Liên Hợp Quốc cảnh báo bốn điểm nóng khó thoát khỏi nạn đói

07/11/2020 - 19:06

PNO - Một báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm 6/11 cho biết bốn điểm nóng ở Burkina Faso, Yemen, Nam Sudan và Nigeria đang trên bờ vực của tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng và có khả năng rơi vào nạn đói trong vòng 3 đến 6 tháng sắp tới, khi đại dịch COVID-19 cắt đứt khả năng tiếp cận thực phẩm của người dân.

Người đàn ông bế cậu con trai suy dinh dưỡng đến khu điều trị dinh dưỡng Bệnh viện Al-Sabeen ở Sanaa, Yemen - Ảnh: Reuters
Người đàn ông bế cậu con trai suy dinh dưỡng đến khu điều trị dinh dưỡng Bệnh viện Al-Sabeen ở Sanaa, Yemen - Ảnh: Reuters

Báo cáo Phân tích cảnh báo sớm các điểm nóng cấp tính về An ninh lương thực - do Tổ chức Nông lương (FAO) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) của LHQ thực hiện - cho thấy hàng triệu người đối mặt với tình trạng thiếu đói.

Đại dịch COVID-19 cướp đi việc làm của họ, làm gián đoạn các hoạt động nông nghiệp, giảm lượng kiều hối và khiến giá dầu thô tăng theo chiều hướng xoắn ốc.

Margot van der Velden - Giám đốc WFP về các trường hợp khẩn cấp, cho biết: “Chúng ta đang ở một bước ngoặt thảm khốc khi phải đồng thời đối mặt với nguy cơ nạn đói ở bốn khu vực khác nhau trên thế giới”.

Burkina Faso, Yemen, Nigeria và Nam Sudan phải đối mặt với các mối nguy hiểm do xung đột, người dân chạy loạn, khủng hoảng kinh tế và thiên tai ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa sau đó đã làm trầm trọng thêm nỗi đau.

Người dân bang Unity, Nam Sudan, chặn nước lũ do vỡ đê sông Nile - Ảnh: Reuters
Người dân bang Unity, Nam Sudan, chặn nước lũ do vỡ đê sông Nile - Ảnh: Reuters

Hơn 80% những người thiếu đói nghiêm trọng là nông dân, người chăn nuôi, ngư dân và nhân viên lâm nghiệp. Luca Russo, một chuyên gia kinh tế nông nghiệp tại FAO, nói với kênh tin tức Al Jazeera rằng COVID-19 đã làm gián đoạn khả năng canh tác, chăn nuôi gia súc, đánh bắt cá và tiếp cận thị trường bán sản phẩm của họ.

Ông Russo cảnh báo: “Họ có rất ít dự trữ tiền mặt để cầm cự và có thể buộc phải từ bỏ sinh kế của mình, một khi một gia đình nghèo lâm vào tình trạng này, họ sẽ rất khó hồi phục trở lại”.

Tình cảnh người dân ở Ouagadougou, Burkina Faso - Ảnh: Reuters
Một em bé ở Ouagadougou, Burkina Faso - Ảnh: Reuters

“Số hộ làm nông giảm đồng nghĩa với việc các gia đình nông dân nghèo sẽ có ít tiền hơn để mua thực phẩm và đáp ứng các nhu cầu thiết yếu. Số tiền dành cho các chi phí khác như giáo dục, y tế sẽ bị cắt giảm. Vì vậy, vấn đề ở đây không chỉ là nạn đói”, ông Russo nói thêm.

Báo cáo của FAO và WFP liệt kê 16 quốc gia và vùng lãnh thổ - từ Haiti, Venezuela, Cộng hòa Dân chủ Congo, đến Zimbabwe - có nguy cơ gia tăng mức độ thiếu đói trầm trọng và kêu gọi các nước phát triển hành động khẩn cấp để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực quốc tế.

Theo báo cáo, tính đến năm 2019, 135 triệu người phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực hoặc tình trạng khẩn cấp ở 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tìm kiếm thức ăn trong các xe rác ở Caracas, Venezuela - Ảnh: Reuters
Tìm kiếm thức ăn trong các xe rác ở Caracas, Venezuela - Ảnh: Reuters

Báo cáo của FAO và WFP nhấn mạnh rằng, tình hình rất nghiêm trọng và người dân các điểm nóng thiếu đói và chết đói trước khi các cơ quan quốc tế thực sự tuyên bố nạn đói.

“Khi chúng ta tuyên bố nạn đói khiến nhiều sinh mạng đã lìa đời. Nếu chúng ta chờ đợi để tìm hiểu thêm điều này, chắc chắn nhiều người đã chết”, ông Velden, một  quan chức WFP nói.

Hoàng Diệu (theo Al Jazeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI