Liên hoan các vở diễn của Lưu Quang Vũ: Nếu anh không đốt lửa

13/09/2013 - 21:32

PNO - PN - .../Nếu tôi không đốt lửa/Nếu chúng ta không đốt lửa/Thì làm sao/Bóng tối có thể trở thành ánh sáng? Từ ý thơ của Nadim Hikmet, Lưu Quang Vũ đã viết kịch bản Nếu anh không đốt lửa.

edf40wrjww2tblPage:Content

Không chỉ gây nên cơn sốt cách đây gần 30 năm, kịch bản của Lưu Quang Vũ lại một lần nữa giúp sân khấu phía Bắc thoát khỏi sự ảm đạm chung - dù chỉ là trong vài ngày - khi Liên hoan (LH) bắt đầu từ 9/9. 

1. Rạp Công Nhân đông khán giả không kém thời đoàn kịch Hà Nội diễn Tôi và chúng ta. Rạp Đại Nam, khán giả chen chúc vào xem Ngọc Hân công chúa và Nàng Sita hệt như cảnh tượng từng diễn ra cách đây gần 30 năm, với chính hai vở diễn ấy. Ở Rạp Tuổi Trẻ, mọi chuyện có vẻ trật tự hơn, bởi đơn giản, vé đã được... bán từ trước.

Thậm chí, trong đêm khai mạc tối 9/9, vở diễn Ông không phải là bố tôi của Nhà hát kịch Hà Nội chỉ có giấy mời nhưng ngoài cửa rạp, những tấm giấy mời ấy cũng được rao bán với mức giá từ 100.000-150.000đ. Vé hết nhanh, 500 chỗ ngồi tại đây không đủ chứa hết lượng người dồn vào. Kê ghế nhựa, lót dép, thậm chí chấp nhận đứng suốt hai tiếng đồng hồ, người xem ken đặc khán phòng, nhấp nhổm nhìn qua vai nhau…

Tại rạp Đại Nam, bàn thờ Lưu Quang Vũ được đặt trang trọng ở sảnh ngoài. Trước và sau mỗi vở diễn, rất đông khán giả nối nhau tới thắp hương cho ông. Ở Nhà hát Tuổi Trẻ, cảnh kết trong vở Mùa hạ cuối cùng khiến tiếng vỗ tay tràn ngập khán phòng. Các diễn viên xếp hàng ngang, đặt tay lên trái tim, đồng thanh: “Lưu Quang Vũ! Chúng tôi nhớ anh”.

“Những gì Lưu Quang Vũ viết đã giúp anh vượt ra khỏi câu chuyện của một tác giả có tài. Xa hơn, trong thời đổi mới, Vũ được nhìn nhận như một cây bút luôn bênh vực, bảo vệ những con người thấp cổ bé họng đang chịu thiệt thòi vì những bất công, vô lý của một giai đoạn lịch sử” nhà phê bình sân khấu Nguyễn Văn Thành nhận xét.

Lien hoan cac vo dien cua Luu Quang Vu: Neu anh khong dot lua

Một cảnh trong vở Ông không phải là bố tôi

2. Đi xa hơn một cuộc LH, câu hỏi về cách khai thác di sản mà Lưu Quang Vũ để lại bắt đầu được giới sân khấu nhắc đến. Rải rác trong hơn chục năm nay, một số kịch bản của Vũ đã được dàn dựng lại, hầu hết cũng đều có mặt tại LH này. Nhưng, như thế có vẻ vẫn là quá ít, so với toàn bộ 53 kịch bản của ông.

Câu hỏi đặt ra: bao nhiêu trong số những kịch bản của Lưu Quang Vũ xứng đáng được dựng lại? Dựng thế nào để có thể tìm được điểm tương đồng với cuộc sống hôm nay, khi mà kịch bản gần nhất Vũ viết cũng đã 1/4 thế kỷ? Ở đa phần những vở diễn dự LH, các chi tiết nhỏ trong lời thoại vẫn gợi lên cảm giác... không lẫn vào đâu được về một xã hội của những năm 1980, với những “con phe”, “sữa Con Chim”, “tem phiếu”, “chưởng Sài Gòn”. Và, dù xúc động khi nghe lời thoại, việc nhìn lại những vở diễn của Lưu Quang Vũ với tâm thế “thăm bảo tàng” như vậy ít nhiều cũng khiến người ta khó cảm được những thông điệp nhân văn sau lớp vỏ thời sự của ông.

“Có những kịch bản của Lưu Quang Vũ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Nhưng, cũng có những vở hoàn toàn đủ sức thu hút người xem, nếu đạo diễn có cách khai thác hợp lý để “kéo” lên ở đó những triết lý về cuộc sống, hạnh phúc, hay thân phận con người...”. NSƯT Anh Tú, Phó giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, nhận xét. Có nghĩa, sau LH, việc tiếp tục khai thác kho kịch bản của Lưu Quang Vũ sẽ là câu chuyện của các đạo diễn - không chỉ ở việc lựa chọn kịch bản, mà còn ở khả năng tìm ra cho những kịch bản ấy một cách thể hiện mới như thế nào...

Lưu Quang Vũ viết Nếu anh không đốt lửa với những thông điệp rất rõ: Mình không nói sự thật, ai sẽ nói thay mình? Nếu tất cả chúng ta không nói sự thật, cuộc sống sẽ đi đến đâu? Nền sân khấu đang khủng hoảng liệu có tìm được cách giữ ngọn lửa mà ông vừa nhen nhóm lại một lần nữa, bằng những kịch bản của mình?

 Thanh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI