LHQ: Hoạt động buôn bán ma túy của Taliban đẩy người dân Afghanistan chìm sâu trong khủng hoảng

25/08/2021 - 17:19

PNO - Trong khi Taliban đã giành được quyền kiểm soát Afghanistan, Liên Hợp Quốc (LHQ) cảnh báo rằng các nhóm vũ trang Taliban đang dựa vào hoạt động buôn bán ma túy như một nguồn tạo ra thu nhập chính, làm tăng nguy cơ làm xáo trộn và băng hoại xã hội ở nước này.

Trong một báo cáo hồi tháng 6 cho Hội đồng Bảo an, các quan chức LHQ cho biết vấn đề sản xuất ma túy làm từ cây thuốc phiện và methamphetamine (một chất kích thích để chế tạo ra ma túy tổng hợp hay còn gọi là ma túy “đá”) “vẫn chưa giải quyết được” trong tiến trình hòa bình Afghanistan.

Taliban
Nguồn tài chính của Taliban dựa vào hoạt động buôn bán ma túy là chủ yếu

“Đây vẫn là nguồn thu nhập lớn nhất của Taliban. Hoạt động này có nguy cơ tạo ra sự bất ổn và băng hoại xã hội ở Afghanistan, cũng như làm gia tăng những thách thức trong cuộc chiến phòng chống ma tuý mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt”, báo cáo của LHQ có đoạn viết.

Báo cáo cũng cho biết, trong năm 2020 số vụ bắt giữ liên quan đến hoạt động buôn bán ma tuý do chính phủ Afghanistan thực hiện đã sụt giảm mạnh, một phần do Taliban đã mở rộng dần phạm vi kiểm soát đất nước này, nơi được các nhóm chiến binh Taliban đặt mục tiêu trở thành một địa bàn phục vụ cho các hoạt động phi pháp nhằm củng cố các nguồn tài lực.

“Phần lớn các nguồn tài chính mà Taliban có được là từ các hoạt động tội phạm, trong đó có buôn bán ma túy và sản xuất cây thuốc phiện, tống tiền, bắt cóc để đòi tiền chuộc, khai thác khoáng sản và thu thuế ở các khu vực mà Taliban nắm quyền kiểm soát hoặc có ảnh hưởng”, báo cáo có đoạn viết.

Tờ CBS News cho biết, theo ước tính của Văn phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), số tiền thuế mà các lực lượng vũ trang của Taliban thu được từ nông dân trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan đã lên đến khoảng 14,5 triệu USD. Ngoài ra, các lực lượng này còn tạo ra khoảng 46-98 triệu USD từ hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy.

“Việc sản xuất với quy mô lớn đã tạo ra giá thành thấp hơn, làm cho hoạt động mua bán ma túy của Taliban ngày càng phát triển rộng rãi hơn”, Cesar Gudes - người đứng đầu văn phòng của UNODC tại Kabul - cho biết.

Theo CBS News, UNODC cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát cho thấy diện tích trồng cây thuốc phiện ở Afghanistan đã tăng 37% trong năm 2020, đưa sản lượng thuốc phiện ước tính ở nước này lên khoảng 5.400-7.200 tấn, trong khi các tuyến đường vận chuyển ma túy không hề bị gián đoạn do đại dịch COVID-19.

“Việc Taliban ủng hộ hoặc đồng tình với việc trồng cây thuốc phiện cũng như việc sản xuất và buôn bán ma túy đã làm cho cuộc khủng hoảng mà người dân Afghanistan đang gánh chịu thêm trầm trọng”, LHQ cảnh báo.

Nhất Nguyên (theo CBS News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI