Liên hoan sân khấu thủ đô 2022 được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức mỗi hai năm (từ năm 2014), dự kiến diễn ra vào giữa tháng Chín. Ở TP.HCM - nơi vẫn luôn tự hào có hoạt động sân khấu sôi động nhất cả nước - giới chuyên môn cũng mong muốn có được dịp hội nghề như vậy.
|
Sân khấu Đại Việt tập vở Đêm trước ngày hoàng đạo dự Liên hoan sân khấu thủ đô 2022 - lần V tại Hà Nội vào giữa tháng Chín |
Ước mơ trong tầm tay
“Trước đây, chúng ta từng có Liên hoan sân khấu mùa thu, quy mô mở rộng ra cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tổ chức được hai lần vào năm 1998 (nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng 300 năm Sài Gòn - TP.HCM) và năm 2001. Có lẽ vì chỉ thiên về nghệ thuật, chưa chú ý quảng bá nên đã ngừng lại. Đến năm 2006, Bộ Văn hóa Thông tin ghi nhận sự phát triển của sân khấu xã hội hóa bằng một liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc tại TP.HCM, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất cho đến bây giờ…” - NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - cho biết.
Theo NSND Trần Ngọc Giàu, TP.HCM được xem là nơi có phong trào sân khấu hoạt động rầm rộ nhất cả nước, nhất là các sân khấu xã hội hóa. Việc không có một liên hoan sân khấu mang dấu ấn của mình là điều đáng tiếc. Hội Sân khấu TP.HCM cũng đã phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao làm đề án trình UBND TP.HCM thúc đẩy việc tổ chức liên hoan sân khấu của thành phố.
Là người tiên phong đưa sân khấu xã hội hóa TP.HCM dự Liên hoan sân khấu thủ đô 2020 - lần III với vở cải lương Truyền tích Cổ Loa xưa, đạo diễn Lê Nguyên Đạt đánh giá cao khả năng TP.HCM có thể tổ chức được một liên hoan sân khấu mang màu sắc phong phú. “Liên hoan sân khấu thủ đô hiện nay cũng đã mở ra khi mời gọi các nơi, chứ không chỉ bó gọn các sân khấu trên địa bàn Hà Nội. TP.HCM có nhiều sân khấu. Tại sao lại không làm liên hoan tạo sân chơi nghề, để nguồn nhân lực sáng tạo lúc nào cũng dồi dào?” - ông Lê Nguyên Đạt chia sẻ.
|
Vở cải lương Nợ nước non - phần 1 của bộ “sử thi sân khấu” về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa lưu diễn miền Nam thành công |
“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cũng khẳng định sân khấu IDECAF sẽ đi đầu ủng hộ tổ chức Liên hoan sân khấu TP.HCM. “Sân khấu IDECAF thành lập năm 1997 thì 1998 đã tham dự Liên hoan sân khấu mùa thu. Đến nay, tôi vẫn cho rằng đấy là mô hình mà một liên hoan cần có. Là dịp hội nghề để mọi người làm sân khấu cùng nhau gặp gỡ, học hỏi, trao đổi cởi mở với nhau, giao lưu với công chúng vì sự phát triển chung của sân khấu, chứ không chỉ để tìm kiếm huy chương, danh hiệu” - ông Huỳnh Anh Tuấn nói.
Nếu có sự chung sức đồng lòng từ giới sân khấu và được tổ chức thực hiện tốt, tôi cho rằng Liên hoan sân khấu TP.HCM không chỉ thúc đẩy sân khấu thành phố phát triển, mà còn góp phần tích cực xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI. Trước tiên là kích thích mảng đề tài sáng tác về Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng, về vùng đất và con người TP.HCM nói chung với đa dạng hướng khai thác, như: công dân trẻ TP.HCM, người lao động mới hôm nay, giới trí thức, doanh nhân TP.HCM, những tấm gương thầm lặng cao cả… Nhiều năm qua, các loại hình sân khấu cả nước đã có nhiều vở diễn hay về Bác Hồ, cũng như các nơi cũng thực hiện tác phẩm về danh nhân gắn bó với Sài Gòn - TP.HCM (Lê Văn Duyệt, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai…). Nếu quy tụ được các tác phẩm này tham dự Liên hoan sân khấu TP.HCM thì thật ý nghĩa. Bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM |
Cũng theo ông Huỳnh Anh Tuấn, việc kêu gọi nguồn lực để tổ chức Liên hoan sân khấu TP.HCM không khó khi thành phố tập trung nhiều tài năng sáng tạo, những tác phẩm được công chúng đón nhận và các đơn vị tâm huyết. “Quan trọng là tính chất cộng đồng, hội hè, học hỏi gần như là đặc trưng của văn nghệ sĩ TP.HCM. Chỉ cần khơi gợi đúng vấn đề, tập hợp được đội ngũ, thì chắc chắn tổ chức được một liên hoan nghề đích thực cho người làm sân khấu” - “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn nhận định.
Đã nhiều lần đưa đơn vị lưu diễn tại TP.HCM, NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam - nhiệt liệt ủng hộ ý tưởng tổ chức Liên hoan sân khấu TP.HCM: “Thành phố có nhiều điều kiện để tổ chức hoạt động như mô hình Liên hoan sân khấu thủ đô. TP.HCM không chỉ là cái nôi của sân khấu xã hội hóa với lực lượng làm nghề đông đảo, năng động, mà còn có được sự ủng hộ của đông đảo khán giả - những người đã có thói quen đến rạp xem sân khấu”.
Cơ hội thúc đẩy sân khấu thành phố phát triển
“TP.HCM phải có liên hoan sân khấu. Liên hoan này không chỉ bó hẹp trong nước mà phải mở ra cả quốc tế” - NSND Trần Ngọc Giàu nói. Ông cho rằng, TP.HCM một khi mở liên hoan sân khấu thì phải xứng tầm với vị thế một đô thị đặc biệt, năng động, sáng tạo. Vì thế, không nên đặt nặng chủ đề, mà đó phải là một liên hoan nghệ thuật đi tìm cái mới mẻ, tìm tiếng nói chung. “Liên hoan sân khấu TP.HCM cần hướng đến việc quy tụ được các đơn vị, không có áp lực về tiết mục mới, mà các sân khấu cảm thấy tiết mục nào hay nhất thì mang đến. Trong liên hoan phải có sự trao đổi, rút ra cái gì đó, định hướng nào đó để phát triển, chứ không phải kiểu đến diễn xong rồi về, không ai xem ai, chỉ quan tâm mình có giải hay không như cách làm hiện nay” - NSND Trần Ngọc Giàu đề xuất.
Là một người yêu sân khấu, bà Nguyễn Thị Ngọc Diễm - Phó Trưởng phòng Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM - hoàn toàn ủng hộ việc tổ chức Liên hoan sân khấu TP.HCM, thậm chí xây dựng thành “thương hiệu văn hóa” của thành phố như Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM nhiều năm qua.
Theo đạo diễn Lê Nguyên Đạt, TP.HCM có bản sắc rất riêng. Trong quá trình lịch sử khai phá mở đất đến các cuộc đấu tranh cách mạng, công cuộc đổi mới phát triển đất nước, nhiều bậc anh hùng, danh nhân đã tạo tiếng vang từ vùng đất này. “Chính Bác Hồ cũng khởi đầu con đường vĩ đại từ một thanh niên yêu nước trở thành lãnh tụ dân tộc từ đây. TP.HCM là thành phố phát triển năng động, tích cực và mang tính đa văn hóa với cộng đồng nhập cư đông đảo. Tất cả đều là những đề tài cho sân khấu TP.HCM khai thác, từ lịch sử, cách mạng đến xã hội, hiện thực, hiện đại…” - ông Lê Nguyên Đạt phân tích.
Liên hoan sân khấu thủ đô lần I - 2014 có 9 đơn vị sân khấu công lập của Hà Nội tham gia 9 vở diễn, ở Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc lần I - 2006, TP.HCM có 11 đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia 18 vở diễn. Liên hoan sân khấu thủ đô lần IV - 2020 có 13 đơn vị sân khấu của Hà Nội và một số tỉnh thành, thì Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam quy tụ 20 đơn vị biểu diễn 28 vở diễn đều là của TP.HCM. Số liệu đó cho thấy dù trong giai đoạn phát triển thuận lợi hay khó khăn, hoạt động của sân khấu TP.HCM vẫn luôn sôi nổi. |
Nhận nhiệm vụ kết nối với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho đề án tổ chức Liên hoan sân khấu TP.HCM, đạo diễn Lê Nguyên Đạt cho biết, nếu được tổ chức, thì Liên hoan sân khấu TP.HCM và Liên hoan sân khấu thủ đô sẽ xen kẽ. Như vậy, không khí hội hè, tinh thần thi đua, sáng tạo của giới sân khấu sẽ được kích thích và duy trì đều đặn hơn.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt cũng cho rằng, liên hoan này vẫn cần có sự thẩm định qua các giải thưởng, huy chương, nhằm ghi nhận thành quả, tạo động lực cho người làm nghề: “Quan trọng là cách làm đảm bảo công bằng, minh bạch, không tiêu cực; chứ quyền lợi của nghệ sĩ, đơn vị là chính đáng; và cần ghi nhận, khuyến khích”. Chia sẻ về vấn đề này, một số nhà chuyên môn cho rằng cũng có thể cân nhắc, thay thế huy chương bằng các hình thức khuyến khích khác như: tác phẩm xuất sắc nhất được hỗ trợ thêm suất diễn; diễn viên xuất sắc nhất được “học bổng” bồi dưỡng diễn xuất, kiến thức nghệ thuật…
Ninh Lộc