Lì xì - cuộc "đổi tiền" không suôn sẻ của cha mẹ

05/01/2023 - 11:33

PNO - Việc chuẩn bị lì xì tết với vợ chồng tôi rất phiền toái. Tôi thấy phong tục này giống một cuộc trao đổi tiền của cha mẹ, mà chênh lệch theo hướng "thâm hụt", hay "lãi" đều rất mệt.

 

Con trẻ háo hức chờ lì xì, nhưng chúng không biết tiền chúng nhận được, cũng tương đương số tiền cha mẹ phải bỏ ra là áp lực của cha mẹ (Ảnh minh họa)
Con trẻ háo hức chờ lì xì, nhưng chúng không biết rằng, tiền chúng nhận được cũng tương đương số tiền cha mẹ phải bỏ ra (Ảnh minh họa)

Tết nào cũng vậy, cứ đến đầu tháng Chạp, vợ tôi lại cuống quýt gọi điện nhờ người này người kia đổi giúp một ít tiền lẻ, tiền mới. Có năm phải gom đến vài nơi, vợ tôi mới tích đủ số lượng tiền lẻ như ý để yên tâm về quê ăn tết.

Giáp tết, vợ chồng tôi bắt đầu ngồi nhẩm tính và phân loại xem con nít nhà ai cần lì xì bao nhiêu tiền. Nếu là con cháu các sếp, hay con cái nhà nào khá giả, thân thiết, chúng tôi sẽ mừng tuổi bằng những tờ tiền 100, 200, 500 ngàn đồng mà không cần bao lì xì “cho oách”.

Với những tờ 10 ngàn, 20 ngàn đồng, cần bỏ vào phong bao lì xì cho “đỡ xấu mặt”. Tôi thậm chí còn đau đầu khi phải phân biệt bằng phong bao màu nào tương ứng với mệnh giá tiền nào để cho đỡ nhầm lẫn. Vì việc nhầm lẫn rất dễ xảy ra.

Dù cẩn thận thuộc lòng, trong mấy ngày tết, đôi khi vợ chồng tôi vẫn va phải những tình huống khó xử.

Có lần vợ giận dỗi tôi khi tôi lỡ lì xì lần thứ 2 cho con nít hàng xóm lúc chúng chạy sang nhà chơi. Chiều hôm trước, vợ tôi đã lì xì bọn nhỏ khi cùng tôi sang chúc tết. Vợ tôi tiếc tiền vì "hàng xóm lì xì con mình có một lần". Tôi thì chỉ nghĩ quý mến bọn trẻ nên lì xì lấy hên ngày tết, có lầm lẫn một chút không sao, nhưng từ sau lần đó, để đỡ rắc rối, tôi "nhường" cho vợ lì xì hết thảy.

Thế rồi, nếu vợ lỡ đi đâu vắng, mà khách dắt trẻ tới nhà, tôi bối rối vì không kịp chuẩn bị cái phong bao nào. Nhiều lần tôi phải lén gọi hai đứa con vào trong phòng rồi lấy chính cái bao lì xì chúng vừa được nhận để mừng tuổi lại cho con của khách. Cả tôi và khách đều gượng gạo khi nhận ra cái bao lì xì quen thuộc.

Năm nào đến Mùng 2 tết, anh chị em chúng tôi cũng tập trung bên nhà ngoại. Tôi vẫn nhớ hình ảnh mấy chị em chạy quanh nhà tìm xem còn đứa trẻ nào chưa nhận để lì xì. Lỡ có đứa nào vắng mặt thì tìm đủ mọi cách gửi về cho bằng được. Người này dúi qua, người kia dúi lại, thật giống hệt như một cuộc đổi tiền giữa các mẹ với nhau.

Tôi nhớ như in một lần nọ, thằng con lớn nhà tôi bóc phong bao lì xì ngay trước mặt khách và phát hiện tờ tiền bị rách. Thế là cu cậu quay sang luôn người bác vừa đưa lì xì xin đòi đổi tờ khác. Vợ chồng tôi chẳng kịp phản ứng gì, chỉ biết tái mặt nhìn khách và nói về “thằng bé hiếu động” cho qua câu chuyện.

Hết tết, vợ con tôi luôn tổ chức cuộc “tổng kết”. Vợ cẩn thận xem lại các phong bao lì xì và số tiền mà các con nhận được. Việc này không hề dễ. Vợ và con tôi luôn phải cố lục trí để từ hình dáng, màu sắc các phong bao nhớ ra xem chiếc này của người nào, con nhận ở đâu... Với gia đình nào mà các bao lì xì con nhận về quá nhiều tiền so với bao lì xì vợ gửi đi, cô ấy phải ghi nhớ để năm sau "lì xì bù" kẻo người ta thiệt thòi.

Năm nào mà thu hồi "đủ vốn", hay “có lãi” thì vợ mừng rỡ. Còn nếu không "lãi", có khi còn phải cố nhớ xem đã lỡ lì xì "chênh lệch" cho con nhà ai, để sang năm giảm bớt.

Mấy đứa con nít bằng cách nào đó cũng bắt đầu thể hiện thái độ với người mừng tuổi dựa theo giá trị của bao lì xì. Năm vừa rồi, thằng nhỏ mới 6 tuổi nhà tôi thủ thỉ với bố mẹ:

 - Mẹ ơi, con thích bác Nam nhất.

 - Sao vậy con?

 - Mẹ nhìn này, bác ấy lì xì con những 200 ngàn. Chẳng giống như bác Thu, có 10 ngàn à. Tết năm sau con không sang nhà bác Thu chơi nữa đâu.

Làm sao có thể cấm trẻ vui nhiều hơn với những phong bao có tiền mệnh giá lớn?
Nói thì dễ, nhưng thực tế làm sao có thể cấm trẻ vui nhiều hơn với những phong bao có tiền mệnh giá lớn? (Ảnh minh họa)

Dù cha mẹ đã ra sức dạy con về việc đừng coi trọng số tiền bên trong, nhưng khi trẻ đã lớn, chúng biết tự chúng đánh giá giá trị tờ tiền, và rất khó để nói với chúng mệnh giá tiền bao nhiêu không quan trọng. Chẳng lẽ lại nói "trắng" với con: "Để có món lì xì lớn, thì mẹ cũng phải bỏ ra số tiền lớn tương đương?".

Với những bất tiện này, quả thật tôi chẳng muốn con mình nhận lì xì hay vợ phải lì xì con nhà khác một chút nào hết. Nếu mà những lời chúc tụng tốt đẹp cho nhau được thay thế phong bao thì tốt biết mấy!

Biết là bất tiện, là không còn ý nghĩa tốt đẹp, nhưng vợ chồng tôi cũng chẳng đủ dũng cảm để dừng việc lì xì, vì rất ngại lời ra tiếng vào của mọi người xung quanh. Thôi thì chỉ biết tặc lưỡi cho qua. Vợ tôi rất hay nói: "May là mỗi năm chỉ một lần tết!".

C.A

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI