Liên Hiệp Quốc lo ngại về tình trạng nhiều nước để vắc xin COVID-19 đến hết hạn sử dụng

06/08/2021 - 10:37

PNO - Hôm 5/8, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) cho biết cơ quan này lo ngại về tình trạng một số quốc gia còn để tồn rất nhiều vắc xin COVID-19 cho đến hết hạn sử dụng, và nhấn mạnh rằng có thể giúp phân phối nguồn vắc xin này đến những nơi cần, nếu chính phủ các nước này có yêu cầu.

Chương trình chia sẻ vắc xin COVAX cho đến nay đã cung cấp 186,2 triệu liều cho 138 quốc gia, theo dữ liệu từ UNICEF - Ủy ban Trẻ em của Liên Hợp Quốc.

Chương trình COVAX - do Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Liên minh Các sáng kiến ứng phó với dịch bệnh (CEPI), Tổ chức Y tế thế giới và UNICEF cùng phối hợp triển khai - đã đặt mục tiêu đảm bảo cung cấp 2 tỷ liều vắc xin COVID-19 cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đến cuối năm 2021.

“Chúng tôi rất lo ngại về tình trạng nhiều nước còn để tồn rất nhiều vắc xin cho đến hết hạn sử dụng. Những quốc gia này đều có quyền độc lập, tự quyết nhưng cũng cần thể hiện tinh thần trách nhiệm và đạo đức với cộng đồng thế giới. Nếu không chia sẻ vắc xin với các nước đang thiếu thì ít nhất các nước này cũng nên tiêm đầy đủ vắc xin cho người dân của mình ngay khi có vắc xin, thay vì để tồn đọng”, Stephane Dujarric - người phát ngôn của LHQ lên tiếng.

Ông Dujarric cũng cho biết LHQ sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thừa nguồn vắc xin phân phối đến các nước cần, chẳng hạn như vận chuyển, cung cấp dây chuyền bảo quản lạnh. “Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể được thực hiện theo yêu cầu của chính phủ từng nước”, ông nói thêm.

Hôm 3/8, Nhà Trắng cho biết, tính đến nay Mỹ đã viện trợ hơn 110 triệu liều vắc xin cho hơn 60 quốc gia, phần lớn nguồn vắc xin này được chia sẻ thông qua chương trình COVAX.

Dự kiến, đến cuối tháng 8, Mỹ cũng sẽ chuyển thêm 500 triệu liều vắc xin đến 100 quốc gia có thu nhập thấp.

Khi được hỏi về những khó khăn trong việc đưa vắc xin đến các nước đang thiếu nguồn trên thế giới, Đại sứ Mỹ tại LHQ - Linda Thomas-Greenfield - chia sẻ với hãng tin MSNBC rằng vấn đề chính là “năng lực sản xuất vắc xin theo chương trình COVAX chưa đủ mạnh như kỳ vọng”.

“Nhưng chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo đưa vắc xin đến cho nhiều người dân trên thế giới”, bà Thomas-Greenfield nói.

Nhất Nguyên (theo CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI