Liên hiệp quốc cảnh báo chiến dịch tấn công Rafah của Israel có thể là "cuộc tàn sát”

03/05/2024 - 18:08

PNO - Ngày 3/5, Văn phòng nhân đạo của Liên hiệp quốc (LHQ) nhận định, một cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ khiến mạng sống của hàng trăm nghìn người dân gặp nguy hiểm. Đây là một đòn giáng mạnh vào các hoạt động nhân đạo của toàn bộ khu vực này.

Người dân đứng cạnh một ngôi nhà bị hư hại trong cuộc tấn công của Israel ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 3/5 - Ảnh: Hatem Khaled/Reuters
Người dân đứng cạnh một ngôi nhà bị hư hại trong cuộc tấn công của Israel ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 3/5 - Ảnh: Hatem Khaled/Reuters

Israel đã cảnh báo về một chiến dịch chống lại Hamas ở thành phố Rafah phía nam Dải Gaza, nơi có khoảng 1 triệu người di tản đang chen chúc trong những nơi trú ẩn và chỗ ở tạm bợ. Họ mệt mỏi sau nhiều tháng chạy trốn khỏi các cuộc oanh tạc của Israel kể từ tháng 10/2023.

Jens Laerke - người phát ngôn của Văn phòng Nhân đạo Liên Hợp Quốc - cho biết tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ): “Chiến dịch tấn công có thể là một cuộc tàn sát thường dân. Đây cũng là đòn giáng mạnh vào hoạt động nhân đạo trên toàn bộ dải đất nếu nó diễn ra ở Rafah”.

Ông Laerke cho biết phần lớn hoạt động viện trợ vẫn đang tập trung ở Rafah, bao gồm các phòng khám y tế và điểm phân phối thực phẩm, những trung tâm dành cho trẻ em suy dinh dưỡng.

Một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết trong cùng cuộc họp rằng, kế hoạch dự phòng nhằm ứng phó tình huống Israel tấn công vào Rafah đã được chuẩn bị, bao gồm việc thành lập một bệnh viện dã chiến mới.

Tuy nhiên quan chức này cũng cảnh báo, kế hoạch là không đủ để ngăn chặn sự gia tăng đáng kể số người chết.

Rik Peeperkorn - đại diện của WHO tại lãnh thổ Palestine ở Gaza - cho biết: “Tôi thực sự muốn nói rằng kế hoạch dự phòng này chỉ là một biện pháp hỗ trợ. Nó hoàn toàn sẽ không ngăn chặn được tỷ lệ tử vong và bệnh tật tăng thêm đáng kể do một hoạt động quân sự gây ra”.

Ông bày tỏ lo ngại rằng bất kỳ cuộc tấn công nào cũng sẽ khiến cửa khẩu Rafah giữa Gaza và Ai Cập phải đóng cửa. Địa điểm hiện đang được sử dụng như cửa ngõ viện trợ vật tư y tế.

Trong một diễn biến khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã tạm dừng mọi hoạt động thương mại với Israel với lý do "thảm kịch nhân đạo ngày càng tồi tệ" ở vùng lãnh thổ Palestine.

“Các giao dịch xuất nhập khẩu liên quan đến Israel đã bị tạm dừng, bao gồm tất cả các sản phẩm”, Bộ thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết vào cuối ngày 2/5.

Hãng thông tấn AP đưa tin những người biểu tình ủng hộ Palestine đã cắm trại trong các khuôn viên trường đại học trên khắp nước Úc vào ngày 3/5. Trong đó, một số người đã xô xát với những người biểu tình ủng hộ Israel ở Sydney, tương tự như những gì đang diễn ra ở Mỹ.

Sinh viên đã dựng trại tại các trường đại học ở nhiều thành phố lớn của Úc trong 2 tuần qua để phản đối cuộc tấn công của Israel ở Gaza. Theo AP, phía sinh viên yêu cầu các trường đại học cắt đứt mọi quan hệ học thuật với Israel và cắt đứt quan hệ đối tác nghiên cứu với các nhà sản xuất vũ khí.

Trẻ em Palestine lang thang quanh đống đổ nát của một ngôi nhà ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 27/4 - Ảnh: REUTERS/Hatem Khaled
Trẻ em Palestine lang thang quanh đống đổ nát của một ngôi nhà ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 27/4 - Ảnh: REUTERS/Hatem Khaled

Người biểu tình cầm biểu ngữ, nhảy múa và ca hát trong khuôn viên của Đại học Sydney vào ngày 3/5 - Ảnh: Lisa Maree Williams/Getty Images
Người biểu tình cầm biểu ngữ, nhảy múa và ca hát trong khuôn viên của Đại học Sydney vào ngày 3/5 - Ảnh: Lisa Maree Williams/Getty Images

Tấn Vĩ (theo Reuters, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI