Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021: Có nên tổ chức giữa thời dịch bệnh?

24/09/2021 - 07:01

PNO - Qua gần hai năm chịu tác động của dịch COVID-19, hoạt động sân khấu gần như đóng băng, thiếu tác phẩm, năng lượng sáng tạo cạn kiệt thì sân khấu có gì mới mẻ để thi?

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có thông báo (lần 4) về việc tổ chức Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, diễn ra từ 28/10 đến 18/11 theo hai hình thức trực tiếp (tại TP.Hải Phòng) hoặc trực tuyến tùy theo tình hình kiểm soát dịch bệnh ở từng địa phương. Thông tin này đã dấy lên những tranh luận về việc nên chăng tổ chức một liên hoan sân khấu ngay trong thời dịch bệnh?

Lệch pha

Tại TP.HCM, nơi hoạt động sân khấu vốn sôi nổi bậc nhất cả nước, qua bốn đợt bùng phát dịch và giãn cách xã hội kéo dài, người làm sân khấu không còn tâm trạng, sức lực để đi thi. “Tham gia liên hoan với tôi lúc này là không thể, không đủ thể lực, sức khỏe tinh thần lẫn cạn kiệt tài chính. Khi thành phố vẫn chưa thể ổn định vì dịch bệnh thì làm sao có thể sáng tạo, ý thức mỗi người vẫn nên là ai ở đâu ở yên đó, chống dịch thành công trước rồi tính”, NSƯT Mỹ Uyên - “bà bầu” của Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ 5B - cho biết.

Các sân khấu xã hội hóa của TP.HCM không thể quy tụ nghệ sĩ tập vở cũng như không còn nguồn lực và tinh thần dự thi trong bối cảnh dịch bệnh
Các sân khấu xã hội hóa của TP.HCM không thể quy tụ nghệ sĩ tập vở cũng như không còn nguồn lực và tinh thần dự thi trong bối cảnh dịch bệnh

NSƯT - đạo diễn Ái Như, chủ trì Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh - cho rằng với tình hình giãn cách xã hội tại TP.HCM thì “có ba đầu sáu tay” cũng không thể chuẩn bị kịp. Vả lại, “Nghệ thuật rất cần cho đời sống, nhưng khán giả phải tiếp nhận được nghệ thuật đó cái đã. Ở đây, nếu có cách đưa tác phẩm đến đông đảo công chúng, đưa nghệ thuật đến xoa dịu những vất vả, căng thẳng tại các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly thì tôi ủng hộ. Nhưng diễn không có khán giả, chỉ để nghệ sĩ đi thi với nhau liệu có hợp lý? Người dân cần lúc này không phải là liên hoan, mà là những hỗ trợ đầy đủ về y tế và kinh tế”, NSƯT Ái Như bày tỏ.

Tương tự, đạo diễn Ngọc Hùng cho biết sau thời gian ngưng hoạt động, Sân khấu Thế giới Trẻ không còn kinh phí cho một cuộc chơi tốn kém, khi đơn vị dự thi phải chịu mọi chi phí địa điểm biểu diễn, âm thanh, ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật ghi hình, truyền dẫn…

Trong khi đó, tình hình sân khấu phía Bắc lại khả quan hơn nhiều với khoảng 17 đơn vị đăng ký dự thi. Nếu các đơn vị xã hội hóa là linh hồn của sân khấu TP.HCM, thì trụ cột của sân khấu phía Bắc vẫn là các đoàn công lập. Nhiều đơn vị đã lên kế hoạch từ năm trước, và đã được duyệt kinh phí dự liên hoan, đã chuẩn bị tác phẩm đi thi. Hai đơn vị hàng đầu làng kịch phía Bắc là Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi Trẻ còn có kế hoạch tập thêm vở khi Hà Nội dừng giãn cách. Với nhiều nghệ sĩ phía Bắc, được sớm trở lại làm nghề sau thời gian tuân thủ giãn cách cũng là một nhu cầu.

Các sân khấu đã có nhiều tháng phải ngưng hoạt động do dịch bệnh, tác phẩm, sáng tạo mới gần như
Các sân khấu đã có nhiều tháng phải ngưng hoạt động do dịch bệnh, tác phẩm, sáng tạo mới gần như không có, việc tham gia liên hoan liệu có thực sự ý nghĩa?

Không đảm bảo hiệu quả

Ngoài việc e ngại tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng hình thức liên hoan trực tuyến không đảm bảo hiệu quả mong muốn.

NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho rằng bản chất của sân khấu là trình diễn thực, có sự cộng hưởng qua lại giữa nghệ sĩ biểu diễn với khán giả tại chỗ. “Dù thi trực tiếp thì cũng phải hạn chế khán giả mà thiếu khán giả là thiếu không khí sân khấu. Rồi thi trực tuyến thì chấm thi như thế nào khi cách một cái màn hình, cảm xúc đã khác. Như giờ bảo tôi ngồi chấm thi qua một cái máy cũng không có hứng thú. Với quy mô ngày hội chung của người làm sân khấu cả nước, thì chỉ nên diễn ra trong điều kiện bình thường, không nên có yếu tố khác biệt tác động có thể gây ra những vấn đề phức tạp”, NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến.

Có cái nhìn đầy cởi mở, đạo diễn - diễn viên Thái Kim Tùng (Nhà hát Kịch TP.HCM) cho rằng: “Liên hoan là nơi giới thiệu những vở diễn hay đến đông đảo khán giả, nơi người diễn - người xem tìm thấy sự đồng điệu. Vậy còn ý nghĩa gì với một liên hoan thiếu vắng khán giả? Mà chúng ta cũng không đủ điều kiện kỹ thuật lẫn không thể tập trung nhân lực để đảm bảo chất lượng phát trực tuyến nhằm thu hút công chúng xem vở dự thi”, đạo diễn Thái Kim Tùng nói.

Gữa lúc dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, việc chuẩn bị tác phẩm dự liên hoan liệu có khả thi?
Gữa lúc dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, việc chuẩn bị tác phẩm dự liên hoan liệu có khả thi?

Theo NSƯT - đạo diễn Hạnh Thúy, liên hoan còn là nơi người làm nghề gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau, cùng tìm tòi, sáng tạo cái mới. “Nếu thi trực tuyến thì các hoạt động này gần như không còn. Rồi chất lượng đường truyền, khung hình như thế nào để có thể bắt hết được những xử lý sân khấu của đạo diễn? Những thủ pháp dàn dựng sáng tạo, xử lý ánh sáng tinh tế, chiều sâu diễn xuất của diễn viên… chỉ có thể cảm nhận trọn vẹn tại khán phòng. Còn trực tuyến làm mất nhiều chất sân khấu, không đảm bảo chất lượng vở diễn cho người xem”.

“Với những tác động có thể nhìn thấy được của dịch bệnh, rõ ràng, tổ chức liên hoan sân khấu trong giai đoạn này là không phù hợp. Tại sao không dời sang năm, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, để liên hoan thực sự có ý nghĩa. Hơn bao giờ hết, lúc này chúng ta không thể phí bất cứ nguồn lực nào”, tác giả Vương Huyền Cơ phát biểu.

Qua gần hai năm chịu tác động của dịch COVID-19, hoạt động sân khấu gần như đóng băng, thiếu tác phẩm, năng lượng sáng tạo cạn kiệt thì sân khấu có gì mới mẻ để thi? Với diện mạo cũ kỹ của sân khấu Việt Nam nhiều năm qua, câu hỏi: “Liệu có cần thiết duy trì những liên hoan, hội diễn tốn kém với “mưa huy chương” nhưng ngày càng rời xa công chúng?” đã không ít lần được đặt ra.  Thay vì cố gắng tổ chức một liên hoan sân khấu tại thời điểm không phù hợp, tại sao không sử dụng nguồn kinh phí này hợp lý hơn, như hỗ trợ người làm sân khấu bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn đang lắng nghe các ý kiến đa chiều để tính toán thêm, và quyết định cuối cùng vẫn phải chờ chỉ đạo từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Đông A

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI