Lịch sử luôn sống trong lòng nhân dân

06/05/2024 - 06:08

PNO - Từ thế kỷ XVIII, thung lũng Mường Thanh đã liên tục bị nhóm cư dân Tày - Thái ở Thượng Lào và miền nam Vân Nam của nhà Thanh (bà con gọi là giặc Phẻ) tấn công. Các chúa người Lự không thể chống đỡ.

Năm 1740, giặc Phẻ chiếm đóng Mường Thanh, đưa quân sang Sơn La cướp phá. Các chúa Lự cầu cứu chúa Trịnh, nhưng quân chúa Trịnh chỉ đuổi được giặc Phẻ khỏi Sơn La. Mường Thanh vẫn hứng chịu những cuộc tàn sát, cướp bóc. Cánh đồng Tông Khao dưới chân đồi Pu Văng (nay là đồi Độc Lập, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) là nơi giặc Phẻ từng dìm chết trẻ em, thai phụ.

Giữa thế kỷ XVIII, Hoàng Công Chất - người Thái Bình - đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình mục ruỗng. Nghĩa quân của ông đã diệt cường hào, ác bá, cứu giúp dân nghèo.

Năm 1754, Hoàng Công Chất đã phối hợp cùng các thủ lĩnh người Thái đánh đuổi giặc Phẻ khỏi Mường Thanh. Giặc tan, ông chia đất cho dân, hướng dẫn dân cách trồng trọt của người miền xuôi.

Ông cũng chọn Mường Thanh để dựng thành Bản Phủ, một mặt khắc phục những hạn chế của thành Tam Vạn, một mặt củng cố lực lượng để chống lại triều đình và sự nhòm ngó của ngoại bang.

Nhân dân Mường Thanh ghi ơn Hoàng Công Chất, xem ông là chúa. Những chúa người Lự trước đây chạy trốn giặc Phẻ cũng được ông thu phục, tụ về Mường Thanh. Dân gian vẫn truyền nhau những lời ngợi ca, tôn kính người anh hùng Hoàng Công Chất: “Chúa thật yêu dân/ Chúa xây bản mường/ Ai cũng nhờ chúa mà sống yên vui... "

Thung lũng Mường Thanh - Điện Biên Phủ

Người dân Mường Thanh đã lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn vị anh hùng Hoàng Công Chất cùng các tướng lĩnh của ông. Sau này, bà con cũng chọn ngày ông mất (thay vì ngày chiến thắng giặc Phẻ trước đây) làm ngày tổ chức lễ hội thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) để hằng năm tri ân công đức của thủ lĩnh Hoàng Công Chất và đoàn kết các dân tộc.

Những bản làng, con phố mang tên Hoàng Công Chất vẫn đang hiện hữu trong đời sống nhân dân nhiều xã của huyện Điện Biên và TP Điện Biên Phủ.

Trên cánh đồng Mường Pồn (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên), bên thảm lúa xanh là di tích Mường Pồn - nơi anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. Phía cuối cánh đồng, nhân dân treo quả bom phía cây cầu dẫn vào bản Lịch như khắc ghi sự kiện quân Pháp nã đạn pháo thiêu rụi cả bản vào năm 1954, gây nên những tang tóc, bi thương.

Phía cuối cánh đồng, bà Lò Thị Phơi - người con nuôi của trung đoàn Bế Văn Đàn, được một chiến sĩ của trung đoàn tìm thấy bên xác mẹ - đang cùng gia đình sinh sống. Bà như một chứng tích về tội ác chiến tranh của thực dân Pháp nhưng cũng chính là câu chuyện sống động về tình quân dân đoàn kết, gắn bó, đồng lòng hướng tới mục tiêu đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Khắp các cửa ngõ TP Điện Biên Phủ hôm nay là các nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao, Đồi A1, di tích trận địa pháo 105mm, di tích trận địa pháo H6, di tích cứ điểm Hồng Cúm, di tích lịch sử Noong Nhai, đền thờ tướng quân Hoàng Công Chất - di tích lịch sử cấp quốc gia.

Có lẽ, mỗi bước chân trong thành phố này là một phần lịch sử. 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, 270 năm đánh đuổi giặc Phẻ - những trang sử ấy vẫn luôn sống trong lòng nhân dân.

Ở miền xuôi, những ngày này, không khí kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng trên sóng truyền hình, loa phát thanh thôn, xóm... Trong gia đình, nhiều ông bà, cha mẹ đọc cho con cháu nghe những câu thơ nằm lòng từ những ngày thơ bé:

“Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng, chí không mòn…” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Tố Hữu).

Chiến tranh đã qua đi, nhưng nhiều thứ vẫn đọng lại trên trang sách, trong ký ức của nhân dân. Nói như bà Lò Thị Phơi thì “Mọi khổ ải cũng qua rồi, nhưng phải nhớ để mà sống tốt”.

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI