Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo cho thấy Trái Đất ngày càng biến đổi nhanh hơn

27/09/2019 - 06:00

PNO - Theo báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc (LHQ), biến đổi khí hậu có những tác động đáng kinh ngạc đối với các đại dương và vùng băng tuyết vốn chiếm khoảng 80% diện tích bề mặt Trái Đất.

Hơn 100 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới cùng đóng góp vào báo cáo mới nhất của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), được đưa ra giữa Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở New York trong tuần này.

Mùa thu năm 2018, IPCC khẳng định thế giới phải thực hiện những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng về năng lượng, giao thông vận tải và các hệ thống khác để giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5oC - mốc quan trọng trong thỏa thuận khí hậu Paris.

Một trong những phát hiện nổi bật nhất của báo cáo liên quan đến sự gia tăng mực nước biển, thúc đẩy chủ yếu bởi quá trình tan chảy nhanh chóng của băng tuyết ở Greenland, Nam Cực và các sông băng nhỏ hơn trên thế giới.

Theo ước tính của IPCC, mực nước biển sẽ tăng thêm 1m vào năm 2100 so với hiện tại nếu lượng phát thải tiếp tục duy trì ở mức cao, con số này trong báo cáo năm 2013 chỉ là 0,9m.

Đối với một số thành phố ven biển, sự kiện lũ lụt lịch sử vốn chỉ xảy ra sau khoảng 100 năm sẽ xuất hiện hằng năm từ năm 2050. Nhiều thành phố lớn như Jakarta, Manila, Bangkok, Lima, Singapore, Barcelona và Sydney đều nằm trong khu vực cảnh báo. 

Lien Hiep Quoc cong bo bao cao cho thay Trai Dat ngay cang bien doi nhanh hon
Lớp băng ở Bắc Cực và nhiều vùng băng tuyết khác ngày càng mỏng đi, dẫn đến mực nước biển dâng cao, đe dọa cuộc sống hàng triệu người dân tại các thành phố ven biển. (Ảnh: National Geographic)

Tại Mỹ, những thành phố phải đối mặt với nguy cơ mực nước biển lấn bờ bao gồm Los Angeles, Miami, Savannah, Honolulu, San Juan, Key West và San Diego. Eric Garcetti - thị trưởng thành phố Los Angeles - bình luận về báo cáo: "Liệu chúng ta còn cần thêm bằng chứng nào nữa? Những con đường ngập lụt, những ngôi nhà bốc cháy, và ở các thành phố, chúng ta biết điều này có thật".

Các nhà khoa học lưu ý về quá trình tan băng đang gia tăng ở Greenland và Nam Cực. Một lượng lớn khí carbon chứa trong những khối băng vĩnh cửu có thể được giải phóng và làm Trái Đất nóng đến mức "kỷ lục" do hiệu ứng nhà kính. Băng ở biển Bắc Cực vào mùa hè 2019 đạt mức thấp nhất trong "ít nhất 1.000 năm", và lớp băng dày nhất, cổ xưa nhất cũng giảm 90%.

Tiếp đến, đại dương đang mất oxy, phát triển nhiều tính axit, hấp thụ nhiệt ngày càng tăng và trở nên phân tầng hơn, với phần nước ấm dày lên ở bề mặt ngăn dòng nước mát giàu dinh dưỡng lưu chuyển lên trên.

Tất cả những thay đổi này dần hủy hoại hệ sinh thái biển. Một trong những phát hiện gây sốc nhất liên quan đến "sóng nhiệt biển", tác nhân bị quy trách nhiệm cho cái chết hàng loạt của san hô, rừng tảo bẹ và các sinh vật đại dương quan trọng khác.

Nhóm tác giả lưu ý rằng nhiều trong số những thay đổi trên đối với đại dương và băng diễn ra ở các khu vực trên Trái đất nơi có ít người sinh sống, và do đó sự thay đổi không phải lúc nào cũng dễ dàng nhìn thấy đối với hầu hết bộ phận dân chúng.

Nhưng những thay đổi cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến mọi người trên toàn thế giới, dưới hình thức nước biển dâng và các hiệu ứng khác. Một khi những tác động đó trở nên tồi tệ hơn, con người càng khó khăn trong việc thích nghi với chúng.

Tổng thư ký LHQ - António Guterres - nói với các nhà lãnh đạo thế giới hôm thứ Ba trong nỗ lực thúc đẩy hành động mới nhất của ông: "Biến đổi khí hậu là một cuộc đua mà chúng ta đang thua, nhưng đó là cuộc đua mà chúng ta có thể chiến thắng nếu chúng ta thay đổi cách thức hành động từ bây giờ. Ngay cả ngôn ngữ của chúng ta cũng phải thích nghi: Điều từng được gọi là ‘biến đổi khí hậu' giờ đây thực sự là 'khủng hoảng khí hậu'".

Ngọc Hạ (Theo Washington Post, Science Alert)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI