edf40wrjww2tblPage:Content
* Ca sĩ trẻ hát nhạc xưa, nhiều người mang đến sự thích thú nhưng cũng nhiều người gây nghi ngại, vậy với chị, chị chủ ý mang đến điều gì và né tránh điều gì với mỗi ca khúc nhạc xưa?
Lều Phương Anh: Từ nhỏ tôi đã quen thuộc với dòng nhạc xưa vì được bố mẹ mở cho nghe suốt ngày nên dòng nhạc ấy đã thấm vào trong tôi từ lúc nào không biết. Thậm chí khi lớn lên, lúc còn chưa được học về thanh nhạc, tôi tưởng nhạc xưa là cái gốc của âm nhạc, và chỉ có dòng nhạc đó trên đời mà thôi. Khi biết hát, khoảng 6-7 tuổi, thì hầu như tôi cũng toàn hát nhạc xưa chứ ít khi nghe và hát nhạc trẻ con lắm. Lúc đó, lạ một điều là bố mẹ cũng thích nghe tôi hát những ca khúc ở dòng nhạc này.
Với tôi, nhạc xưa không chỉ hay ở những giai điệu riêng của nó. Ngày xưa, nhạc sĩ sáng tác được một ca khúc thì ca khúc đó đi cùng với cả cuộc đời của người nhạc sĩ đó hoặc mang theo cả một tâm tư nên nội dung rất đời, rất thật, rất sâu sắc. Cũng vì vậy dòng nhạc này không bao giờ bị lãng quên trong lòng khán giả. Bởi những ca khúc xưa thường có ca từ sâu sắc (dù đôi khi lớp vỏ bên ngoài rất giản dị) nên điều tôi quan tâm nhất trên sân khấu là hát sao cho không sai lời, dù chỉ một từ. Nói ngắn gọn hơn là với dòng nhạc xưa tôi vẫn đang cố gắng phấn đấu làm được hai điều: hát sao cho đúng note của bản nhạc và hát sao cho đúng chính tả.
* Đối với nhạc xưa, điều quan trọng nhất là cảm xúc chứ không phải là kỹ thuật. Nhưng, để truyền được cảm xúc đến khán giả thì bản thân ca sĩ phải “cảm” được ca khúc. Chị làm thế nào để “cảm” một ca khúc ra đời ngay cả khi chị chưa sinh ra?
- Để cảm một ca khúc nhạc xưa, điều đầu tiên tôi thường làm là đọc bài và phân tích bài, cho đến khi hiểu được hết nghĩa tiếng Việt trong lời thơ của ca khúc đó thì tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc hát. Mặc dù thuộc thế hệ trẻ nhưng bên cạnh tôi còn có bố mẹ, các cô chú trong gia đình, cô giáo Minh Huệ, cả một ê-kíp dày dạn kinh nghiệm đứng sau tôi nữa... Họ đều là những người thuộc thế hệ hiểu và yêu dòng nhạc này nên tôi cũng được mọi người giúp đỡ và chỉ dạy để có thể hát sao cho đúng với chất của bài.
* Không ít người cho rằng ca sĩ đẳng cấp thì phải hướng đến jazz, blues…, đặt hàng sáng tác mới, trong khi chị thì thậm chí từ bỏ cả dance và hát các ca khúc trữ tình, xưa cũ. Chị không sợ bị… đánh giá sao?
- Mơ ước của tôi khi từ bỏ đất Nhật quay về là trở thành một nghệ sĩ. Ca hát thật sự là một sứ mệnh của cuộc đời tôi. Sau hai năm tìm kiếm và học hỏi nhiều hơn về âm nhạc cũng như showbiz Việt Nam, tôi và ê-kíp đã quyết định phát triển dòng nhạc sở trường vốn có trong máu của tôi là dòng nhạc xưa. Thời gian đầu có thể mọi người sẽ đánh giá chất giọng cũng như cách hát của tôi với dòng nhạc này, nhưng tôi có niềm tin rằng với dòng nhạc này tôi có thể phát huy và sống mãi với chất riêng của mình.
* Chị thấy đấy, nhiều người cho rằng ca sẽ trẻ hát nhạc xưa là bế tắc, là lười biếng, thiếu sáng tạo. Theo chị, sự “sáng tạo” được đồng nhất với ca khúc mới, thể loại mới có chính xác?
- Nhạc xưa là dòng nhạc nghe thì dễ, hát thì khó nên nếu nói hát nhạc xưa là lười biếng, là thiếu sáng tạo là một điều hoàn toàn sai lầm. Hiểu để hát được nhạc xưa đã là rất khó, vậy có thể nói nếu bạn trẻ nào đam mê mà dám theo đuổi dòng nhạc này là cả một sự dũng cảm và đáng được khen đấy chứ bởi đó là dấu hiệu tốt khi dòng nhạc thị trường và những dòng nhạc nhanh - mạnh đang lên ngôi mà các bạn trẻ Việt Nam vẫn yêu thích và vẫn đón nhận.
Đã gọi là sáng tạo thì luôn có hai mặt đi cùng: được chấp nhận và chưa được chấp nhận. Sáng tạo, làm mới mà không được khán giả chấp nhận thì sáng tạo để làm gì? Với cá nhân tôi, sáng tạo trong âm nhạc diễn ra với bất cứ dòng nhạc nào, xưa hay nay.
* Công chúng không có lỗi trong bất cứ trào lưu nào hay xu hướng nào, điều còn lại là nằm ở người làm nghề - chị nghĩ thế nào về quan điểm này?
- Dĩ nhiên là công chúng không có lỗi trong trào lưu nào hay xu hướng nào. Khán giả bây giờ đa số đều hiểu biết về âm nhạc và mỗi người đều có sở thích và cảm xúc riêng với mỗi dòng nhạc khác nhau nên việc họ chọn lựa dòng nhạc yêu thích theo xu hướng mới là một điều đáng mừng. Đó là điều sẽ giúp những người làm nghề như chúng tôi sẽ hiểu cần phải làm gì tiếp theo trong con đường nghệ thuật của mình để giúp ích cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và nền văn hóa nghệ thuật của Việt Nam nói chung.
Nhưng, xin đừng đổ hết trách nhiệm cho những người làm nghề bởi họ cũng đang phải vượt qua những thử thách sáng tạo trên con đường góp sức xây dựng nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam.
* Xin cám ơn chị!
VŨ MINH