Lịch sử nào dành cho con người nếu tách biệt tự nhiên?

24/02/2024 - 08:01

PNO - Mùa hè dài hơn, nắng nóng gay gắt hơn; mùa đông ấm hơn trong khi mưa bão nghịch mùa và các thảm họa thiên nhiên không ngừng gia tăng - tất cả là dấu hiệu của việc trái đất đang nóng lên từng ngày, đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học cũng như sự sống của con người.

Báo cáo năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính vào cuối thế kỷ này, mỗi năm sẽ có hơn 9 triệu ca tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu. Do đó, việc bắt tay vào hành động và thúc đẩy những nỗ lực hiệu quả về môi trường đang trở thành mục tiêu hàng đầu của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, hiểu về trái đất, về thiên nhiên được xem là bước đầu tiên để hành động đúng, bởi chúng ta không còn nhiều thời gian.

Ở cuốn sách mới nhất gồm 24 chương có tên Trái đất chuyển mình: Một lịch sử chưa kể về nhân loại, Peter Frankopan - giáo sư lịch sử toàn cầu tại Đại học Oxford - đã mang đến cái nhìn toàn diện về thế giới tự nhiên, đồng thời khẳng định môi trường thiên nhiên là yếu tố quyết định cho sự hình thành và diệt vong của loài người.

Con người trở nên vĩ đại nhờ hàng loạt phát minh nhưng con người cũng thật mong manh trước những áp lực của môi trường. Tác giả chỉ ra rằng sự hưng thịnh của loài người trong hơn 10.000 năm qua là nhờ vào khí hậu và nhiệt độ ổn định, cho phép con người đi từ nền văn minh thô sơ nhất là trồng trọt, định canh định cư đến xây dựng các thành phố, buôn bán và thúc đẩy những phát kiến kỹ thuật. Điều này đồng nghĩa biến đổi khí hậu ập đến, các nền văn minh đang bị đe dọa, mở rộng ra là chính đời sống của con người.

Frankopan sử dụng nhiều ví dụ sinh động, trải dài từ Nam Mỹ đến Nam Á, Đông Nam Á... làm minh chứng cho luận điểm điều kiện khí hậu tạo thuận lợi hoặc cản trở nỗ lực của con người như thế nào. Sự sụp đổ hay hình thành của các đế chế đều có tác nhân từ khí hậu không đồng nghĩa tất cả hoàn toàn do điều kiện khí hậu mà việc mất mùa liên tiếp, lũ lụt hoặc hạn hán kéo dài đã tạo thêm căng thẳng cho các hệ thống vốn đã bất bình đẳng và phân cấp. Nó thúc đẩy chiến tranh, làm bùng phát dịch bệnh và nhiều hệ lụy khác.

Bằng cách nhìn lại tiến trình lịch sử của con người trong mối quan hệ mật thiết với lịch sử tự nhiên, tác giả nhắc nhở con người về bài học dễ bị lãng quên của sự sống từ thiên nhiên. Việc này cũng hệt như giai đoạn COVID-19, đứng trước lằn ranh sinh tử và dịch bệnh, con người có dịp suy xét lại những tác động của họ với thiên nhiên, với môi trường. Thế nhưng, 2 năm sau dịch bệnh, con người gần như đã lãng quên những bài học giá trị vừa học được. Nguy hiểm thay, chính những sự kiện dễ bị lãng quên ấy vẫn diễn ra theo chu kỳ và có thể biến tất cả sự sống trên hành tinh này thành tro bụi.

Con người cần nhìn về quá khứ và học lại những bài học đắt giá để xây dựng tương lai hay chỉ là thay đổi cách tương tác giữa con người và thiên nhiên?

Bên cạnh lượng kiến thức tổng quát đồ sộ được viết súc tích, cuốn sách còn đính kèm nhiều tư liệu phong phú gồm bản đồ, tranh ảnh in màu có giá trị. Đáng chú ý nhất là bản đồ thể hiện sự phân tán của con người từ khoảng 200.000 năm trước, bản đồ về sự phân tán của tôn giáo và đại dịch đen; hình ảnh về công trình định cư quy mô từ 2.500 năm trước - cho thấy con người có khả năng xây dựng những đô thị quy mô lớn như thế nào… 

Văn Khoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI