Liên Hợp Quốc: Hành tinh đang ở trong tình trạng báo động đỏ

28/02/2021 - 06:32

PNO - Ngày 27/2, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, cho biết hành tinh đang ở trong tình trạng “báo động đỏ” vì các chính phủ không đạt được các mục tiêu về biến đổi khí hậu.

Ông Antonio Guterres mô tả năm 2021 là một "năm thành công hoặc đột phá", sau khi công bố báo cáo Công ước của Liên Hợp  Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), phân tích các kế hoạch hành động khí hậu cập nhật do 75 quốc gia đệ trình trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11/2021.

"Báo cáo tạm thời ngày hôm nay của UNFCCC là một báo động đỏ cho hành tinh của chúng ta. Nó cho thấy các chính phủ đang ở gần mức tham vọng cần thiết, khó đáp ứng các mục tiêu chung của Thỏa thuận Paris" - ông Guterres cho biết trong một tuyên bố.

Biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm trở lại đây.
Biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm trở lại đây.

Theo Hiệp định khí hậu Paris năm 2015, các quốc gia cam kết giảm sản lượng carbon và ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu dưới 2 độ C - và nếu có thể, dưới 1,5 độ C - vào cuối thế kỷ này để tránh những tác động tồi tệ nhất.

Các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo nếu vượt quá ngưỡng nhiệt độ cho phép sẽ góp phần gây ra nhiều đợt nắng nóng, mực nước biển dâng cao, hạn hán tồi tệ và lượng mưa cực đoan, cháy rừng, lũ lụt, thiếu lương thực cho hàng triệu người...

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, nhân loại phải giảm lượng phát thải CO2 năm 2030 khoảng 45% so với mức năm 2010, để đảm bảo đạt được mục tiêu giới hạn nhiệt độ này.

Theo báo cáo, bất chấp những nỗ lực đã được tăng cường, các kế hoạch giảm thiểu carbon được đệ trình lên UNFCCC vẫn "thiếu hụt" so với những gì cần thiết và cho thấy các nước cần phải nỗ lực hơn để đáp ứng các cam kết giảm thiểu của họ theo Thỏa thuận Paris.

Các kế hoạch hành động khí hậu sửa đổi - bao gồm 40% các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris năm 2015, chiếm 30% lượng khí thải toàn cầu - sẽ chỉ giúp giảm phát thải tổng hợp 0,5% so với mức năm 2010 vào năm 2030.

Ông Guterres kêu gọi các nước phát thải lớn tiếp tục tăng cường giảm phát thải và sử dụng quá trình phục hồi đại dịch COVD-19 như một cơ hội để tái thiết, hướng đến xây dựng môi trường xanh và tốt hơn.

"Các cam kết dài hạn phải được kết hợp với các hành động tức thì để khởi động một thập niên chuyển đổi mà con người và hành tinh đang rất cần" - ông Guterres nói thêm.

Chung Thu Hương (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI