LHQ lần đầu tiên sẽ có nữ Tổng thư ký?

02/12/2014 - 07:11

PNO - PNO – Bà Irina Bokova, người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) và là một người Đông Âu, nay tiếp tục là phụ nữ đầu tiên đại diện cho khu vực ứng cử vào ghế Tổng thư ký LHQ.

edf40wrjww2tblPage:Content

LHQ lan dau tien se co nu Tong thu ky?

Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) - Ảnh: AP

Bà Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO, đã được chính phủ Bulgaria đề cử để kế nhiệm Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon, sau khi nhiệm kỳ thứ hai của nhà lãnh đạo LHQ mãn hạn vào năm 2016.

Mặc dù chưa tuyên bố gì về kế hoạch của mình, các hoạt động gần đây của bà Bokova khiến tin đồn càng mạnh lên. Vừa qua, bà đã thâm nhậm vào hoạt động địa chính trị khi đến thăm các vùng xung đột ở Iraq và chuẩn bị làm trung gian cho các xung đột ở Syria. Ngày 1/12, lần đầu tiên bà trả lời trong một cuộc phỏng vấn của hãng tin AP rằng người kế nhiệm Tổng thư ký Ban Ki-môn phải là một phụ nữ. "Đây là lúc để một phụ nữ trở thành Tổng thư ký, chắc chắn như vậy”, bà Bokova phát biểu tại trụ sở UNESCO ở Paris.

Bà Bokova là người đấu tranh mạnh mẽ vì sự bình đẳng của phụ nữ, bà cho rằng vấn đề bình đẳng giới cũng cần được mở rộng sang bộ máy LHQ.

Việc lần đầu tiên đề cử một phụ nữ vào cương vị Tổng thư ký tạo ra một động lực mới trong lịch sử gần 70 năm của Liên Hợp Quốc. Tháng 11, các nhóm trong đó có Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) và Diễn đàn chính sách toàn cầu (GPF) đã viết thư cho tất cả các quốc gia thành viên LHQ kêu gọi một quá trình lựa chọn Tổng thư ký minh bạch và công bằng hơn, đồng thời nhấn mạnh rằng "cho đến nay, không có người phụ nữ nào từng nắm giữ chức vụ này hoặc từng được xem xét nghiêm túc cho cương vị đó”.

Ngoài ra, còn có câu hỏi khu vực sẽ được chọn. Mặc dù Hiến chương LHQ không nói gì về sự lựa chọn Tổng thư ký theo khu vực, thực tế có một truyền thống là luân phiên các khu vực sau khi hai Tổng thư ký đầu tiên đều từ khu vực Tây Âu, người thứ ba từ châu Á, sau đó là một người Mỹ Latin, hai người châu Phi, và một người châu Á. Theo mô hình này, sẽ đến lượt châu Âu chọn người làm Tổng thư ký.

Người ta có cơ sở để tin rằng bà Bokova có cơ hội trở thành Tổng thư ký LHQ, vì Đông Âu đang vận động rất khó khăn cho hai ứng cử viên khác, cũng là hai phụ nữ, là Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite và Ủy viên châu Âu của Bulgaria Kristalina Georgieva. Trong số những người đàn ông Đông Âu xem xét đề cử có cựu Tổng thống Slovenia Danilo Turk và ông Jan Kubis của Slovakia, hiện là phái viên của LHQ tại Afghanistan.

Một lợi thế của bà Bokova là bà từng học ở Nga, nói tiếng Nga thông thạo. Bà cũng là người bổ nhiệm Đệ nhất phu nhân Trung Quốc Bành Lệ Viện làm đặc sứ UNESCO về giáo dục cho phụ nữ và các bé gái. Bà Bokova cũng là sự lựa chọn của Washington đối với chức vụ Tổng Giám đốc UNESCO, khi Mỹ không ủng hộ Farouk Hosni của Ai Cập hồi năm 2009. Một phụ nữ Đông Âu được lòng của cả Nga, Mỹ và Trung Quốc, cơ hội của bà Bokova là khá lớn, đó là nhận định của ông Edward Mortimer, nguyên trợ lý của cựu Tổng thư ký LHQ Kofi Annan.

VIỆT HƯNG
(Theo AP, AFP)
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI