Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” 2020: Cơn mưa huy chương, “cả nhà đều vui”

03/08/2020 - 15:01

PNO - Sau hơn 2 tuần, Liên hoan sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” 2020 đã khép lại vào tối 2/8 với "cơn mưa" huy chương.

Liên hoan lần này có sự tham gia của 27 đơn vị với 33 vở diễn thuộc các thể loại: chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói với khoảng 1000 nghệ sĩ tham gia. Đây là liên hoan quy tụ các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ đông nhất sau 4 lần tổ chức.

Với đề tài đa dạng về ngành công an như công tác phá án ma tuý, án oan sai, điều tra tội phạm, tham nhũng, công việc của cán bộ quản giáo... hình tượng các chiến sĩ công an nhân dân được xây dựng gần gũi với những câu chuyện, tính cách rất "đời''. Chân dung chiến sĩ công an được phác họa từ nhiều góc nhìn khác nhau, nhưng khá chân thật và dễ dàng nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ công chúng.

Vụ án Am Bụt Mọc, bản dựng của
Vụ án Am Bụt Mọc, bản dựng của Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ

33 vở diễn cùng một chủ đề là thách thức không nhỏ của các đơn vị biểu diễn. Do nhiều đơn vị nghệ thuật chọn kịch bản từ các trại sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ 2 (11/2019) nên có những vở, có đến 2-3 đoàn nghệ thuật cùng chọn dàn dựng. Trong đó, Vụ án Am Bụt Mọc có đến 3 đơn vị chọn dựng ở cả ba thể loại: kịch nói, chèo và ca kịch.

Bản dựng ca kịch (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ) đoạt giải Vàng, nhưng bản dựng được nhiều khán giả yêu thích lại là bản kịch nói của Trung tâm Sân khấu và phát triển Hà Nội, với sự tham gia của diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ và Nhà hát kịch Việt Nam.

Không giống nhiều liên hoan sân khấu khác, đội ngũ diễn viên chính thường là những nghệ sĩ tên tuổi, nhiều năm trong nghề, ở liên hoan này, một số đơn vị đã mạnh dạn trình làng những gương mặt trẻ và “trao quyền’’ cho họ làm chủ sân khấu. Và đội ngũ trẻ này đã đủ sức “làm nên chuyện’’ ở các vở diễn: Yêu (Nhà hát Kịch Việt Nam), Chuyện của Dung (đoàn cải lương Long An), Bộ cảnh phục (Nhà hát Tuổi Trẻ), Vụ án Am Bụt Mọc (Trung tâm Sân khấu và Phát triển Hà Nội), Tái sinh (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội)…

Chuyện của Dung để lại nhiều ấn tượng về nội lực của những nghệ sĩ trẻ đoàn cải lương Long An
Chuyện của Dung để lại nhiều ấn tượng về nội lực của những nghệ sĩ trẻ Đoàn cải lương Long An

Bên cạnh những điểm sáng, câu chuyện vẫn lặp lại ở liên hoan lần này là chất lượng nghệ thuật các vở chưa thực sự đồng đều. Dù đều thể hiện sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, nhưng một số vở cho thấy sự thiếu sáng tạo trong công tác dàn dựng.

Điều đáng tiếc là dù chủ đề liên hoan đã rất cụ thể, nhưng vẫn có một số vở, dù nhân vật trung tâm là công an, các nhân vật là công an xuất hiện cũng rất nhiều trong tác phẩm, nhưng vở diễn lại không khắc họa được hình tượng chiến sĩ công an, hoặc rất mờ nhạt.

"Cơn mưa huy chương" với những giải thưởng gây tranh cãi, câu chuyện ''xưa như trái đất'' lại tiếp tục diễn ra ở liên hoan này cũng ít nhiều làm giảm nhiệt huyết của những người làm nghề. 16 giải dành cho tác phẩm (7 Vàng, 9 Bạc), 131 huy chương cá nhân (59 Vàng và 72 Bạc) và một số giải thưởng dành cho tác giả, thiết kế, đạo diễn… trong đó có những giải thưởng chưa đủ sức thuyết phục đại đa số người xem và cả người làm nghề. Ít nhất 3 trong số 7 vở được trao giải Vàng gây tranh cãi do nội dung, chất lượng hoặc công tác dàn dựng khá chênh lệch so với các tác phẩm khác.

Ngô Lệ Quyền, gương mặt trẻ của Nhà hát Tuổi Trẻ với Huy chương Vàng cá nhân và giải giải Diễn viên thể hiện hình tượng công an xuất sắc (vai Thanh vở ''Bộ cảnh phục'')
Ngô Lệ Quyên, gương mặt trẻ của Nhà hát Tuổi Trẻ với Huy chương Vàng cá nhân và giải Diễn viên thể hiện hình tượng công an xuất sắc (vai Thanh vở Bộ cảnh phục)

Riêng Nhân danh công lý (Nhà hát Trần Hữu Trang) được trao đến 8 huy chương cá nhân (3 Vàng, 5 Bạc) và giải Vàng tác phẩm đã trở thành tâm điểm của “bão dư luận”.

Do dịch bệnh COVID-19 quay lại bất ngờ nên  tọa đàm, trao đổi về Hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân qua 4 kỳ tổ chức liên hoan đã phải hủy bỏ vào giờ chót.

7 vở đoạt Huy chương Vàng gồm: Nhân danh công lý (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Tái sinh (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), Vẫn sống (Nhà hát Công an Nhân dân), Vụ án Am Bụt Mọc (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ), Ngày trở về (Nhà hát chèo Quân đội), Tình bạn và công lý (Sân khấu kịch Lệ Ngọc) và Kẻ trộm (Nhà hát kịch Hà Nội).

9 vở Huy chương Bạc: Bộ cảnh phục (Nhà hát Kịch Tuổi Trẻ), Lằn ranh (Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh), Tiếng chuông (Nhà hát Chèo Hưng Yên), Những ngày không bình yên (Nhà hát Kịch Quân đội), Chuyện của Dung (Đoàn cải lương Long An), Đoá sen Việt (Sân khấu Sen Việt), Bão ngầm (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Búp bê không biết khóc (Công ty TNHH giải trí Hero Film), Thầm lặng những chiến công (Nhà hát Ca múa kịch Lam Sơn).

Trần Anh Khoa

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI