Khâu thảm đỏ gây phiền toái cho khách mời nghệ sĩ, tổ chức họp báo nhưng không cung cấp thông tin thỏa mãn nhu cầu báo chí, hội thảo không hướng đến đúng đối tượng cần nói cần nghe, kết cấu chương trình khai mạc và bế mạc thiếu hợp lý, kết quả giải thưởng không thuyết phục… Những điểm chưa được ở liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXI-2019 khiến năm ngày trôi qua của liên hoan như mang lại một cảm giác “trả nợ quỷ thần”.
Thiếu lan tỏa vì thừa nghiệp dư
Sau hai mươi mùa giải, đây là lần đầu tiên Liên hoan phim (LHP) Việt Nam đến với thành phố biển Vũng Tàu. Với lợi thế là một địa phương phát triển về du lịch, đơn vị “chủ nhà” của LHP làm hài lòng khách mời thông qua các công tác hậu cần được thực hiện chu đáo.
Nếu xem LHP đơn thuần như một kỳ nghỉ dưỡng cho những người liên quan đến phim ảnh, thì có lẽ đây là một mùa liên hoan thành công. Nhưng một sự kiện mang tầm quốc gia hai năm một lần như LHP đâu chỉ nhằm mục đích đó, mà những hoạt động của LHP còn hướng đến những ý nghĩa lớn hơn: sàng lọc để tôn vinh những tác phẩm có giá trị, đem điện ảnh đến gần với dân địa phương, tạo cơ hội cho những người làm nghề gặp gỡ để cùng bàn giải pháp đưa nền điện ảnh tiến lên chuyên nghiệp, giúp đơn vị “chủ nhà” quảng bá du lịch tỉnh… Xét trên những mục đích như vậy, thì rõ ràng LHP năm nay chưa thành công.
Có thể thấy không khí LHP thiếu sự lan tỏa, khi hai sự kiện chính của LHP là lễ khai mạc và bế mạc chỉ diễn ra trong khuôn viên một khách sạn sang trọng. Sự tách biệt về mặt không gian khiến sự kiện thảm đỏ trở nên buồn tẻ vì thiếu đi không khí nhộn nhịp, kết nối giữa khán giả với nghệ sĩ như khi tổ chức ở nhà hát nhiều kỳ LHP trước.
Việc LHP Việt Nam năm nay được trực tiếp trên kênh truyền hình của VOV - một nền tảng phát sóng không phổ biến như VTV - đài truyền hình quốc gia chuyên trực tiếp các sự kiện quốc gia như các mùa giải trước - càng khiến LHP không phổ cập đến rộng rãi công chúng.
Có lẽ cũng vì lần đầu tham gia LHP, nên công tác tổ chức của VOV còn nhiều bất cập, thể hiện qua việc đại diện VOV “cự tuyệt” cung cấp thông tin về các ca sĩ, bài hát sẽ trình bày tại lễ khai mạc và bế mạc trong buổi họp báo ngày 22/11, với lý do để chương trình có tính bất ngờ. Phần họp báo cũng gây ức chế cho giới truyền thông, vì thời gian họp bị rút ngắn so với thông báo.
Chưa kể màn ứng xử kém tinh tế của vị trưởng ban chỉ đạo LHP Việt Nam lần thứ XXI - thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, khi ông “chỉ đạo” luôn Trương Ngọc Ánh - thành viên giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh - trả lời câu nào và không được trả lời câu nào khi một nhà báo đặt câu hỏi cho cô.
Cách tổ chức nghiệp dư còn thể hiện ở phần biểu diễn văn nghệ đêm khai mạc với những ca khúc chủ đề trích từ 16 phim truyện điện ảnh, nhưng không có hình ảnh nào trích từ phim được chiếu trên màn hình, khiến người xem ngơ ngác không hiểu họ đang nghe gì. Có lúc trên sân khấu xuất hiện một nhóm người mặc đồng phục học sinh đeo khăn quàng đỏ nhảy nhót, hát những ca từ kỳ quái "Trường của mình là cái gì đây/ Trường của mình là cái ổ nhây/ Trường của mình là cái gì thế/ Trường của mình là cái động ế" (ca khúc trong Thạch Thảo - một trong 16 phim truyện điện ảnh dự thi - PV) không chút liên quan đến không khí của buổi lễ.
Đêm bế mạc diễn ra tẻ nhạt khi các cá nhân đoạt giải lần lượt xếp hàng lên nhận giải rồi lặng lẽ về chỗ. Khách mời trao giải thì đọc kết quả cho xong chuyện mà không có chút cảm xúc, trừ phần phát biểu của NSND Trà Giang.
|
Trấn Thành trong Cua lại vợ bầu |
Hai cuộc hội thảo chuyên môn vốn là “đặc sản” được trông đợi ở mỗi kỳ LHP diễn ra cho có, với nội dung lan man do mời sai đối tượng, hoặc người được mời phát biểu không đúng trọng tâm. Chẳng hạn ở hội thảo ngày 24/11 về “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam”, phần phát biểu của khách mời Lee Ha Joon - họa sĩ thiết kế phim Ký sinh trùng - chỉ xoay quanh quá trình thiết kế bối cảnh cho phim này, trong khi chủ đề hội thảo là “Bối cảnh quay phim tại Việt Nam”.
Hội thảo ngày 25/11 về “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam” trong thời kỳ hội nhập quốc tế thì lại dành hẳn một tiếng để quan chức Vũng Tàu giới thiệu về tiềm năng của địa phương trong việc thu hút các nhà làm phim. Nhiều người mất cơ hội trình bày dù đã được mời viết tham luận.
Có một mùa sen không trọn vẹn
Chất lượng một kỳ LHP không chỉ phụ thuộc vào cách tổ chức, mà còn vào chất lượng của các phim dự thi, trọng tâm là phim truyện điện ảnh. Ở cả hai khía cạnh này thì LHP cũng đã có một mùa sen không trọn, khi đa phần là phim giải trí, đa số “được cái này mất cái kia”.
Dòng phim mang tính định hướng do Nhà nước đặt hàng trở lại, nhưng cũng nhạt nhòa không có gì nổi bật so với chính dòng phim này ở những kỳ LHP trước. Hoàn toàn không thể tìm ra được một tác phẩm vừa được lòng giới chuyên môn lẫn khán giả như thời Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Sự lựa chọn vì vậy cũng chỉ như so bó đũa chọn cột cờ.
Ở kết quả một số hạng mục hoàn toàn không thuyết phục công chúng. Trong điện ảnh, phần thưởng cao quý nhất đôi khi không phải là đánh giá của giới chuyên môn, mà là cảm tình của khán giả. Xét về điều này thì giải thưởng hạng mục Phim được yêu thích nhất thuộc về Chú ơi đừng lấy mẹ con thật sự gây “sốc”. Bởi đây là một bộ phim vốn bị người xem tẩy chay vì xì-căng-đan phim giả tình thật của nam nữ diễn viên chính.
Bất ngờ thứ hai thuộc về việc Trấn Thành vượt qua Quách Ngọc Ngoan (phim Người bất tử) và Liên Bỉnh Phát (phim Song lang) nhận giải Nam chính xuất sắc. Nếu cho rằng màn thể hiện vai Dũng Thiên Lôi của Liên Bỉnh Phát trong Song lang tuy ấn tượng, nhưng vẫn còn non dại của người lần đầu dạo chơi, thì với số đông đã từng xem Người bất tử, ai cũng phải thừa nhận Quách Ngọc Ngoan đã có một vai diễn đỉnh cao khi hóa thân thành Hùng - một nhân vật trải qua nhiều nghịch cảnh, có nội tâm phức tạp, đa tính cách. Đặt vai diễn này so với vai Trọng Thoại của Trấn Thành trong Cua lại vợ bầu, dễ thấy ai là người có nội lực diễn xuất hơn hẳn.
Cua lại vợ bầu không chỉ thắng giải Nam chính xuất sắc thiếu thuyết phục, mà giải Bông sen bạc cùng giải cá nhân Biên kịch xuất sắc dành cho Nhất Trung cũng khiến người xem chưng hửng, vì tác phẩm có nội dung nhiều điểm phi lý, xây dựng nhân vật mâu thuẫn. Một cô gái ngoại tình đến có thai với người từng theo đuổi mình sau một đêm say xỉn, mà không biết tác giả bào thai là ai, nhưng lại được người chồng đang chung sống không hôn thú lẫn người cũ theo đuổi tranh giành cái thai ấy là của mình.
Năm ngày diễn ra LHP Việt Nam lần thứ XXI rốt cuộc cũng đã khép lại, có lẽ, trong sự thở phào của ban tổ chức lẫn công chúng. “Sen” đến hẹn vẫn phải nở, cho dù không trọn vẹn, và LHP Việt Nam hai năm một lần vẫn phải diễn ra, dẫu cho công tác tổ chức làm hoài mà vẫn chưa thể nào chuyên nghiệp nổi.
Trần Luân Kim - trưởng ban giám khảo Phim truyện điện ảnh: Không quá khó để chọn vàng Song lang, về nghề là bộ phim chỉn chu, hoàn chỉnh về mặt thể hiện, không có lỗi chính tả, chỉ nhà nghề nhìn thấy, mà khán giả không thấy. Phim dàn dựng giản dị, gần gũi, và thể hiện được tình yêu của đạo diễn đối với bộ môn cải lương những năm 1989. Điều đó rất đáng quý, vì hiện nay, rất nhiều môn nghệ thuật truyền thống đang lụi tàn, nên cần phải được đẩy lên. Và bản thân Song lang đã làm được điều đó. Nhìn chung, không khó để chọn tác phẩm đoạt giải Vàng. Về giải cá nhân, ban giám khảo bàn nhiều về trường hợp Trấn Thành. Thành vốn có lối diễn không phù hợp với điện ảnh vì hay cường điệu, đùa không đúng lúc, nếu làm MC hay vào những vai khác thì phù hợp. Trong Cua lại vợ bầu, Thành diễn tốt nhất so với những trường hợp khác nên phải khuyến khích. Trong quá trình diễn, có thể thấy những tình huống cần thể hiện nội tâm thì Thành làm tốt, so với chính anh ấy. Thành là một nhân vật nên khuyến khích, vì có nhiều cống hiến, và đây là vai diễn tiết chế nhất, điện ảnh nhất, gần với đời nhất của anh ấy. Còn về phía nữ, ban giám khảo so nhiều giữa Hoàng yến Chibi và Ngô Thanh Vân. Vân có một vai diễn xả thân, tự xé mình để thể hiện cho được vai Hai Phượng, điều đó rất tuyệt vời. Nhưng nhân vật Hai Phượng diễn xuất chủ yếu là động tác ngoại hình, bởi các tình huống tạo ra cho nhân vật vốn là như vậy. Nếu chỉ có phim hành động thi với nhau, thì chắc chắn vai diễn này có giải, nhưng vì có nhiều thể loại phim khác nữa nên không thể. Cua lại vợ bầu là một kịch bản được sắp xếp thông minh, tình huống và chi tiết được bố trí hợp lý. Có thể khán giả thấy nội dung phim phi lý, nhưng cái vô lý của điện ảnh không phải là đem cái ngoài đời để mà so sánh. |
Hương Nhu