Sở thích làm móng đã có từ thời xa xưa
Vào năm 1964, trong một cuộc khai quật các ngôi mộ cổ ở Ai Cập, xác ướp của Pharaoh Nyuserra, nhà vua trị vì trong giai đoạn từ 2458 - 2422 trước Công nguyên cùng đoàn tùy tùng đã được tìm thấy. Người ta cũng đọc được những dòng chữ khắc trên tường của ngôi đền cổ có nhắc đến cụm từ “những người giữ gìn và chăm sóc móng tay cho pharaoh”.
|
Bộ đồ nghề làm móng cho các pharaoh ngày xưa - Ảnh: Milano Comestic |
Vào thời Ai Cập cổ đại, màu sắc của sơn móng tay được phân loại nhằm giúp nhận biết đẳng cấp của người dân trong xã hội. Những nhân vật có vị trí cao như các pharaoh và thành viên của gia đình hoàng tộc thì thường sơn móng tay bằng những tone màu sáng. Với những tone màu nhạt hoặc tối thì được dùng để sơn móng tay cho tầng lớp nô lệ và kẻ hầu người hạ.
Theo sử sách cổ còn ghi lại thì Nữ hoàng Cleopatra VII Philopator, thành viên cuối cùng của triều đại Ptolemy trị vì từ năm 69 - 30 trước Công nguyên, thường sơn những móng tay để dài của mình bằng màu sành được chiết xuất từ một loại cây có tên là henna (cây lá móng).
Người xưa tin rằng, móng tay dài tượng trưng cho sự thông thái và giúp họ có thể giao tiếp với thần linh. Chính vì vậy mà các vị quân sư và tu sĩ thường dành nhiều công sức và thời gian để nuôi cho mình những bộ móng tay thật đẹp.
Trước thế kỷ 19, lịch sử của nghề làm móng bắt đầu chứng kiến những giai đoạn thăng trầm. Những ai để móng tay dài và sơn móng tay thường bị cho là “những kẻ nổi loạn xấu xa” và không nhận được cái nhìn thiện cảm người đời. Chỉ có vài giới trong xã hội là sẵn sàng sơn móng tay, như nữ nghệ sĩ, dân giang hồ và các cô gái hành nghề “buôn phấn bán hương”.
Thế nhưng trong suốt giai đoạn của thời kỳ Phục Hưng thì giới quý tộc châu Âu lại cực kỳ quan tâm đến việc chăm sóc móng tay của mình mặc dù việc sơn móng tay lúc đó vẫn chưa được khuyến khích. Phụ nữ Pháp cắt ngắn móng tay, đánh bóng chúng bằng một miếng da thuộc rồi ngâm móng tay trong nước cốt chanh để giúp bộ móng được chắc khỏe.
Mary E. Cobb được xem là người phụ nữ Mỹ đầu tiên học nghề làm móng một cách bài bản ở Pháp. Sau đó, bà hệ thống hóa lại toàn bộ quy trình làm, chăm sóc móng tay để mang về lại Mỹ và mở tiệm nail đầu tiên mang tên "Mrs. Pray's Manicure" vào năm 1878. Thời điểm đó bà vẫn chưa hề biết rằng, nghề nail về sau sẽ trở thành một trong những loại hình dịch vụ được quan tâm nhất trong cuộc sống hiện đại của con người.
|
Màu sơn thông dụng được lựa chọn để sơn móng tay những năm đầu thế kỷ 20 là màu đỏ - Ảnh: Milano Comestic |
Những năm đầu của thế kỷ 20, khái niệm “làm móng tay” đã chính thức được thừa nhận một cách đầy đủ. Những bộ móng tay sơn màu đỏ được quý bà quý cô ưa chuộng và trở thành trào lưu thời trang lan rộng khắp nơi.
Vào những năm 1960, tone màu pastel nhanh chóng được truyền cảm hứng từ trào lưu văn hóa hippie của giới trẻ lan sang lĩnh vực thời trang, trong đó có cả ngành làm móng. Đến những năm 1990, những màu sơn như đỏ, hồng và màu be chính thức lên ngôi. Thế nhưng đến thế kỷ 21 thì không còn bất cứ sự giới hạn nào về màu sắc của sơn móng tay khi sự tự do và chủ nghĩa cá nhân được đề cao. Lúc này, phụ nữ có toàn quyền quyết định mình sẽ sơn màu gì cho bộ móng của mình để có thể khoe được cá tính và gu thẩm mỹ của bản thân.
Người Việt thống trị “đế chế nghề nail” trên đất Mỹ
Một nhà báo ở Mỹ nói đùa rằng, nếu ai đó đang ngắm nghía bộ móng mới của mình với vẻ hài lòng thì rất có thể cô ấy vừa bước ra từ một tiệm nail do người Việt quản lý. Điều này không hề cường điệu khi mà tiệm nail hiện diện hầu như mọi ngóc ngách trên khắp nước Mỹ rộng lớn với phần lớn những ông bà chủ có gốc gác từ Việt Nam.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu xã hội đã từng đặt câu hỏi: Làm thế nào để người Việt có thể chiếm lĩnh và làm chủ ngành công nghiệp làm móng trị giá hơn 8 tỷ USD như vậy?
|
Người Việt được cho là lấn sân trong lĩnh vực công nghiệp nail ở hải ngoại - Ảnh: Getty Images |
Năm 2019, một nhà làm phim người Mỹ gốc Việt là Adele Free Pham đã đi tìm câu trả lời qua một bộ phim tài liệu mang tên “Nailed It” với nhiều thông tin đáng quan tâm.
Theo đó, vào năm 1975, Tippi Hedren, một nữ nghệ sĩ Hollywood nổi tiếng người Mỹ có mối quan tâm đặc biệt đến công việc thiện nguyện, đã thực hiện một dự án nhân đạo trợ giúp 20 phụ nữ người Việt Nam mới đặt chân sang Mỹ. Nhận thấy cần phải tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ nhập cư này để giúp họ có thể hòa nhập vào cuộc sống xa lạ ở xứ người, bà đã mời một thợ làm móng chuyên nghiệp tên là Dusty Coots đến trung tâm cộng đồng ở Bắc California để dạy họ cách làm móng.
Những người phụ nữ này chính là nhóm thợ người Việt đầu tiên ở Mỹ được học và cấp chứng chỉ hành nghề chuyên nghiệp. Và cũng từ đây, một “đế chế nghề nail” dần được xây dựng và thống trị bởi cộng đồng người Việt trên khắp nước Mỹ.
Theo nhật báo The Daily Beast thì trong suốt hơn 2 thập niên qua, hiện tượng hàng loạt tiệm nail được mở ra với quyền sở hữu của những ông bà chủ người Mỹ gốc Việt đã trở thành “một điều hiển nhiên không cần phải suy nghĩ”. Chỉ tính riêng trong năm 2015, nước Mỹ có khoảng 130.000 tiệm nail, và 1/2 trong số đó là do người Việt làm chủ. Riêng ở bang California nơi tập trung cộng đồng người Việt đông nhất nước Mỹ thì có tới 80% tiệm nail do người Việt mở ra và quản lý.
|
Nữ diễn viên Tippi Hedren (đứng, bên trái) là người đã mời chuyên gia làm móng Dusty Coots (ngồi, giữa) đến dạy kỹ thuật làm móng cho nhóm 20 phụ nữ người Việt vào năm 1975 - Ảnh: Massimo Butera/Courtesy of 'Nailed It' |
Với bản tính chăm chỉ, cẩn thận và chịu khó, những thợ làm móng người Việt có thể dễ dàng kiếm được khoảng 40.000 USD cho một năm làm việc (khoảng 900 triệu đồng). Và tham gia vào ngành công nghiệp làm móng này phần lớn là những người Việt nhập cư ít được học hành, khả năng tiếng Anh hạn chế nhưng mong muốn có được một nghề kiếm tiền nhanh khi đến Mỹ.
“Tại sao phải tốn thời gian và tiền bạc để học đại học ở Mỹ? Hãy chọn nghề nail cho nhanh”, Tiến sĩ Quan Manh Ha, một giảng viên gốc Việt công tác tại Đại học Montana nói đùa.
Thế nhưng điều này lại rất hợp lý với nhiều người Việt đang sinh sống tại Mỹ khi họ chỉ cần mất từ 5 đến 6 tháng để học và lấy chứng chỉ hành nghề, và ngay sau đó đã có thể đi làm kiếm tiền mà không gặp khó khăn gì. Thậm chí kể cả khi không biết tiếng Anh thì họ vẫn có thể theo học các khóa đào tạo nghề nail tại các trường thẩm mỹ do chính người Việt quản lý, và dạy bằng tiếng Việt. Điều này cũng đã được Tam Nguyen, Chủ tịch trường Advance Beauty College, một trong những trường đào tạo thẩm mỹ lâu đời nhất của người Việt tại quận Cam, bang California xác nhận.
Nghề nail của người Việt ở Mỹ lao đao vì đại dịch COVID-19
Cô Kathy Pham là một người Mỹ gốc Việt hiện đang sinh sống ở thành phố San Rafael, bang California. Trong suốt thời gian vừa qua, người mẹ đơn thân với 3 đứa con nhỏ này đã phải chịu đựng cảnh thất nghiệp do tác động của đại dịch COVID-19 khiến toàn bộ hệ thống tiệm nail nơi cô làm việc phải đóng cửa. Suốt một thời gian dài, cô và các con phải sống dựa vào khoản tiền trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ với mức 100 USD/tuần.
|
Tiệm nail bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 - Ảnh: Kera News/Mod Nail Lounge |
Cơn bão COVID-19 quét qua nước Mỹ khiến những người phụ nữ như cô Kathy Pham gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Theo một nghiên cứu do Trung tâm Lao động thuộc Đại học UCLA phối hợp cùng Hiệp hội tiệm nail và sức khỏe California thực hiện thì lực lượng lao động trong ngành nail ở Mỹ phần lớn là phụ nữ, chiếm 81%, và 3/4 trong số đó (74%) là phụ nữ gốc Việt.
“Gánh nặng về kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch hầu hết đổ lên vai phụ nữ và những người da màu”, ông Ash Kalra, một chính trị gia người Mỹ cho biết.
Những lệnh đóng cửa khắt khe để phòng chống dịch của chính quyền cũng khiến cho ngành công nghiệp nail của nước Mỹ rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Năm ngoái, theo hãng tin NBC News thì ước tính từ 30 đến 50% tiệm nail bị đóng cửa trong thời gian dịch bệnh sẽ không bao giờ mở cửa trở lại.
Với những tiệm nail tiếp tục gắng gượng để sống sót qua thời điểm đầy thách thức này thì những mối bận tâm về chi phí để đảm bảo cho việc tái mở cửa trở lại cũng khiến nhiều chủ tiệm đau đầu.
|
Thợ làm nail tập trung tại thành phố Westminster (bang California) kêu gọi chính quyền cho phép mở cửa tiệm nail trở lại hồi tháng 6/2020 - Ảnh: Lynn Seeden/NBC News |
Theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) thì các tiệm nail phải đảm bảo trang bị đầy đủ đồ bảo vệ như kính che mặt, lắp đặt các tấm kính ngăn cách giữa khách và kỹ thuật viên, khử trùng toàn bộ các bề mặt dễ tiếp xúc, thay ngay găng tay và áo choàng của thợ làm móng ngay sau mỗi lượt phục vụ khách.
Nguyễn Thuận (theo NPR, Daily Beast, NCB News, Guardian)