Liên hợp quốc: Tội phạm động vật hoang dã toàn cầu gây ra tác hại khủng khiếp

13/05/2024 - 21:53

PNO - Liên hợp quốc cho biết, hơn 4.000 loài động vật hoang dã là mục tiêu của những kẻ buôn lậu. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp diễn ra ở 162 quốc gia.

Cảnh sát đột kích tội phạm động vật hoang dã ở Colombia. Nhiều loài chim hoang dã được săn lùng làm thú cưng. Ảnh: Luke Taylor/The Guardian
Cảnh sát đột kích tội phạm động vật hoang dã ở Colombia. Nhiều loài chim hoang dã được săn lùng làm thú cưng. Ảnh: Luke Taylor/The Guardian

Một báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo hơn 4.000 loài trên khắp thế giới đang là mục tiêu của những kẻ buôn bán động vật hoang dã. Điều này gây ra những “tác hại khôn lường cho thiên nhiên”.

Tội phạm động vật hoang dã được thúc đẩy bởi nhu cầu về thuốc, vật nuôi, thịt rừng... Báo cáo cho thấy trong số tất cả các loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư bị thu giữ, 40% nằm trong danh sách đỏ các loài bị đe dọa hoặc sắp bị đe dọa.

Theo báo cáo của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC), hoạt động buôn bán này diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới với các vụ bắt giữ chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số tội phạm.

“Mặc dù còn thiếu dữ liệu về toàn bộ hoạt động buôn bán động vật hoang dã và tội phạm liên quan, nhưng rõ ràng đây vẫn là một vấn đề toàn cầu nghiêm trọng và còn lâu mới được giải quyết"- trích từ báo cáo.

Các nhà nghiên cứu đã xem xét hơn 140.000 vụ bắt giữ động vật hoang dã diễn ra từ năm 2015 đến năm 2021. Họ đã xem xét các tác động, xu hướng và động lực của hoạt động buôn bán này. San hô, các loài bò sát lớn như cá sấu và voi có số lượng cá thể bị bắt giữ nhiều nhất.

Báo cáo cho biết, tội phạm động vật hoang dã dường như là yếu tố thúc đẩy sự tuyệt chủng ở địa phương và toàn cầu của các loài như bò sát và cá. Tuy nhiên một số loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại nhận được rất ít sự chú ý của công chúng. Các bộ phận cơ thể hoặc xương của động vật như tê tê, cá ngựa và hổ thường được sấy khô và sử dụng trong y học. Vẹt và cự đà được săn lùng làm thú cưng và hoa lan được làm cây cảnh.

Phần lớn tội phạm về động vật hoang dã có liên quan đến các nhóm tội phạm có tổ chức lớn. Báo cáo cho biết, tham nhũng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm suy yếu các nỗ lực ngăn chặn nạn buôn bán động vật hoang dã, từ hối lộ cho thanh tra viên đến quan chức chính phủ cấp phép giả.

Các vụ bắt giữ được thực hiện ở 162 quốc gia.

Số lượng các vụ bắt giữ đã gia tăng trong hai thập kỷ qua, nhưng đã giảm vào năm 2020 và 2021. Tuy nhiên, theo UNODC thống kê số liệu giảm có thể do một loạt yếu tố như đại dịch COVID-19, hoặc việc buôn bán tinh vi hơn khiến việc phát hiện trở nên khó khăn hơn.

Một số ước tính cho thấy hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp có trị giá tới 23 tỷ USD mỗi năm, với hơn 100 triệu loài thực vật và động vật bị buôn bán hàng năm.

UNODC đặt mục tiêu chấm dứt nạn buôn bán các loài được bảo vệ như một phần trong mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và hy vọng mục tiêu này sẽ đạt được vào năm 2030.

Thảo Nguyễn (theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI