Liên Hợp Quốc cảnh báo những nạn đói đầu tiên do dịch COVID-19 đang ở ngay ngưỡng cửa thế giới

07/09/2020 - 20:00

PNO - Mark Lowcock - Phó tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách về các vấn đề nhân đạo cho biết, các nạn đói đầu tiên do dịch COVID-19 sẽ sớm tấn công Yemen, Nam Sudan, đông bắc Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo, 4 khu vực thường xuyên xảy ra xung đột, thiếu lương thực triền miên.

Trong một lá thư gửi tới các thành viên của Hội đồng Bảo an, ông Mark Lowcock nói rõ nguy cơ nạn đói ở những khu vực trên ngày càng gia tăng do “thiên tai, các cú sốc kinh tế và khủng hoảng sức khỏe cộng đồng bởi đại dịch COVID-19. Những yếu tố này đang gây nguy hiểm cho cuộc sống của hàng triệu phụ nữ, đàn ông và trẻ em”.

Ông cho biết thêm việc thiếu kinh phí cứu trợ khẩn cấp và những biến chứng do dịch bệnh gây ra, đã đẩy dân số ở một số nước nghèo nhất thế giới đến gần với tình trạng đói kém.

Những nạn đói đầu tiên sẽ sớm tấn công Yemen, Nam Sudan, đông bắc Nigeria và Công hòa Dân chủ Congo.
Những nạn đói đầu tiên sẽ sớm tấn công Yemen, Nam Sudan, đông bắc Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo

Trước đó, các quan chức Liên Hợp Quốc cũng chỉ rõ các cuộc xung đột vũ trang kéo dài khiến các tổ chức cung cấp cứu trợ nhân đạo không có khả năng phân phối viện trợ.

Cùng với đó, David Beasley - Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới, đã cảnh báo Hội đồng Bảo an rằng khi toàn cầu đang đối mặt với đại dịch COVID-19, "chúng ta cũng đang ở bên bờ vực của một đại dịch đói. ”

Theo hệ thống giám sát đánh giá các trường hợp khẩn cấp về nạn đói được gọi là Chương trình Lương thực thế giới (WFP) về phân loại giai đoạn an ninh lương thực tích hợp (IPC), gồm giai đoạn 3 là khủng hoảng, giai đoạn 4 là tình trạng khẩn cấp và giai đoạn 5 là nạn đói - tồi tệ nhất.

Ở Yemen, nơi nạn đói đã được ngăn chặn 2 năm trước, nhưng Lowcock nói rằng “nguy cơ đang dần quay trở lại”. Quốc gia nghèo này đã bị tàn phá trong hơn 5 năm qua do các nội chiến giữa phiến quân Houthi và liên minh quân sự do Ả Rập Xê Út hậu thuẫn, khiến 80% đất nước phải phụ thuộc vào viện trợ bên ngoài.

Kinh tế Yemen về cơ bản đã sụp đổ, trong khi chi phí thực phẩm tăng cao và giá nước uống đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 4. Hiện, 16 quận của nước này đang ở tình trạng khẩn cấp về nạn đói (giai đoạn 4).

Ở phía đông của Cộng hòa Dân chủ Congo, 21 triệu người đang sống trong “khủng hoảng hoặc mức độ tồi tệ hơn của tình trạng mất an ninh lương thực”. Trong khi đó, các bang Borno, Adamawa và Yobe, miền đông bắc Nigeria, cũng báo cáo hơn 10 triệu người cần được hỗ trợ và bảo vệ nhân đạo.

Mark Lowcock nhấn mạnh hơn 1,2 triệu người ở đông bắc Nigeria “phần lớn vẫn không thể tiếp cận được các cơ quan cứu trợ do xung đột và sự cản trở có chủ ý của các nhóm vũ trang”, với hơn 15 nhân viên hỗ trợ nhân đạo thiệt mạng trong năm qua.

Bên cạnh đó, ở Nam Sudan, nơi đã trải qua 7 năm nội chiến, bạo lực bùng phát gần đây đã khiến hơn 1,4 triệu người "đối mặt với khủng hoảng hoặc mức độ tồi tệ hơn là mất an ninh lương thực".

Chung Thu Hương (theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI