Liên Hợp Quốc: Quá ít chi tiêu phục hồi chống lại biến đổi khí hậu

11/03/2021 - 06:39

PNO - Báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cho biết, các quốc gia đang chi số tiền kỷ lục để phục hồi sau đại dịch và khủng hoảng kinh tế nhưng bỏ ra số tiền nhỏ giọt để chống lại sự biển đổi khí hậu.

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và Đại học Oxford chỉ rõ, các nền kinh tế hàng đầu đã chi hơn 14,6 ngàn tỷ USD cho đến nay để phục hồi sau cuộc khủng hoảng sức khỏe, với gần 2 ngàn tỷ USD trong số đó nhằm mục đích phục hồi dài hạn. Nhưng chỉ 341 tỷ USD - khoảng 18% - trong số tiền phục hồi kinh tế COVID-19 dành cho chi tiêu xanh.

Brian O'Callaghan, tác giả chính của báo cáo thuộc Dự án Phục hồi Kinh tế của Đại học Oxford, cho biết: “Có vẻ như thế giới đang cố gắng dập lửa bằng vòi nước trong vườn, trong khi một vòi nước hoàn toàn tốt có sẵn ngay bên cạnh”. Ông cho biết bản báo cáo nêu bật những cơ hội bị bỏ lỡ, chỉ ra Úc, nơi chỉ có 2% trong số 130 tỷ USD chi tiêu phục hồi theo định hướng xanh.

Trong báo cáo cuối tháng 2/2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, cho biết hành tinh đang ở trong tình trạng “báo động đỏ”
Trong báo cáo cuối tháng 2/2021, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, cho biết hành tinh đang ở trong tình trạng “báo động đỏ”

Báo cáo tập trung vào chi tiêu dài hạn, chẳng hạn như đường xá, tòa nhà và các dự án năng lượng, thay vì cứu trợ nhanh chóng, hỗ trợ thất nghiệp và cứu trợ khẩn cấp khác để giữ cho người dân và doanh nghiệp tồn tại.

Bộ trưởng Môi trường Đức Svenja Schulze cho biết, các quốc gia vội vàng thường chọn các phương pháp khôi phục kinh tế quen thuộc chứ không chú trọng đầu tư vào “một tương lai bền vững”.

Hoa Kỳ chi khoảng 1/4 trong số tiền phục hồi dài hạn COVID-19 - một phần nhỏ trong tổng chi tiêu đại dịch - cho các dự án xanh. Trong khi đó, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan và Đức chi gần một nửa hoặc hơn một nửa gói khôi phục kinh tế cho các dự án môi trường bền vững.

“Nhìn chung cho đến nay, chi tiêu xanh toàn cầu không phù hợp với mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng hành tinh là biến đổi khí hậu, tàn phá thiên nhiên và ô nhiễm môi trường” - Giám đốc Môi trường Liên Hiệp Quốc Inger Andersen chia sẻ.

Tương tự, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva cho biết, nếu thế giới tập trung vào chi tiêu cho năng lượng sạch, họ có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng và “chắc chắn có khả năng đối phó với cú sốc đột ngột hơn mà biến đổi khí hậu đang gây ra đối với xã hội của chúng ta”. 

Bà nhấn mạnh thêm thế giới cần “tạo ra nhiều việc làm hơn và các cơ hội kinh tế tốt hơn bằng cách đầu tư tiền đúng cách chứ không phải sai cách.”

Minh Hương (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI