Cần những sân chơi “sạch”
Ảo thuật Việt Nam không có nhiều sân chơi chính thống nếu không muốn nói là hiếm hoi. Do đó, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc là cơ hội quý để những cá nhân hoạt động trong lĩnh vực này cọ xát, học hỏi lẫn nhau; các đơn vị quản lý cũng thấy được bức tranh ảo thuật Việt hiện tại, có định hướng phát triển chung.
Trong bản đăng ký ban đầu, Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3 có 39 tiết mục, dự thi thực tế 36. Với quy định không quá 35% tiết mục đạt giải, 13 giải chính được trao tại buổi bế mạc gồm: 5 giải Vàng, 8 giải Bạc, 2 Khuyến khích và thêm 6 giải cá nhân do Liên Chi hội Xiếc trao tặng.
|
Tiết mục của thí sinh Trần Dũng đạt giải Vàng
|
Theo đó, 5 giải Vàng thuộc về: Trần Dũng, Lê Tuấn Anh, Nguyễn Việt Duy, Trần Thịnh, Phùng Tuấn Anh và 8 giải Bạc được trao cho: Phạm Vũ Trường, Nguyễn Mạnh Phương, Lư Phong, Trần Anh Đức, Nguyễn Anh Tú, Mai Ngọc Khánh Ly, Phi Long, Trần Nguyên.
Trong đó, ở giải Vàng, đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến kết quả. Ngay trước bế mạc, nhiều thí sinh đã thông tin giải Vàng chắc chắn sẽ thuộc về 4/5 tiết mục vì có 2 thí sinh là con của thành viên trong ban giám khảo, 1 là học trò và 1 là thí sinh đến từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam – đơn vị công lập duy nhất tham dự.
|
Các tiết mục đoạt giải Vàng tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3 |
Các thành viên hội đồng giám khảo đều khẳng định chấm công tâm, dựa trên năng lực thí sinh. Ở các tiết mục của con hay học trò trình diễn, vị giám khảo đó không được chấm và đương nhiên, chuyện thiên vị chắc chắn không xảy ra. Tuy nhiên, về phía các thí sinh khác, sự hoang mang thể hiện rõ khi kết quả giải Vàng đúng như những gì họ dự đoán từ đầu. Câu chuyện lòng tin về tính minh bạch một lần nữa được nhắc đến.
Rất khó để khẳng định những đồn đoán xung quanh kết quả là đúng vì mang tính chủ quan; về phía ban giám khảo, có những khó khăn nhất định để minh bạch điểm số nhưng nếu đo về hiệu ứng khán giả tại sân khấu, cách thức làm việc, thí sinh khó tránh khỏi lo lắng.
“Sau khi dự thi, các thí sinh đều thu dọn dụng cụ để về. Tuy nhiên, có những tiết mục được thông báo giữ lại để trình diễn trong đêm bế mạc dù họ chưa thi, điều đó nói lên điều gì? Nếu có những lần sau, những thí sinh tự do khó lòng tham gia nếu ban giám khảo vẫn có người nhà, học trò tham dự”, một thí sinh cho hay.
|
Tiết mục của thí sinh Lư Phong nhận được giải Bạc
|
Ảo thuật Việt thiếu những sân chơi, đặc biệt là sân chơi “sạch”. Có thể những giải thưởng Vàng, Bạc có ý nghĩa nhất định trong các cuộc xét duyệt danh hiệu nghệ sĩ – động lực để không ít thí sinh dự thi. Nhưng, ở quy mô của cuộc thi mang tầm quốc gia và diễn ra hiếm hoi thì nên chăng, sự minh bạch, công bằng phải được đưa lên hàng đầu để tăng uy tín của chương trình liên hoan với thí sinh.
Bên cạnh đó, sân chơi khi đã “sạch” còn phải chất lượng, mang tính xây dựng. Năm nay, nhiều thí sinh tự do dự thi, ngoài được thể hiện đam mê nghề nghiệp, điều họ cần là những góp ý xây dựng, nhận xét chuyên môn nhưng rốt cuộc, bước ra khỏi sân chơi này, họ vẫn là tự học, tự tìm tòi.
Từ Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 3, bàn về ảo thuật sáng tạo
Trong đêm bế mạc, có 4/5 tiết mục giải Vàng và một số giải Bạc trình diễn. Khoan bàn về chuyện xứng đáng hay không, các tiết mục này không mới. Người xem dễ đoán biết được các bước tiếp theo, thí sinh sẽ làm gì. Cả khán phòng không có những tiếng trầm trồ, ngạc nhiên vì bao năm rồi, vẫn là ảo thuật với bồ câu, khăn, quạt, đĩa… Do đó, ở các tiết mục đoạt giải là những cuộc khoe mẽ đồ nghề, khoe mức đầu tư mà thiếu đi sự duyên dáng trong trình diễn, thiếu tính sáng tạo.
|
Ảo thuật gia Nguyễn Phương và tiết mục dự thi
|
Từ sự đầy ắp các tiết mục mang kỹ thuật cũ, dù đây là những tiết mục đã được lựa chọn để biểu diễn trong đêm bế mạc, đã nói lên nhiều điều. Trong chiếc hộp đen biến ra cô gái, bồ câu biến mất khi chiếc lồng phủ khăn đen hay chiếc hộp bị mũi nhọn đâm nhưng khi mở hộp, cô gái vẫn bình thường... là các tiết mục đã quá quen thuộc. Không chỉ thiếu sự sáng tạo mà còn thiếu một đường dây kịch bản xuyên suốt, khiến các phần thể hiện tài năng rời rạc.
Riêng giải Vàng của ảo thuật gia Nguyễn Việt Duy (CLB Ảo thuật TP.HCM) là một điểm sáng. Thí sinh này có tính tương tác với khán giả, kỹ thuật trình diễn tốt, duyên dáng trong các phần giao lưu. Trong mùa 3, ngoài Việt Duy, ảo thuật gia Nguyễn Mạnh Phương (nghệ danh Nguyễn Phương, CLB Ảo thuật Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng) là người ứng dụng công nghệ đèn LED để trình diễn. Nguyễn Phương từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế cũng như giữ kỷ lục Guiness Việt Nam về tiết mục biểu diễn tương tác với đèn LED. Trong cuộc thi, anh nhận được giải Bạc và giải Tiết mục Sáng tạo.
“Tại Việt Nam, nhiều ảo thuật gia vẫn còn tư tưởng giữ bí mật về tiết mục. Điều đó không sai nhưng trên thế giới, nhiều ảo thuật gia không ngại việc nói ra những bí mật nghề nghiệp chỉ với mục đích để họ tạo áp lực cho bản thân phải sáng tạo. Ảo thuật Việt nếu cứ lặp đi lặp lại những tiết mục đã cũ thì khán giả sẽ chán, ai còn đủ kiên nhẫn để xem những điều họ đã từng xem rất lâu trước đó”, ảo thuật gia Nguyễn Phương chia sẻ.
|
Việt Duy tương tác cùng khán giả trong tiết mục ảo thuật
|
Thử nghiệm những kỹ thuật mới vào ảo thuật là điều bất cứ ảo thuật gia nào cũng muốn thực hiện. Tuy nhiên, có những khó khăn nhất định về kinh phí để những người mới đầu tư, môi trường để họ học tập. Ảo thuật gia Nguyễn Phương từng có 2 năm sang Úc để trải nghiệm những kỹ thuật hiện đại áp dụng vào ảo thuật. Khi về Việt Nam, anh từng chấp nhận lỗ mỗi show diễn để khán giả quen với những tiết mục ảo thuật mới.
“Với những thí sinh ứng dụng những kỹ thuật mới vào ảo thuật, chúng tôi rất hoan nghênh vì các bạn có tìm tòi. Tuy nhiên, con số này còn quá ít. Có những tiết mục tôi đã xem vào 30 năm trước bây giờ vẫn là những bồ câu, khăn, đĩa… thì phải nói thật, rất đáng tiếc. Ảo thuật Việt vẫn còn thiếu sự đầu tư, không thể trách các bạn nhưng để ảo thuật trong nước nâng tầm, còn là câu chuyện mà những người trong cuộc phải cùng bàn bạc mà nên chăng, ai có khả năng hãy mạnh dạn thử nghiệm”, NSND Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ.
Diễm Mi