước mắm, kem đánh răng) vì sẽ gây nhiễm trùng khiến tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng. 

Thanh Huyền 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI