Libya: Nạn bắt giữ, bạo hành và lạm dụng tình dục người di cư tiếp tục leo thang

09/10/2021 - 05:45

PNO - Hơn 5.000 người tị nạn và di cư đã bị chính quyền Libya bắt giữ chỉ trong tuần qua, trong đó có nhiều người đã bị lạm dụng thân thể và tình dục nghiêm trọng.

Nhiều người trong số những người bị bắt đã tìm cách vượt biển để trốn thoát khỏi các cuộc chiến tranh hoặc các chế độ độc tài trên khắp châu Phi. Nhưng họ đã bị lực lượng tuần duyên Libya, do Liên minh châu Âu (EU) hậu thuẫn, chặn lại trong quá trình này và bị giam giữ tại Lybia.

Lực lượng an ninh Libya vây bắt người di cư ở Gargaresh, phía tây Tripoli, trong cuộc đàn áp mới nhất ở nước này
Lực lượng an ninh Libya vây bắt người di cư ở Gargaresh, phía tây Tripoli, trong cuộc đàn áp mới nhất ở nước này

Theo các dữ liệu, từ năm 2017, hơn 81.000 người di cư từ các nước châu Phi đã bị lực lượng tuần duyên Lybia chặn lại trên biển và đưa về nước này. Các nhà chức trách Libya cho biết sở dĩ những người này bị bắt giữ là vì họ có liên quan đến việc nhập cư bất hợp pháp và buôn bán ma túy.

Theo Médecins Sans Frontières (Bác sĩ không biên giới - MSF) - một tổ chức từ thiện y tế - chỉ trong chưa đầy 1 tuần qua (tính từ ngày 4/10), số người đang bị giữ lại trong các trung tâm tạm giam của Tripoli (thủ đô và là thành phố lớn nhất của Libya) đã tăng hơn 3 lần. “Nhiều người trong số này đã phải chịu nạn bạo hành thể chất và tình dục nghiêm trọng”, MSF cho biết trong một thông cáo.

Trong số đó, theo Liên Hợp Quốc (LHQ), 1 người di cư trẻ tuổi đã thiệt mạng và ít nhất 5 người khác đã bị thương do đạn bắn.

“Chúng tôi nhận thấy ​​lực lượng an ninh đang thực hiện các biện pháp cực đoan để tùy tiện giam giữ ngày càng nhiều người, vốn đang dễ bị tổn thương, trong các điều kiện vô nhân đạo tại những cơ sở quá đông đúc.

Toàn bộ gia đình của người di cư và người tị nạn đang sống ở Tripoli đã bị bắt, còng tay và bị đưa đến các trung tâm giam giữ khác nhau. Nhiều người đã bị thương và thậm chí thiệt mạng, các gia đình thì bị chia cắt và nhà cửa của họ bị biến thành những đống đổ nát”, Ellen van der Velden - Giám đốc điều hành của MSF tại Libya - lên tiếng.

Ở Shara Zawiya - một trong số trung tâm tạm giam người di cư lớn nhất ở Tripoli - hơn 550 phụ nữ, trong đó nhiều người đang mang thai, trẻ em và trẻ sơ sinh đã bị nhồi nhét trong các phòng giam. Khoảng 120 tù nhân phải dùng chung một nhà vệ sinh.

Tại Al-Mabani - một trung tâm trạm giam khác - MSF cho biết nam giới buộc phải đứng do quá đông, trong khi hàng trăm phụ nữ và trẻ em bị giam ngoài trời, không có bóng râm hoặc nơi trú ẩn. Một số người đã bất tỉnh và phải được cấp cứu.

“Chúng tôi không có nước, thức ăn và chỗ ngủ. Một số người tìm cách trốn thoát nhưng đã bị bắt và bị đánh đến trọng thương. Một số khác đã hối lộ để được thả ra, nhưng không may, họ lại bị bắt khi đang ở ngoài đường phố và phải quay lại nhà tù một lần nữa.

Hơn 90% những người di cư đã bị bắt và lẩn quẩn trong trò “trốn tìm” với cảnh sát và các lực lượng an ninh như thế”, một người Eritrea (một quốc gia phía đông bắc châu Phi), người đã trốn thoát và bị bắt, bức xúc.

Ngày 4/10, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) đã cho biết tạm đóng cửa văn phòng tại Tripoli cho đến khi có thông báo mới, sau khi hàng trăm người tị nạn và di cư tập trung tại đây để tìm kiếm sự bảo vệ. Cơ quan này cũng giải thích buộc phải làm như vậy vì tình hình căng thẳng do bạo lực và các hành vi gây rối đang leo thang. Đến ngày 7/10, UNHCR cho biết đang xúc tiến lập ra kênh liên lạc thay thế để hỗ trợ những người cần giúp đỡ.

Những người di cư tại một trung tâm giam giữ ở Zawiya, phía tây Tripoli, vào năm 2019. Trong nhiều năm, Libya là điểm đến của những người chạy trốn các cuộc xung đột ở châu Phi với hy vọng vượt Địa Trung Hải vào châu Âu
Những người di cư tại một trung tâm giam giữ ở Zawiya, phía tây Tripoli, vào năm 2019. Trong nhiều năm, Libya là điểm đến của những người chạy trốn các cuộc xung đột ở châu Phi với hy vọng vượt Địa Trung Hải vào châu Âu

Cũng trong ngày 4/10, một nhóm đặc nhiệm, do Hội đồng Nhân quyền của LHQ lập ra, đã công bố những phát hiện đầu tiên từ quá trình tìm hiểu thực tế một cách độc lập, cho thấy nạn “giết người, nô dịch, tra tấn, bỏ tù, hãm hiếp, ngược đãi và các hành vi vô nhân đạo khác nhắm vào người di cư, đang ngày càng phổ biến và dường như đã trở thành chính sách của nhà nước Libya”.

“Bên trong các trung tâm giam giữ, tất cả những người di cư - bao gồm đàn ông và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái - đều bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt, và nhiều người đã chết. Một số trẻ em được giam giữ cùng với người lớn, khiến các em có nguy cơ bị xâm hại rất cao. Nạn tra tấn (chẳng hạn bằng cách cho điện giật) và bạo lực tình dục (bao gồm cả cưỡng hiếp và mại dâm cưỡng bức) ngày càng phổ biến”, báo cáo của nhóm lên tiếng.

Phái đoàn của EU tại Libya hiện chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.

Hồi tháng 3 năm nay, Chính phủ thống nhất quốc gia (GNU) - một chính quyền lâm thời do LHQ hậu thuẫn với người đứng đầu là Abdelhamid Dbeibah, đã lên nắm quyền ở Libya, theo một tiến trình hòa bình ở nước này. Các cuộc bầu cử sắp tới ở Libya dự kiến sẽ ​​diễn ra vào tháng 12/2021 và tháng 1/2022.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI