Lì xì... chuồn chuồn tre làng Thạch Xá

11/02/2024 - 16:28

PNO - Cứ mỗi dịp tết đến, tôi rất thích mua những con chuồn chuồn tre nhiều màu sắc để… lì xì cho tụi nhỏ.

Mấy đứa trẻ nhà tôi vì thế đã rất quen với chuồn chuồn tre. Nay, tôi đưa các con đến tận làng chuồn chuồn tre Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) để cùng tìm hiểu về cách mà món đồ chơi dân gian này được tạo ra.

Làng Thạch Xá nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km nhưng đường rất dễ đi nên chỉ mất khoảng 40 phút di chuyển bằng ô tô. Trước khi đi và tham khảo những thông tin trên mạng, chúng tôi đã kỳ vọng rằng làng chuồn chuồn tre sẽ ngập trong… chuồn chuồn tre từ đầu làng đến cuối làng. Nhưng đến đây rồi mới biết, nghề này vốn đã bị mai một dần và chỉ còn khoảng 3-4 nhà làm.

Lối vào nhà ông Tái Tân làm chuồn chuồn tre
Lối vào nhà ông Tái Tân làm chuồn chuồn tre
Bạn nhỏ nhà tôi bên cạnh cây bương - nguyên liệu chính để làm chuồn chuồn tre
Bạn nhỏ nhà tôi bên cạnh cây bương - nguyên liệu chính để làm chuồn chuồn tre

Chúng tôi đi thẳng đến chùa Tây Phương thì dừng lại hỏi đường người dân và được chỉ vào cơ sở sản xuất của ông Tái Tân. Đây cũng là cơ sở được cấp chứng nhận OCOP (một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực - mỗi xã một sản phẩm/dịch vụ nổi bật).

Nhà ông Tái Tân nằm sát ngay cạnh một cái ao. Chúng tôi bị thu hút ngay khi đi bộ vào nhà nghệ nhân này bởi những cây bương đang được phơi phía ngoài và phía trong nhà là khoảng không gian để làm chuồn chuồn tre. Những chiếc sào với rất nhiều chuồn chuồn tre đang được hong gió cho khô trông rất đẹp mắt. Một cô gái đang ngồi cặm cụi vẽ hình trang trí cho những con chuồn chuồn tre.

Ở nơi đây có dịch vụ trải nghiệm làm thử sản phẩm với giá cả rất phải chăng là 30.000 đồng/con chuồn chuồn tre hoặc 40.000 đồng/con bướm hoặc con chim tre. Mấy đứa nhỏ nhà tôi háo hức được trải nghiệm. Chúng cùng nhau lắp cánh vào thân chuồn chuồn sao cho thật cân bằng, để con chuồn chuồn tre có thể thăng bằng trên ngón tay hoặc trên giá đỡ.

Người lớn hay trẻ con đều thích trải nghiệm món đồ chơi truyền thống
Người lớn hay trẻ con đều thích trải nghiệm món đồ chơi truyền thống
Thành quả sau buổi đi chơi
Thành quả sau buổi đi chơi

Sau khi đã lắp xong phần thân, đám trẻ sẽ tự tô màu và trang trí cho món đồ chơi của mình. Việc tô màu và trang trí phụ thuộc vào sự sáng tạo của từng người. Và sau khoảng hơn 1 tiếng cặm cụi thì mỗi người đã có một món đồ chơi mang màu sắc, cá tính riêng.

Nói chuyện thêm với người phụ trách, chúng tôi được biết đây cũng là địa điểm mà một số trường học thường tổ chức làm workshop để tìm hiểu về loại hình đồ chơi dân gian này.

Vì để làm một món đồ chơi dân gian chỉ có giá từ khoảng 10.000-40.000 đồng không đơn giản. Nguyên liệu để làm những món đồ chơi bằng tre là cây bương được chặt từ những khu rừng ở miền Bắc như ở Hòa Bình, Phú Thọ… và sau đó chuyển về làng Thạch Xá.

Cây bương sẽ được làm sạch, phơi khô hoàn toàn dưới ánh nắng mặt trời. Sau đó, những cây bương khô được chẻ ra thành những thanh nhỏ, tiếp tục được phơi khô thêm lần 2 rồi chuốt thật tỉ mỉ để làm các bộ phận của món đồ chơi.

Vào mùa hè, chuồn chuồn tre sẽ được phơi khắp ngõ nhưng vào mùa đông thì chỉ có những sào phơi trong nhà
Vào mùa hè, chuồn chuồn tre sẽ được phơi khắp ngõ nhưng vào mùa đông thì chỉ có những sào phơi trong nhà
Ngày càng có thêm nhiều món đồ chơi sáng tạo hơn bằng tre
Ngày càng có thêm nhiều món đồ chơi sáng tạo hơn bằng tre

Những món đồ chơi khi đã khô được đám trẻ thích thú mang về trưng ở một góc trên chiếc đàn piano nhà tôi, trông thật rực rỡ. Bạn nhỏ nhà tôi còn viết tên con và vẽ ngôi sao lá cờ Việt Nam lên đó nữa.

Ban đầu, làng Thạch Xá chỉ làm chuồn chuồn tre. Nhưng qua thời gian, những nghệ nhân đã sáng tạo thêm những món đồ khác như chim, bướm, rùa… Ngoài tạo hình và trang trí, các công đoạn còn lại để làm ra các món đồ chơi đều gần như giống nhau.

Những món đồ chơi sau khi được tạo hình sẽ được sơn màu, đợi khô và vẽ hình trang trí. Vào mùa hè, từ đầu làng đến cuối làng sẽ ngập tràn những sào phơi với muôn loại đồ chơi đang phơi khô. Từ ngôi làng này, những cánh chuồn chuồn tre, bướm tre, chim tre… đã tỏa đi khắp mọi nơi trên đất nước và sải cánh ra cả thị trường nước ngoài.

Sau bữa đi chơi, nhà tôi lại ngập tràn trong sắc rực rỡ từ những món đồ chơi bằng tre
Sau bữa đi chơi, nhà tôi lại ngập tràn trong sắc rực rỡ từ những món đồ chơi bằng tre

Nhiều người thường kết hợp đến làng Thạch Xá để ngắm nhìn những món đồ chơi dân gian và đi chơi những ngôi chùa nổi tiếng khác như chùa Tây Phương, chùa Quan Âm… Nhưng với gia đình tôi, được đến tận nơi để hiểu và trải nghiệm làm chuồn chuồn tre thì đã thấy rất đủ cho một chuyến du xuân.

Bài và ảnh: Linh Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN NỔI BẬT
TIN MỚI