Lịch sử Black Friday và những ngộ nhận về ngày Thứ Sáu Đen

22/11/2018 - 13:47

PNO - Ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) được cho là sự kiện khởi động cho mùa mua sắm Giáng sinh, giúp các nhà bán lẻ thu hút người mua sắm đến với cửa hàng của họ.

Hàng triệu người Mỹ tham gia tìm vận may dịp Black Friday. Một khảo sát mới công bố của Deloitte cho biết, hơn 70% những người có kế hoạch mua sắm trong mùa lễ hội sẽ góp gió thành bão tạo nên doanh số bán hàng ngày Black Friday năm nay.

Lich su Black Friday va nhung ngo nhan ve ngay Thu Sau Den
Cảnh tượng mua sắm náo nhiệt ngày Black Friday - Ảnh: New York Times

Đó là một trong những ngày mua sắm quan trọng nhất tại Mỹ, nhưng khác với những gì mọi người thường hiểu (và có thể nhầm lẫn), tên gọi Black Friday không liên quan gì đến màu mực đỏ hoặc đen trên bảng cân đối kế toán của người bán, cũng như không mang hàm ý vận xui rủi.

Black Friday bắt đầu từ thập niên 1950 tại Philadelphia.

Theo Bonnie Taylor-Blake, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Carolina, những đoàn người mua hàng từ ngoại ô đổ vào thành phố trong những ngày sau lễ Tạ ơn, thành phố thì quảng bá bán hàng đại hạ giá và trang trí lộng lẫy, trước khi diễn ra trận bóng bầu dục giữa hai đội Lục quân và Hải quân vào ngày thứ Bảy.

Nhà nghiên cứu Taylor-Blake nhận định: "Đó là một cú đúp”. Ông nói: "Cảnh sát giao thông được điều động làm việc ca kéo dài 12 giờ, không ai được phép đi đâu cả, khi người mua hàng tràn ngập vỉa hè, bãi đậu xe và trên đường phố. Cảnh sát phải đối phó với tình hình trên và đặt ra thuật ngữ riêng: Black Friday”.

Thương gia thành phố cũng bắt đầu sử dụng thuật ngữ này để mô tả cảnh xếp hàng rồng rắn và hình ảnh mua sắm “như tranh cướp” tại các cửa hàng của họ. Nhà nghiên cứu Taylor-Blake khẳng định: "Thuật ngữ Black Friday đã được dùng hàm ý hài hước để chỉ trung tâm thành phố Philadelphia sau ngày lễ Tạ ơn”.

Lich su Black Friday va nhung ngo nhan ve ngay Thu Sau Den
Cảnh mua bán “tranh cướp” trong dịp Black Friday - Ảnh: Balladins

Năm 1961 từng xuất hiện ý tưởng đặt tên lại “Black Friday” thành "Big Friday", nhằm tránh cho một trong những ngày mua sắm lớn nhất trong năm mang ý nghĩa tiêu cực. Nhưng ý tưởng đó không trở thành hiện thực.

Theo thời gian, các nhà bán lẻ học được cách lợi dụng cái tên Black Friday và thậm chí khai thác, mở rộng nó thành sự kiện mua sắm trong một ngày.

Khoảng năm 2003, các nhà bán lẻ tăng thị phần bằng cách điều chỉnh thời gian mở cửa hàng. Năm đó, các hệ thống bán lẻ khổng lồ Kmart, Walmart và Sears mở cửa bán hàng trước bình minh, bắt đầu lúc 5 hoặc 6 giờ sáng. Cùng năm này, Black Friday đã trở thành ngày mua sắm có lợi nhuận cao nhất trong năm, theo số liệu của Hội đồng quốc tế các Trung tâm mua sắm. Trước năm 2003, những ngày mua sắm lớn nhất ở Mỹ diễn ra cuối tháng 12.

Năm 2011, Walmart đã một lần nữa mở rộng sự kiện Black Friday khi quyết định mở cửa bán hàng lúc 10 giờ đêm lễ Tạ ơn và kéo dài cho đến hết ngày Black Friday.

Lich su Black Friday va nhung ngo nhan ve ngay Thu Sau Den
Mua sắm dịp Black Friday - Ảnh: Yahoo Finance

Với phát triển của mạng internet, một kỳ nghỉ mua sắm khác đã ra đời năm 2005: Cyber ​​Monday. Đó là một thuật ngữ marketing được Liên đoàn bán lẻ quốc gia (NRF) đặt ra để tạo nên một sự kiện trực tuyến, phản ánh cơn sốt mua sắm thường thấy tại các cửa hàng truyền thống vào sau ngày Black Friday.

Cyber ​​Monday bùng nổ thành một sự kiện phổ biến kể từ đó. Năm ngoái, Adobe cho biết họ đã thu được 6,59 tỷ đô la doanh thu - trở thành ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Hoa Kỳ.

Người mua sắm cho rằng hàng hóa bán giảm giá và có chiết khấu là yếu tố lớn nhất trong việc họ lựa chọn cửa hàng, tiếp theo là giao hàng miễn phí và vị trí cửa hàng thuận tiện.

Thanh Hải (Theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI