|
Chùa Kim Đỉnh trên núi Nga Mi |
Từ ngọn núi trứ danh trong sách của Kim Dung
Nhắc đến Nga Mi, bạn sẽ nhớ ngay đến những nhân vật nổi tiếng trong bộ truyện Ỷ Thiên Đồ Long ký của nhà văn Kim Dung là Chu Chỉ Nhược, Diệt Tuyệt Sư Thái… Cũng theo Kim Dung tiên sinh, võ lâm Trung Nguyên có 3 phái lớn là Thiếu Lâm, Võ Đang và Nga Mi. Tôi may mắn có dịp đến núi Thiếu Thất của phái Thiếu Lâm, núi Võ Đang của phái Võ Đang và nay thì hữu duyên đến với núi Nga Mi của phái Nga Mi.
Có lẽ cũng nên nhắc lại một chút, bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký gắn liền với núi Nga Mi, đại bản doanh của chưởng môn đời thứ ba phái Nga Mi, Diệt Tuyệt Sư Thái. Trước khi mất, bà đã truyền lại ngôi vị chưởng môn cho Chu Chỉ Nhược và tiết lộ bí mật của Ỷ Thiên kiếm cùng Đồ Long đao. Chu Chỉ Nhược đã đoạt được 2 báu vật này và tìm ra bí mật bên trong. Nga Mi là một phần không thể thiếu trong thế giới võ hiệp Kim Dung. Từ nhỏ, như nhiều độc giả khác, khi chưa thấy được hình dáng núi Nga Mi, tôi đã thả trí tưởng tượng thông qua những trang viết của Kim Dung tiên sinh.
Thế là, trong hành trình trở lại Tứ Xuyên, Trung Quốc lần này, thay vì đi thăm danh thắng Lạc Sơn Đại Phật danh tiếng ở khá gần đó, tôi tìm đến Nga Mi sơn.
Trong truyện Kim Dung là thế, ngoài đời, núi Nga Mi là một trong tứ đại Phật giáo danh sơn của Trung Hoa, cùng với núi Ngũ Đài, núi Cửu Hoa và núi Phổ Đà. Núi Nga Mi thường được ca tụng là "Nga Mi thiên hạ tú" (Núi Nga Mi đẹp nhất trong thiên hạ). Từ xa xưa, người ta tin rằng Nga Mi là nơi Bồ Tát Phổ Hiền hiển linh thuyết pháp giảng kinh.
Đến chốn của một vị Bồ tát
|
Pho tượng Đức Phật Phổ Hiền dát vàng ngoài trời cao nhất thế giới trên đỉnh núi Nga Mi |
Ngày nay, khi đến nơi đây, ai nấy đều ấn tượng với pho tượng Đức Phật Phổ Hiền cao 48m tượng trưng cho 48 điều ước của Đức Phật A Di Đà, nặng hơn 600 tấn, ngự ngay trên đỉnh núi. Toàn bộ pho tượng được dát vàng, hoàn thành cách đây 18 năm và kể từ đó, trở thành pho tượng phật Phổ Hiền ngoài trời cao nhất thế giới, đồng thời cũng là biểu tượng mới của núi Nga Mi.
Chính vì sự linh thiêng và những câu chuyện tương truyền xoay quanh tượng Đức Phật Phổ Hiền trên núi Nga Mi, hằng năm, nơi đây thu hút đông đảo du khách mọi lứa tuổi viếng thăm.
Đỉnh Vạn Phật là ngọn núi chính, độ cao so với mặt biển là 3079,3m. Người ta kể rằng nơi đây có thể thưởng thức 4 phong cảnh tuyệt đẹp: "nhật xuất" (mặt trời mọc), "vân hải" (biển mây), "Phật quang" (hào quang của Phật) và "Thánh đăng" (đèn Thánh). Để có đủ những trải nghiệm này, bạn phải lưu lại ít nhất hơn 2 ngày. Thế nên tôi đành chấp nhận ngắm thực tại khung cảnh mình đang đến, ấy là cảnh mây giăng khắp đỉnh núi nhìn thật liêu trai.
Mỗi năm, Nga Mi có khoảng 300 ngày chìm trong mây. Mây giăng liên tục trên đỉnh núi, khi bay là đà, lúc nhanh theo luồng gió, khiến pho tượng Phổ Hiền Bồ Tát dát vàng khi ẩn khi hiện giữa mây trông thật uy nghi và 4 chú voi ngài cưỡi trông càng sống động. Màu vàng trên pho tượng lúc mịt mờ sau mây, lúc lóe lên rực rỡ trong vài khoảnh khắc gặp ánh mặt trời rọi vào khiến khung cảnh đỉnh núi hư hư thực thực.
Khung cảnh này càng phiêu bồng siêu thực hơn khi tôi lên đến chùa Kim Đỉnh, nằm phía sau tượng Phật, nơi cao nhất của đỉnh núi, ngắm nhìn toàn cảnh. Khi thì một vùng trên đỉnh núi lúc thoáng mây lộ ra bao nhiêu là người đang vãn cảnh, bái lạy, cầu nguyện…; khi thì tất cả như biến mất trong làn mây trắng mịt mờ, chỉ xuất hiện khi mờ khi tỏ các mái chùa.
|
Một phụ nữ Tạng đang nghỉ chân sau khi hành hương lên đỉnh núi |
Dưới chân tượng Phật có rất nhiều giá đựng hoa cúng Phật cùng những hàng nến được đốt cháy liên tục. Đến đây, người ta thường dành thời gian đi chầm chậm nhiều vòng quanh chân tượng, vừa đi vừa cầu nguyện.
Cảnh tượng này khiến tôi nhớ đến những vòng đi kora ở các ngôi chùa của Phật giáo Tây Tạng. (Theo truyền thống của Phật giáo Tây Tạng, kora là loại hình hành hương bằng cách đi bộ xung quanh một địa điểm (thánh địa, đền thờ…) theo chiều kim đồng hồ nhiều lần. Người đi hành thiền đồng thời sẽ niệm các câu thần chú). Mà vùng Tứ Xuyên có rất nhiều người dân tộc Tạng sinh sống.
Trải nghiệm ca bin khổng lồ và ngẫm theo từng bước chân
Đường lên núi bây giờ có cáp treo hỗ trợ nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Ngoài cáp treo thông thường với ca bin có sức chứa khoảng dưới 10 người, lần đầu tiên tôi được trải nghiệm một đoạn đi cáp treo với ca bin khổng lồ khác. Đoạn cáp này ở lưng chừng núi lên gần tới đỉnh, với ca bin to có sức chứa cả trăm người đứng chen chúc nhau. Nó không khác một cái lồng khổng lồ treo gần đỉnh núi trông thật ấn tượng và mang chút kích thích sự mạo hiểm, hồi hộp cho kẻ lần đầu trải nghiệm.
Hiện tại, đường lên núi Nga Mi dễ gấp trăm lần so với khi xưa cheo leo hiểm trở. Việc của bạn bây giờ không phải leo trèo, mà là có chắc đôi chân cùng đầu gối của bạn đủ khỏe để leo hàng trăm bậc thang. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng đối với nhiều người, nhất là người có tuổi. Dọc đường lên đỉnh, tôi gặp khá nhiều chiếc cáng để sẵn rải rác, nhất là những đoạn đường gần lên tới đỉnh.
Dịch vụ khiêng cáng người lên đỉnh hiếm khi nào ế khách. Cứ một cáng sẽ có 4 người khiêng luân phiên, chi phí cho một chuyến leo núi trên cáng ấy quy ra tiền Việt tầm 1,4 triệu đồng. Khách ngồi cáng thường là phụ nữ hoặc người già. Những người khiêng để cáng lên vai đi thoăn thoắt trên những đoạn dốc cao như không hề biết mệt. Cạnh đó, có một số người già, con cháu phải dìu, thậm chí xốc nách nhưng vẫn nhất quyết đi bộ lên.
Từng có khá nhiều dịp leo núi trong những chuyến du lịch xa, tôi thấy mình thật may khi vẫn còn leo được thoải mái, dù sự sung sức hẳn nhiên không thể như thời thanh niên. Trên đỉnh núi, hít từng hơi thật sâu, tôi nhìn những dòng người đi tưởng như không bao giờ dừng, nhớ lại những quãng thời gian mình từng leo núi trước kia.
Hình như càng có tuổi người ta càng chậm. Cái chậm ở đây không chỉ là vì sức khỏe của tuổi tác mà của cả cảm nhận bản thân. Những suy nghĩ rải theo từng bước chân cũng đằm hơn. Mỗi khi leo núi như thế là dịp để ta lắng nghe bước chân, “kiểm định” sức khỏe. Dân ghiền xê dịch hay nói: Hãy dành thời gian để ngắm nghía thế gian, đừng đợi già, khi sức khỏe chưa chắc đã cho phép.
Tôi nhìn những người phu khiêng chiếc cáng đang băng qua trước mình, lòng thầm nghĩ: Hãy đi khi còn khỏe!
Lê Minh Hạ