Ngoài sự xuất hiện của nhiều đơn vị xã hội hóa, liên hoan lần này còn có khá nhiều thay đổi trong cách tổ chức, quy định đề tài, thành phần giám khảo…
|
Rạng ngọc Côn Sơn - tác phẩm tham dự liên hoan của sân khấu xã hội hóa |
Đổi mới, nhưng vẫn lo
Lần đầu tiên, liên hoan cải lương (LHCL) không hạn chế đề tài, nội dung… các tác phẩm và đặc biệt khuyến khích những hình thức sáng tạo mới. Các đơn vị hoàn toàn chủ động dựng vở dựa trên thực lực của mình, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, công tác tổ chức biểu diễn của địa phương.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng cục Nghệ thuật Biểu diễn, cách làm này có thể rủi ro, nhưng đổi lại, cuộc chơi giữa các đơn vị sẽ công bằng, sòng phẳng hơn. Thực lực của từng đơn vị cũng dễ được nhận diện hơn. Thêm nữa, khi không bị bó buộc đề tài, nội dung… sau liên hoan, các đơn vị có thể mang tác phẩm ra phục vụ khán giả, tránh tình trạng dựng vở chỉ để đi thi.
Cũng như Liên hoan Sân khấu kịch nói diễn ra hồi tháng 4/2018, LHCL sẽ hạn chế việc giám khảo có tên trong thành phần sáng tạo của tác phẩm dự thi. Bên cạnh đó, thành phần ban giám khảo năm nay cũng được trẻ hóa.
Ngoài những thay đổi về quy chế, liên hoan năm nay cũng có sự chuyển giao giữa các thế hệ đạo diễn. Hai tên tuổi đạo diễn mới lần đầu ra quân ở liên hoan là NSƯT Hồ Ngọc Trinh và Trương Văn Trí.
Sự phối hợp của hai đạo diễn Bắc - Nam: NSƯT Triệu Trung Kiên - NSƯT Hồ Ngọc Trinh ở một tác phẩm về mảnh đất, con người Nam bộ, trên sân khấu đoàn cải lương Long An là một trong những ẩn số thú vị của mùa liên hoan năm nay.
Tuy chưa nhiều, số lượng các kịch bản mới lần đầu được giới thiệu cũng là một điểm sáng, khi thực trạng khan hiếm kịch bản là vấn đề nổi cộm nhất của Liên hoan Sân khấu kịch nói 2018. Nhiều kịch bản mới vừa hoàn tất trong năm nay như Cuộc đời của mẹ (Long An), Bến Đợi (Hương Tràm), Hồi sinh (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai), Tổ quốc nơi cuối con đường (Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Tiếng vọng hang Hòn (Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang)…
Thực trạng một đạo diễn dựng đến hơn 10 vở vẫn tiếp tục diễn ra trong mùa này, cho thấy vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực sự tin tưởng và trao cơ hội cho lớp trẻ. Cách tư duy này ít nhiều sẽ hạn chế sự phát triển của sân khấu cải lương và khiến liên hoan ít màu sắc, ít có sự sáng tạo độc đáo.
Gia vị mới: Cải lương xã hội hóa
Sự có mặt của 8 đơn vị cải lương xã hội hóa (XHH) là một trong những bất ngờ lớn nhất của LHCL 2018. Một số ý kiến cho rằng, cuộc đổ bộ này của các đơn vị XHH nhằm tìm kiếm huy chương, để bổ túc hồ sơ xét tặng danh hiệu. Nhưng ở góc độ khác, việc tìm kiếm huy chương để ghi nhận tài năng, thành tích là quyền của nghệ sĩ.
Sau những ồn ào quanh việc xét tặng danh hiệu cho NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT Giang Châu, cộng việc quy chế xét tặng danh hiệu vẫn chưa thoát yếu tố huy chương thì việc tạo điều kiện cho các đơn vị XHH tham gia liên hoan là động thái tích cực của ban tổ chức và Cục Nghệ thuật Biểu diễn.
Một số vở của sân khấu XHH cũng được đánh giá tốt và cho thấy sự chỉn chu, nỗ lực của những người thực hiện như Thái hậu Dương Vân Nga, Rạng ngọc Côn Sơn, Tổ quốc nơi cuối con đường… Đặc biệt, những nghệ sĩ tham gia các vở trên đều là những người rất gắn bó với sân khấu cải lương: NSƯT Phượng Loan, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Trường Sơn, NSƯT Tấn Giao, Trinh Trinh, Chí Linh...
Điều quan trọng còn hơn cả những tấm huy chương là cách người làm nghề thể hiện, khẳng định mình với bạn bè và công chúng ở một sân chơi chuyên nghiệp.
Riêng với sân khấu cải lương TP.HCM, có lẽ đây là lần đầu diện mạo của sân khấu cải lương công lập và XHH được phác họa trên cùng một bức tranh tổng thể. Liệu sẽ có sự chênh lệch hay khác biệt như từng thấy ở Liên hoan Sân khấu kịch nói trước đây?
“Với những vở diễn tốt, đạt chất lượng của các đơn vị XHH, nếu đơn vị có yêu cầu, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM sẽ hỗ trợ kinh phí để đưa tác phẩm đến biểu diễn phục vụ khán giả tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trung tâm văn hóa quận, huyện”.
n Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam
|
Liên hoan cải lương diễn ra từ ngày 5-19/9 tại tỉnh Long An. Riêng một số vở của các đơn vị XHH sẽ dự thi tại TP.HCM. Gala bế mạc và trao giải sẽ có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ cải lương tên tuổi các thế hệ, dự kiến sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Long An, HTV và VTV, lúc 20g, ngày 19/9.
Thảo Vân