Liên hoan cải lương toàn quốc năm 2018, là liên hoan chứ chẳng phải hội diễn, là thiên về tính chất gặp gỡ, hội hè ca hát; khác với cuộc trình diễn chuyên nghiệp, workshop, bàn tròn hội thảo như trước đây.
Sau các kỳ tổ chức ở Cần Thơ, Bạc Liêu, ý định “đậu” lại Đồng Tháp là một lựa chọn sáng suốt bởi sức tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội ngoạn mục của vùng đất này trong những năm qua. Thế nhưng, điểm biểu diễn của tỉnh này lại không phù hợp. Giờ chót, Long An tương đối hội đủ các yếu tố, dù sức hút công chúng, tính quảng bá khá hiu hắt.
|
Vĩnh Sơn (vai Lê Long Đĩnh - phải) - điểm sáng duy nhất về ca diễn của Nhà hát Cao Văn Lầu trong vở Mùa xuân bất tận |
Liên hoan năm nay là cuộc chơi thỏa thích của các tên tuổi bước ra từ những cuộc thi vọng cổ, game show cải lương. Hầu hết đều đảm nhận vai chính, họ có giọng ca đẹp, thể hiện bài bản chắc, vững, mượt mà; sắc vóc sáng sủa.
Đặc biệt, xuất hiện, thi thố bằng vai diễn trong một vở tuồng có đầu tư chứ không phải chỉ là bài tân cổ, bài bản hay trích đoạn nên tất cả đều tỏ rõ sự hào hứng, say mê và tận tâm.
Ở chặng đầu của liên hoan là sự ra quân của những giọng ca đạt giải cao ở các kỳ Chuông vàng vọng cổ như Võ Thành Phê, Nguyễn Văn Khởi, Nguyễn Minh Trường… Chính điều này đã mang lại một sắc diện tươi tắn cho cải lương, hoặc giả, là minh chứng cho sức sống của loại hình nghệ thuật này.
Tuy nhiên, chính ưu thế này lại phơi bày hạn chế khác ở một cuộc chơi được xem là chuyên nghiệp. Sở hữu giọng ca đẹp lại không đi liền với một trình thức biểu diễn sân khấu, những quy ước chuẩn mực mà ca - diễn phải tương đồng lại khập khiễng.
Ở những vở diễn có đề tài tâm lý xã hội còn khả dĩ… lướt qua được, với các tuồng cổ, đề tài lịch sử thì lồ lộ tính nghiệp dư. Vai diễn Lý Công Uẩn (diễn viên Giang Tuấn), Đào Cam Mộc (Hoàng Dũng) là một ví dụ. Cảnh Lý Công Uẩn gặp gỡ Nguyệt Nương (Diễm Mi) là “điển hình” của sự tùy tiện trong trình thức biểu diễn, sự cẩu thả trong dàn dựng.
Tính ước lệ của sân khấu bị bỏ qua, nhân vật không có bất cứ chỉ dấu nào để xử lý giữa hai trạng thái thực và mơ, người và hồn ma, lúc xuất hiện cũng như khi biến mất đều… dễ dãi như nhau.
Vì không được trang bị nền tảng về kỹ thuật diễn xuất, đặc biệt với cải lương, diễn trong ca là một yếu tố để cân đo tài năng nên nhiều giọng ca đẹp lại chỉ trau chuốt làn hơi, nhấn nhá luyến láy mà không tìm hiểu thấu đáo ý, tứ, nghĩa của tình huống, kịch bản để hoàn chỉnh vai diễn.
Nhân vật Tuấn của Khánh Dư (vở Hồi sinh - Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai) đã vướng điểm này. Hễ xuất hiện là diễn viên này chỉ duy nhất một tư thế, đứng ngây người và… ca, kèm theo động tác tay này đưa ra thì tay kia khép lại. Nhân vật vốn đã bị xây dựng khiên cưỡng, đi cùng lối diễn xuất minh họa nên thành… thảm họa.
Dĩ nhiên, lỗi của diễn viên một phần, phần còn lại chính là đạo diễn. Bao nhiêu năm làm nghề là bấy nhiêu mùa hội diễn, vở diễn được dàn dựng, thi triển, vậy mà tư duy bục bệ, kiểu “sáng tạo” lắp ghép thô sơ vẫn cứ hiện diện, thậm chí là mảng miếng chủ đạo trong nhiều vở diễn dự thi cải lương - phiên bản 2018!
Mùa xuân bất tận (Nhà hát Cao Văn Lầu) đã cho thấy ở nhiều phân cảnh, sự cẩu thả, tùy tiện của dàn dựng. Mảng miếng lặp lại liên tục, như cảnh hồn ma, hết hiện ra trong giấc ngủ của Lê Long Đĩnh lại đến giấc mơ của Lý Công Uẩn. Các hồn ma thì hiện - ẩn tự nhiên. Cách biến mất của Lê Long Việt, Lê Đại Hành thậm chí rất buồn cười.
Hay trong vở Hồi sinh, rõ là dàn dựng rất… kém. Tuấn trong cảnh hấp hối, bà Hậu - mẹ Tuấn và Phương Lan - người yêu của Tuấn lại ra sức ru Tuấn bằng chiếc giường bệnh, rốt cuộc, hình ảnh ru đâu chẳng thấy lại thấy kéo xệch chiếc giường qua lại.
Một kịch bản yếu, xây dựng đường dây tâm lý phô, cộng thêm dàn dựng… phi lý, vụng nhất là cảnh cuối, màn lên gân tụng ca rất thô thiển, tiếc rằng lại là một sản phẩm của NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM.
Những thắt - mở liên tục đẩy vở diễn đến… đơn điệu vì hầu như không có lối ra, hoặc lối ra đã được khán giả đoán rõ nên Lối về (đoàn cải lương Thanh Nga) là một vở diễn có lửa - chủ yếu do diễn viên - nhưng khá lê thê, kịch bản thì quá cũ. Kiểu xây dựng nhân vật đã xấu, đã phản diện là ác không có… đường về, Huỳnh của Diễm Thanh là vậy.
Một doanh nhân thành đạt mà có thể ném vào người khác, lại là người thân mọi lời sỉ vả, mắng nhiếc kém cỏi như vậy, không đồng nhất tính cách, phong cách nhân vật, nó cho thấy một sự áp đặt một chiều của tác giả.
Một điều lạ, liên hoan là cuộc chơi của những người làm nghề, đúng nghĩa chỉ là của họ và một số… nhà báo. Còn nhà quản lý văn hóa các địa phương thì hầu như không thấy, nếu có, họ chỉ dự vở diễn của tỉnh họ, còn tỉnh bạn biểu diễn thì chẳng ai cùng ngồi xem mà nắm bắt, học hỏi, giao lưu lẫn nhau. Ai thi nấy coi, là vậy!
***
Đã 10 năm rồi, tôi mới được ngồi giữa khán phòng mà xem một vở cải lương. Cũng bấy nhiêu bục bệ kê đi kéo lại, cũng bấy nhiêu phông màn kéo lên hạ xuống. Trong cái bóng tối nhập nhoạng giữa những hồi chuyển cảnh, diễn viên mới là công hầu khanh tướng đó lại trở thành công nhân hậu đài, khiêng vác luôn cảnh trí. Thế mà đèn bật, họ lại bừng sáng với vai diễn, như chưa hề có bất cứ nhọc nhằn nào.
Những giọng ca tươi trẻ, ngọt ngào. Những tiềm năng 18, đôi mươi. Và cả những tên tuổi đã trầm mình cho một nghiệp dĩ, họ cùng nhau say mê ca diễn, hỉ - nộ - ái - ố trong tấn tuồng “mua vui” cho mấy trăm công chúng. Họ đấy, đang nuôi dưỡng và đi tiếp con đường cải lương sau 100 năm, đơn độc, thiệt thòi nhưng tràn đầy tình yêu và tận tụy.
Ái Mỹ