Liên Hiệp Quốc bổ sung 100 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để chống lại nạn đói

18/11/2020 - 20:31

PNO - Hôm 17/11, Giám đốc viện trợ của Liên Hiệp Quốc (LHQ) Mark Lowcock cho biết, ông sẽ sử dụng 100 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để giúp bảy quốc gia ngăn chặn nạn đói do xung đột, khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.

Theo đó, khoảng 30 triệu USD sẽ được chi cho Yemen, 30 triệu USD chia đều cho Afghanistan và đông bắc Nigeria, 7 triệu USD chia cho Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo, 6 triệu USD cho Burkina Faso. Ông Lowcock cho biết 20 triệu USD cũng được trích ra để đề phòng tình hình tồi tệ hơn ở Ethiopia.

Ông Lowcock nói: "Viễn cảnh quay trở lại một thế giới mà nạn đói là chuyện thường ngày thật sự đáng đau lòng, bởi thế giới thực tế có dư dả thức ăn cho tất cả mọi người. Nạn đói dẫn đến những cái chết đau đớn, xót xa; đồng thời tác động của sự kiện đối với một quốc gia là thảm khốc và lâu dài”.

Gần 500 triệu USD được chuyển vào Quỹ Ứng phó Khẩn cấp Trung ương của LHQ vào năm 2020. Quỹ này cho phép các cơ quan trên thế giới ứng phó nhanh chóng với các cuộc khủng hoảng nhân đạo mới, hoặc các trường hợp khẩn cấp thiếu tài chính mà không cần phải chờ đợi các khoản đóng góp riêng.

Cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc chuyển thực phẩm, chăn nệm đến Yemen, quốc gia nghèo đói sau nhiều năm xung đột, chiến tranh.
Cơ quan cứu trợ của Liên Hiệp Quốc chuyển thực phẩm, chăn nệm đến Yemen, quốc gia nghèo đói sau nhiều năm xung đột, chiến tranh.

Tuần trước, David Beasley, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) – cơ quan của LHQ vừa đạt Giải Nobel Hòa bình 2020  - cảnh báo các nhà lãnh đạo thế giới rằng năm 2021 sẽ còn tồi tệ hơn năm nay, và nếu không có hàng tỷ USD viện trợ, "thế giới sẽ có nạn đói tỷ kỷ lục vào năm 2021”.

Ông David Beasley cho biết WFP cần 15 tỷ USD vào năm 2021 - 5 tỷ USD chỉ để ngăn chặn nạn đói và 10 tỷ USD để thực hiện các chương trình toàn cầu của cơ quan bao gồm giúp đỡ trẻ em suy dinh dưỡng và duy trì bữa trưa ở trường học – vốn thường là bữa ăn duy nhất mà trẻ em nghèo có được.

Theo một phân tích chung của WFP và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc vào tháng Mười, 20 quốc gia “có khả năng phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực nghiêm trọng cao” trong ba đến sáu tháng tới, “và cần được chú ý khẩn cấp".

Trong số đó, nhiều khu vực tại Yemen, Nam Sudan, đông bắc Nigeria và Burkina Faso "đã rơi vào tình trạng đói kém nghiêm trọng sau nhiều năm xung đột hoặc các cú sốc khác", và bất kỳ sự suy thoái nào khác trong những tháng tới "có thể dẫn đến nguy cơ nạn đói".

Ngoài ra, những quốc gia khác cần "được chú ý khẩn cấp" bao gồm Afghanistan, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Congo, Ethiopia, Haiti, Lebanon, Mali, Mozambique, Niger, Sierra Leone, Somali, Sudan, Syria, Venezuela, Zimbabwe.

Linh La (theo Reuters, AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI