Lì xì "hình thức"

24/01/2023 - 19:34

PNO - Lì xì đầu năm mang mong muốn những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến. Tuy nhiên, nhiều người lì xì làm mất đi, sai lệch ý nghĩa của nó

"chán" lì xì

N.T.X (16 tuổi) học lớp 10 ở TP Quảng Ngãi, tâm sự với phụ huynh rằng cô bé ngán cảnh tết nào cũng được cha mẹ chở đi gặp đối tác kinh doanh để nhận tiền lì xì. Số tiền X. nhận được rất lớn, có khi lên đến vài triệu đồng. Nhưng với cô, việc ấy hình thức và không vui tí nào. "Họ chỉ đưa phong bì lì xì cho em mà chẳng có tình cảm gì. Em cảm thấy mệt mỏi. Họ với em hoàn toàn xa lạ" - cô bé nói.

Lì xì hình thức sẽ làm mất ý nghĩa tốt đẹp của nó - ảnh Thanh Vạn
Lì xì hình thức sẽ làm mất ý nghĩa tốt đẹp của nó - Ảnh: Thanh Vạn

Cha mẹ X. giải thích, vì gia đình làm ăn, kinh doanh nên tết nào cũng phải đi gặp đối tác, lì xì cho con cái họ. Việc chở con theo là để nhận lại tiền lì xì từ phía bên kia. Từ năm nay, X. đã thẳng thừng từ chối đi cùng cha mẹ đến nhà đối tác chỉ để nhận tiền lì xì.

Một trường hợp khác, bé P.N.T (8 tuổi) học sinh lớp 2 ở xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi không nhận phong bì lì xì từ người lạ với lý do bé chán việc ai đưa phong bì lì xì mừng tuổi, cũng nhận. Bé không thích điều đó, vì không ai giải thích rõ lì xì, mừng tuổi để làm gì.

Anh Nguyễn Tấn Đạt (40 tuổi) ở xã Tịnh Thọ (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) bày tỏ quan điểm, lì xì năm mới là việc không hề xấu, nếu nó được thực hiện đúng. Theo anh Đạt, lì xì mang lại niềm vui cho trẻ con. Người lớn cần cho trẻ con biết, không có tiền lì xì vẫn vui, vẫn đón tết bình thường. Trong ngày tết không chỉ có niểm vui là chờ nhận tiền lì xì; không để tục lệ mừng tuổi đầu năm mới trở nên hình thức, đưa cho có.

Áp lực lì xì hình thức

Đêm 30 tết, trong khi chờ đón giao thừa, chị Lê Thị P. (28 tuổi), là giáo viên ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tính toán số tiền để bỏ vào xấp bao lì xì mua sẵn từ trước. Chị dự định 3 ngày tết đi mừng tuổi ông bà, cha mẹ và các cháu. Chị P. thừa nhận, kinh tế gia đình khó khăn, với mức lương chỉ hơn 3,8 triệu đồng/tháng của mình, việc lì xì trở thành gánh nặng. Dẫn con cái về mừng tuổi ông bà, cha mẹ, rồi du xuân mà không lì xì thì khó coi quá nên phải ráng thắt lưng buộc bụng để đến tết lì xì.

Năm nào cũng vậy, nhiều người thừa nhận chuẩn bị tiền lì xì nhưng thực ra cũng không hiểu rõ mấy về ý nghĩa của nó, chỉ "trước giờ vẫn vậy" mà làm. Những ngày đầu năm mới Quý Mão 2023, một số trẻ em háo hức chờ lì xì từ người lớn, sau đó chúng rút số tiền trong bao lì xì đưa cho cha mẹ cất giữ. Vì lý do "phải đạo" với nhau, người lớn kiểm tra xem con cái mình được lì xì bao nhiêu tiền rồi tìm cách lì xì lại cũng con số ấy.

Theo phong tục của người Việt, sáng Mùng 1 tết, tất cả mọi người trong gia đình sẽ quây quần bên nhau. Cha mẹ, ông bà mừng tuổi cho con cháu, con cháu chúc thọ lại. Khi con cháu họ hàng, bạn bè, đến nhà đều được chủ nhà cho tiền mừng tuổi, lì xì; khách cũng mừng tuổi cho con cháu chủ nhà.

Việc lì xì qua lại vô hình chung sẽ trở thành áp lực với những gia đình khó khăn. Để giảm áp lực, tránh hình thức, gia đình chị Phạm Minh Thư (39 tuổi) ở Quảng Ngãi có 2 con gái nhỏ, quyết định đi mừng tuổi, chúc tết nhưng không lì xì. Việc nhận phong bì lì xì sẽ do con cái chị quyết định, nếu chúng thấy vui vẻ, chúng sẽ nhận. Và gia đình chị sẽ không "phải không" với gia chủ nơi đến. Giải thích cho việc này, chị Thư cho rằng, để con cái tự quyết định, có niềm vui khi nhận phong bì lì xì, mừng tuổi, hướng đến việc lì xì đúng nghĩa.

Thanh Vạn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI