Theo Izvestia ngày 11/10, Nga đang cân nhắc khả năng nối lại việc thực hiện hợp đồng cung cấp hệ thống phòng không Pantsir-S1 (NATO định danh là SA-22) cho Syria - bản hợp đồng đã bị gián đoạn kể từ khi tình hình nội chiến diễn ra.
Quyết định nối lại thương vụ Pantsir-S1 của Nga được đánh giá có liên quan đến thông tin về khả năng Mỹ và đồng minh có thể thực hiện chiến dịch không kích bằng tên lửa nhằm vào các mục tiêu của quân đội chính phủ Syria.
Được biết, ngay trước thông tin nối lại thương vụ này, theo Reuters hồi cuối năm 2015, Nga đang vận chuyển hệ thống phòng không tân tiến SA-22 tới Syria.
Reuters dẫn lời một nhân viên tình báo phương Tây cho biết: "Hệ thống này là phiên bản tân tiến được Nga sử dụng và sẽ do người Nga vận hành tại Syria". Quan chức này nói thêm rằng lực lượng Mỹ hoạt động trong khu vực đang quan ngại về sự xuất hiện của loại vũ khí mới này.
Được biết, đây là một trong những hệ thống SA-22 cuối cùng được Nga chuyển cho Syria theo bản hợp đồng được hai bên ký kết hồi năm 2013. Theo đó, Syria đã đặt hàng 36 hệ thống SA-22 được thiết kế với mục đích bảo vệ các cơ sở quân sự và công nghiệp quan trọng cũng như phòng không trên chiến trường.
Theo phân tích của Tạp chí Quốc phòng Kanwa (Canada), có thể Syria đã cảm nhận được sức nóng của một cuộc can thiệp quân sự tiềm tàng từ bên ngoài do Mỹ đứng đầu vào Syria, và đây có thể là lý do duy nhất khiến Nga quyết định chuyển giao cho Syria hệ thống tên lửa SA-22 lúc này.
Vậy tại sao không phải là vũ khí khác mà lại là SA-22 lúc này? Theo phân tích của Kanwa, trong những cuộc chiến tranh Mỹ tham gia gần đây, màn "khởi đầu" bao giờ cũng là tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ chiến hạm Aegis, và đối phó với những mục tiêu kiểu tên lửa hành trình này của Mỹ chính là mục đích thiết kế SA-22 của người Nga.
Theo phân tích này, dù cực nguy hiểm nhưng điểm yếu lớn nhất của Tomahawk là tốc độ hành trình khá chậm, vì vậy nó rất dễ bị bắn hạ bởi những hệ thống phòng không hiện đại như SA-22.
Cùng với việc cung cấp Pantsir-S1 cho Syria của Nga, Moskva còn khiến phương Tây thực sự lo lắng trước viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và Nga thiết lập hệ thống phòng thủ chung với nòng cốt là tên lửa S-300.
Kênh NTV ngày 11/10 dẫn nguồn tin trong giới Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nước này có thể cân nhắc quyết định xem xét đề xuất của Nga về việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD).
Nếu thông tin này được xác nhận thì rất có thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã nghiêng về hệ thống phòng không Antey 2500 của Nga bởi xét về tính năng, hệ thống phòng không Nga vượt trội các sản phẩm của Mỹ, châu Âu và Trung Quốc (những vũ khí tham gia gói thầu mua tên lửa phòng không của Ankara), lại kèm thêm nhiều ưu đãi về chuyển giao công nghệ nên chiến thắng là xứng đáng.
|
Nga tiếp tục tung đòn kép 'chuẩn bị Chiến tranh Lạnh' khiến Mỹ choáng váng |
Tạp chí Quốc phòng Anh Jane’s Defence Weekly cho biết, gói thầu "Dự án tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa T-Loramids" của Thổ Nhĩ Kỳ có tổng giá trị lên tới 3,5 tỷ USD, nhằm trang bị các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa cho 4 lữ đoàn, ít nhất bao gồm 12 tổ hợp phóng.
Đây là một lực lượng hùng hậu đối với một quốc gia NATO (nếu sử dụng tên lửa Mỹ hoặc châu Âu) nhưng nó sẽ là thảm họa nếu đó là lực lượng trang bị toàn hệ thống phòng không Nga.
Các chuyên gia quân sự phương Tây nhận định rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa (cả phòng thủ không gian) của mình xoay quanh hệ thống S-300VM của Nga thì đó sẽ mang lại hệ lụy rất lớn, trên tất cả các lĩnh vực đối với Mỹ-NATO.
Một quan chức quân sự Thổ Nhĩ Kỳ trước đây đã từng cho biết, kế hoạch xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa độc lập (bao gồm cả giám sát không gian) mà Thổ Nhĩ Kỳ đang theo đuổi là vô cùng lớn. Tham vọng của Ankara hoàn toàn có thể được Moscow đáp ứng khi quan hệ 2 bên đang ở mức “không còn gì tốt đẹp hơn”.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ nhất định mua S-300 thì chắc chắn họ sẽ phải loại bỏ các yếu tố cấu thành hệ thống của NATO, xây dựng hệ thống phòng không/phòng thủ không gian chung với Nga. Đó sẽ là thảm họa lớn nhất về mặt quân sự đối với phương Tây.
Hiện tại thì thương vụ mua S-300 Nga đang tiềm ẩn nguy cơ một “cuộc chia ly” giữa Thổ Nhĩ Kỳ với cả châu Âu và NATO.
Trong một diễn biến liên quan tới "Chiến tranh Lạnh" giữa Mỹ và Nga, chính phủ Nga đã yêu cầu các quan chức đưa toàn bộ người thân của họ ở nước ngoài về nước trong bối cảnh quan hệ Nga – phương Tây xấu đi vì cuộc khủng hoảng Syria.
Theo trang Znak.com của Nga, các công chức, quan chức, nhà lập pháp các cấp và nhân viên công ty nhà nước được lệnh phải đưa con em họ ra khỏi trường học ở nước ngoài ngay lập tức, nếu có. Nếu không tuân thủ, họ có nguy cơ “mất cơ hội thăng tiến trong tương lai”.
Tuy nhiên, hãng tin RT của Nga đã lên tiếng phủ nhận các tin đồn này. Theo RT, thông tin về chỉ lệnh này ban đầu được đăng tải trên trang tin điện tử znak.com, một trang tin đặt trụ sở chính tại TP Yekaterinburg vùng núi Urals. Theo RT, thông tin được đăng tải bởi trang tin của vùng Ural vẫn chưa được xác thực.
Khi được hãng tin RT phỏng vấn, phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã phủ nhận tin đồn này. Ông Peskov khẳng định đây là lần đầu tiên ông nghe thấy thông tin các quan chức phải rút toàn bộ người thân quay về nước.
Minh Đức