Liên hợp quốc đặc biệt lo ngại về nạn bắt cóc, tống tiền, hiếp dâm hàng loạt ở Congo

14/08/2021 - 13:15

PNO - Hàng trăm vụ tấn công tình dục được báo cáo ở tỉnh Tanganyika phía đông nam, Congo khi các nhóm vũ trang tranh giành mỏ vàng tại đây.

Nhiều gia đình phải bỏ làng đi vì nạn bạo lực, bắt cóc, hãm hiếp ở Conga
Nhiều gia đình phải bỏ làng ra đi để chạy trốn nạn bạo lực, bắt cóc, hãm hiếp ở Congo

Liên Hợp Quốc đã lên tiếng báo động về tình trạng bạo lực tình dục lan rộng, có hệ thống ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), khi mới đây đã có những báo cáo về các nhóm vũ trang thực hiện nhiều vụ cưỡng hiếp hàng loạt.

Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cho biết nhân viên của họ đã nghe những lời khai kinh hoàng từ những người bị cưỡng bức ở tỉnh Tanganyika, đông nam nước này.

Người phát ngôn của cơ quan này, Shabia Mantoo bày tỏ sự "lo ngại về các vụ bạo lực tình dục phổ biến, có hệ thống đối với phụ nữ và trẻ em gái Congo”.

Mantoo nói: “Chỉ trong hai tuần qua, các tổ chức nhân đạo tại các khu y tế Kongolo và Mbulula đã ghi nhận 243 vụ hiếp dâm, 48 vụ liên quan đến trẻ vị thành niên ở 12 ngôi làng khác nhau".

Tuy nhiên, nhiều tổ chức vẫn khẳng định, số vụ thực sự được cho là còn cao hơn rất nhiều, vì việc báo cáo về bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một điều cấm kỵ trong hầu hết các cộng đồng khu vực này.

“Các cuộc tấn công được cho là do các nhóm vũ trang cạnh tranh để duy trì quyền kiểm soát các khu vực khai thác, đặc biệt là các mỏ vàng. Thường dân luôn thấy mình bị mắc kẹt giữa những cuộc đối đầu căng thẳng giữa các nhóm khác nhau. Nhân viên của chúng tôi đã nghe những lời khai kinh hoàng về bạo lực cực độ. Những người bị cưỡng bức phải di dời và đã cáo buộc các nhóm vũ trang thực hiện hành vi hãm hiếp hàng loạt khi phụ nữ cố gắng chạy trốn khỏi nhà của họ", Mantoo nói.

Cô còn cho biế,t một số phụ nữ và trẻ em gái đã bị bắt cóc và hãm hiếp, sau đó còn bị yêu cầu gia đình phải đưa tiền chuộc để đổi lấy sự tự do cho họ.

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, đến nay có gần 310.000 người đã phải mất nhà cửa vì bất an, bạo lực. Mantoo cho biết kể từ tháng 5/2021 đã hơn 23.000 người đã phải bỏ làng, bỏ nhà ra đi để chạy trốn khỏi tình trạng bất an này.

UNHCR kêu gọi các nhà chức trách DRC mở rộng quy mô an ninh trong cái gọi là "tam giác chết" trong khu vực rộng lớn này để bảo vệ dân thường, cho phép họ tiếp cận nhân đạo và khởi động các cuộc điều tra để đưa thủ phạm ra trước công lý.

Trọng Trí (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI