Cảnh báo tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh trên thế giới

31/03/2021 - 14:34

PNO - Sau hơn một năm kể từ khi COVID-19 được công bố như một đại dịch, nhiều quốc gia đã dần hồi phục nhờ các nguồn vắc-xin được liên tục sản xuất và đưa vào sử dụng. Thế nhưng, thế giới lại đang phải đối mặt với những thách thức khác có thể khiến cho đại dịch này tiếp tục kéo dài, đó là tình trạng thiếu nguồn nước an toàn và điều kiện vệ sinh, theo cảnh báo của Liên Hợp Quốc (LHQ).

Phát biểu tại cuộc họp của LHQ  nhằm giải quyết các mục tiêu liên quan đến nước như một phần của Chương trình Phát triển bền vững 2030, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ - Volkan Bozkir nói rằng thế giới “xem như đã đi đến thất bại về mặt đạo đức” trong việc thực hiện cam kết tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận nguồn nước uống an toàn.

Khoảng 1/3 dân số trên toàn cầu, tương đương 2,2 tỷ người, hiện không có nguồn nước sạch để uống
Khoảng 1/3 dân số trên toàn cầu, tương đương 2,2 tỷ người, hiện không có nguồn nước sạch để uống

Bozkir đưa ra nhận định trên dựa trên những số liệu đáng quan ngại của UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2019 báo cáo về thực trạng tiếp cận nguồn nước an toàn trên toàn cầu. Khoảng 1/3 dân số trên toàn cầu, tương đương 2,2 tỷ người, hiện không có nguồn nước sạch để uống. Bozkir cho biết thêm, ngoài ra, hàng tỷ người dân trên thế giới cũng không có được những tiện nghi vệ sinh thích hợp. Cụ thể, hơn 2 tỷ người hiện không có nhà vệ sinh “tử tế” tại nhà và 3 tỷ người không có các “phương tiện rửa tay cơ bản”. 

“Đây thật sự là một thất bại về mặt đạo đức. Chúng ta đang sống trong một thời đại của những công nghệ diệu kỳ. Chúng ta có thể chế tạo ra xe hơi không người lái, robot và trí tuệ nhân tạo. Nhưng vì sao chúng ta lại không thể đảm bảo cho mọi người dân trên thế giới đều có được nguồn nước sạch một cách bền vững và có đủ các tiện ích vệ sinh an toàn”, Bozkir bức xúc.

Theo LHQ, hầu hết những người bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt các nguồn lực nói trên đều ở nông thôn. Nếu các nhà lãnh đạo của những nơi này không tạo ra được nguồn nước an toàn và các biện pháp vệ sinh tối thiểu cho hàng tỷ người dân đang bị ảnh hưởng thì khả năng cao là “COVID-19 sẽ không bao giờ ngừng lại”, LHQ cảnh báo.

“Hàng tỷ người đã phải “sống chung” với đại dịch mà không có các phương tiện rửa tay đầy đủ, trong khi các dịch vụ y tế ở các nước kém phát triển nhất lại không có đủ nguồn nước sạch để sử dụng. Đây quả là một điều khó có thể chấp nhận, nhất là khi chúng ta đang sống trong một thế giới có nhiều sáng tạo công nghệ”, Bozkir bày tỏ.

Một dự án của USAID phân phối nước tại các khu định cư không chính thức của Nairobi để thúc đẩy vệ sinh và điều kiện vệ sinh để hạn chế sự lây lan của COVID-19.
USAID phân phối nước tại các khu định cư không chính thức của Nairobi, thúc đẩy vệ sinh để hạn chế sự lây lan của COVID-19

Thực tế cho thấy, ngay cả khi chưa xảy ra đại dịch COVID-19 thì việc thiếu nguồn nước sạch và các tiện ích vệ sinh đã là một nguyên nhân khiến cho gần 1.000 trẻ em trên thế giới tử vong mỗi ngày, LHQ cảnh báo.

Chương trình nghị sự của LHQ đã đặt ra tám mục tiêu để khắc phục tình trạng nói trên. Song song với việc tạo ra các nguồn nước an toàn phủ đều khắp trên thế giới cũng như môi trường sống vệ sinh, tổ chức này cũng có kế hoạch cải thiện chất lượng nước thông qua các biện pháp môi trường, tăng hiệu quả sử dụng nước, xây dựng các kế hoạch tổng hợp để quản lý các nguồn tài nguyên nước, bảo vệ các hệ sinh thái nước, mở rộng hợp tác nội bộ và tăng cường hỗ trợ trong cộng đồng.

“Để cả thế giới đều có đủ nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh đầy đủ, các nước cần phải nỗ lực gấp bốn lần nhằm đẩy nhanh việc thực hiện các nhiệm vụ nói trên. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng hành tinh, bao gồm các mối đe dọa có tính liên đới nhau như biến đổi khí hậu, tình trạng suy giảm tính đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường cũng sẽ góp phần làm tăng sự khan hiếm nước. Đến năm 2040, 1/4 trẻ em dưới 18 tuổi trên thế giới, tương đương khoảng 600 triệu người, sẽ phải sống ở những khu vực bị thiếu nước trầm trọng”, Phó tổng thư ký LHQ - Amina Mohammed, cảnh báo thêm và kêu gọi các chính phủ tập trung vào việc ngăn chặn thiên tai liên quan đến nước và tăng cường trao quyền cho các nhà lãnh đạo nữ trong việc phát triển một nền kinh tế xanh.

Bozkir cũng khuyến nghị các chính phủ tập trung vào việc giải quyết những vấn đề nói trên với sự giúp đỡ của các cộng đồng mà họ quản lý, đồng thời lắng nghe các tổ chức đang đấu tranh cho các mục tiêu tương tự. “Nước là sự sống. Chúng ta không thể tồn tại trên hành tinh này nếu chúng ta không có đủ nước - một nhu cầu cơ bản nhất của con người. Toàn bộ hệ thống nông nghiệp của chúng ta, tất cả thực phẩm mà chúng ta tiêu dùng đều phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước. Các sinh vật khác, mọi hệ sinh thoái, muôn loài trên hành tinh này cũng đều lệ thuộc vào nước theo cách tương tự”, Bozkir nói.

Nhất Nguyên (theo CBS)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI