Thực tài có đất
Một trong những thay đổi mang tính quan trọng nhất của liên hoan (LH) năm nay là không hạn chế số lượng tác phẩm của tất cả các thành phần sáng tạo nghệ thuật. Thực tế luôn xảy ra ở các đợt LH trước đây, quy định hạn chế số lượng tác phẩm tham gia liên hoan đã dẫn đến việc có đạo diễn dựng suýt soát mười vở nhưng phải để người khác đứng tên.
Đến nay, dù chưa có danh sách ban giám khảo (BGK) chính thức của LH, nhưng một số thông tin từ BTC cũng hé lộ những thay đổi khá thú vị trong thành phần BGK.
Những sự thay đổi của các thành viên BGK có thể sẽ không làm những người quan tâm háo hức bằng thông tin: Những người có nhiều tác phẩm tham dự LH sẽ không được ngồi ghế GK. Đây có lẽ là thông tin “nóng” nhất về sự thay đổi và được trông chờ nhiều nhất.
|
Điều này nhiều lần gây ra những thắc mắc và cả bức xúc cho nhiều diễn viên và các đơn vị tham gia LH, với cảm giác có điều gì đó không minh bạch phía sau những “cái tên”. Ở góc nhìn khác, với những người có thực tài thì quy định này lại tước đi cơ hội được khẳng định mình.
Từ những lý do đó, sự thay đổi lần này tạo điều kiện cho những người có thực tài tung hoành. Ở góc độ khác, khi những thành phần sáng tạo “bày biện” tất cả các tác phẩm của mình ở LH, giới làm nghề và những người quan tâm sẽ có cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại tài năng và sự sáng tạo của đạo diễn. Cục diện chung của SK kịch nói cả nước ở thời điểm hiện tại cũng sẽ được nhìn lại một cách rõ ràng, chân thực hơn.
|
Mảnh đất lắm người nhiều ma - một trong năm vở diễn của đạo diễn NSND Lê Hùng |
Nhưng xen lẫn trong sự hứng khởi vẫn còn những băn khoăn. Chẳng hạn, năm nay, thời lượng của các vở diễn chỉ còn 120 phút (không kể thời gian giải lao) thay vì 150 phút như trước đây. Về chuyện này, BTC cho rằng: Quy định về thời gian là một sự yêu cầu khắt khe hơn của Liên hoan năm nay, đòi hỏi các tác phẩm phải có sự tinh lọc trong sáng tạo nghệ thuật.
Sự "khắt khe" ấy vô tình đã loại sân khấu (SK) Hoàng Thái Thanh ra khỏi cuộc chơi. Hoàng Thái Thanh được xem là điểm sáng đầy tự hào của SK TP.HCM, nên sự vắng mặt của SK này để lại nhiều nuối tiếc cho cả người làm nghề lẫn khán giả.
Rầm rộ ra quân
Trong đời sống hiện nay của sân khấu kịch TP.HCM, số các đơn vị xã hội hoá (XHH) ở TP.HCM chiếm tỷ lệ 50% tổng số đơn vị dự thi có lẽ không nằm ngoài dự đoán của nhiều người quan tâm. Nếu tính thêm hai đơn vị công lập ở TP.HCM là Nhà hát Kịch TP.HCM và Nhà hát Thế Giới Trẻ (trực thuộc trường ĐH SK – ĐA TP.HCM) thì TP.HCM có đến 13 đơn vị dự thi với 14 vở diễn.
|
Tiếng giày đêm - vở diễn của Cty giải trí Ước Mơ Xanh |
Cùng với sự vượt trội về số lượng các đơn vị dự thi, kịch nói TP.HCM cũng mang đến LH những vở diễn đa dạng về phong cách, nội dung. Không chỉ có những vở diễn đề tài cách mạng, kịch nói TP.HCM mang đến liên hoan cả những câu chuyện về tình yêu, tình cảm gia đình hoặc những vấn đề mang tính thời sự trong đời sống dân sinh như những vấn đề thời đô thị hoá nông thôn; sự đảo lộn mọi giá trị bởi sức mạnh của đồng tiền…
Đặc biệt, những câu chuyện về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân của Sài Gòn – Chợ Lớn cách đây 50 năm cũng được kể lại ở Liên hoan bằng hai vở diễn Châu về hợp phố (SK Hồng Vân) và Người mẹ thứ hai (Nhà hát Kịch TP.HCM).
|
Châu về hợp Phố - vở diễn là mộc góc nhìn về cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân |
Đa dạng về thể loại, phong cách, đề tài… nhưng chất lượng của các tác phẩm dự thi vẫn còn nhiều ẩn số do có một số vở diễn của TP.HCM mới chỉ vừa hoàn tất để kịp tham gia Liên hoan hoặc đã dàn dựng từ trước đây khá lâu nhưng chưa có nhiều suất diễn: Tiếng giày đêm, Lũ quỷ sống, Hiu hiu gió bấc, Rặng trâm bầu, Người mẹ thứ hai…
Điểm đáng chú ý nhất của SK kịch TP.HCM ở liên hoan lần này là sự xuất hiện của nhiều tên tuổi tác giả, đạo diễn, thiết kế sân khấu trẻ Thanh Hương, Ngọc Hùng, Lan Phương, Thanh Thuỷ, Đăng Khoa, Gia Bảo, Hứa Mẫn… Điều này phản ánh khá trung thực một phần diện mạo và sức trẻ của đời sống của SK XHH ở TP.HCM.
* Liên hoan khai mạc lúc 20g ngày 11/4 tại Nhà hát Quân Đội TP.HCM. Sau lễ khai mạc sẽ là vở Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam. Các buổi thi tiếp theo sẽ diễn ra lúc 14g và 20g hàng ngày đến hết ngày 24/4. Lễ bế mạc và trao giải lúc 20g ngày 25/4
Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc 2018
Đạo diễn dàn dựng nhiều vở nhất: NSND Lê Hùng, 5 vở
Thiết kế sân khấu cho nhiều vở nhất: Hứa Mẫn, 3 vở. Hứa Mẫn cũng là TKSK trẻ nhất , anh thuộc thế hệ 9X
Vở diễn có nhiều diễn viên nhí nhất: Thiên thần nhỏ của tôi với 3 bé: Ngân Chi, Thuận Phát, Thuận Hưng
Diễn viên chính nhỏ tuổi nhất: bé Ngân Chi, 6 tuổi 5 tháng
Vở diễn có nhiều diễn viên nhất: Châu về hợp Phố với 70 diễn viên.
|
Thảo Vân