Trắng đêm canh rắn, rết cho con ngủ
Nước sông Lam rút, hơn chục con thuyền của xóm chài nằm dưới chân cầu Yên Xuân, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An lần lượt ra khỏi các lùm cây để trở lại cuộc sống bình thường.
Cẩn thận neo lại con thuyền hơn 10 năm tuổi đã ọp ẹp, anh Phạm Ngọc Hoài - 49 tuổi - cho biết, mùa này, người dân chài phải sẵn sàng chạy lũ. Bão về, nước lũ lên, họ phải chèo thuyền vào neo đậu trong các lùm cây lớn để tránh bị sóng lớn đánh chìm. Vốn quen với việc này nhưng do con thuyền đã mục nát, phải trám xi măng chống rò rỉ nước khắp nơi nên anh Hoài vẫn luôn thấp thỏm lo mỗi khi chạy lũ.
|
Chị Phạm Thị Hồng cùng con trai mơ về một miếng đất để lên bờ an cư |
Bám vào sông nước để mưu sinh nên chiếc thuyền luôn là tài sản quý nhất của dân vạn chài. Nó không chỉ là cần câu cơm mà còn là nơi ở của cả gia đình. Mọi sinh hoạt cá nhân của các thế hệ đều chỉ trong con thuyền chật chội. Nhìn “ngôi nhà di động” trống hoác, thưng đủ lớp để ngăn gió, đang lắc lư trên sông Lam, anh Hoài nói: “Đánh cá thì không lo mà chỉ lo chuyện ở. Thuyền này quá cũ, phải trám xi măng khắp nơi nên dễ bị chìm”.
Dọn dẹp nơi ngủ của gia đình để lấy không gian đặt bếp nấu cơm trưa, chị Phạm Thị Hồng - vợ anh Hoài - cho biết, sống trên sông nước không chỉ thiếu thốn đủ bề mà còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Mùa này, chị phải dùng nhiều lớp màn cũ xin được thưng kín thuyền trước khi ngủ đề phòng rắn, rết, chuột từ trong các lùm cây ven sông bò lên thuyền. Thương vợ trắng đêm canh giấc ngủ cho các con, anh Hoài đã thử dùng tôn thưng kín thuyền nhưng sau đó phải gỡ ra vì quá ngột ngạt. Chị Hồng rùng mình: “Nhiều đêm, tôi không dám ngủ, phải ngồi canh vì rắn, rết bò lên thuyền rất nhiều dù đã thưng màn kín. Cũng may, cả nhà chưa ai bị rắn, rết cắn”.
|
Gia đình anh Phạm Ngọc Hoài thấp thỏm sống trên chiếc thuyền nan ọp ẹp đã hơn 10 năm tuổi |
Sinh ra và lớn lên trên thuyền, sống biệt lập trên sông, chị Hồng ít khi qua lại với người trên bờ do mặc cảm. Chị nên duyên với người đàn ông cùng cảnh ngộ, tiếp tục nghiệp chài lưới. Cả 3 lần sinh con, chị Hồng đều sinh trên chiếc thuyền nan của mình. Chị nói: “Ở đây ai chả thế, có tiền đâu mà vào bệnh viện, chỉ nhờ bà đỡ lên thuyền đỡ đẻ cho thôi. Sinh xong cũng không ở cữ, chồng chỉ chăm được vài ngày rồi cũng phải đánh cá kiếm cái ăn nên mình phải tự xoay xở thôi”.
Mùa lũ vất vả, nguy hiểm nhưng với chị Hồng, đó là mùa có cá để đánh bắt, bán kiếm tiền lo cho con cái. Trong mùa xuân, mùa hè, nhiều hôm, vợ chồng chị chỉ đánh bắt được vài con cá, đủ để ăn qua ngày. Chị cũng từng tính lên bờ xin làm công nhân nhưng rồi lại thôi, bởi chị đã 3 đời lênh đênh trên sông nước, không biết chữ. Buồn cho phận mình, chị Hồng đặt hết hy vọng vào 3 đứa con đang tuổi ăn học, mong chúng kiếm cái chữ để thoát kiếp vạn chài.
Mỗi đợt nước lũ rút, để lại lớp bùn non sâu cả mét, vợ chồng chị thay nhau cõng các con từ thuyền lên bờ để chúng đi học. “Cũng có khi trượt bùn té, bẩn hết quần áo nên chúng phải nghỉ học. Tụi tui đang tính xin dựng cái lều tạm trên bờ đê để khi lũ về, cho các con lên đó ở, đi học cho thuận lợi” - chị Hồng nói.
Mơ được lên bờ an toàn
Cạnh thuyền chị Hồng có hơn chục con thuyền khác, là nơi sinh sống của hơn 70 người. Cuộc đời họ cũng tròng trành như những con thuyền, đã qua bên kia con dốc cuộc đời mà vẫn chưa thể mua nổi “tấc đất cắm dùi”.
|
Một góc xóm chài ở xã Xuân Lam |
Ông Nguyễn Xuân Quang - 66 tuổi, cư dân nhiều tuổi nhất xóm vạn chài - cho biết, nguồn lợi thủy sản trên sông Lam ngày càng cạn kiệt, thu nhập ngày càng giảm sút nên giấc mơ lên bờ an cư ngày càng xa tầm tay dân vạn chài. Tuổi cao, sức khỏe không chống chọi nổi dòng nước cuồn cuộn mùa lũ, ông Quang đành đưa thuyền của mình lên cạn, đặt cạnh đê sông Lam để ở.
Trên chiếc thuyền nan rộng chừng 10m2, anh Phạm Ngọc Hiệp - 42 tuổi - vội sắp xếp lại đồ dùng sau những ngày chạy lũ để đón vợ và 6 người con đang ở nhờ nhà người quen trở về. Cha mẹ sinh sống trên sông nước nên anh Hiệp được sinh ra trên thuyền như bao đứa trẻ nơi đây. Lớn lên, lấy vợ cũng là dân vạn chài nên tài sản mà vợ chồng anh được cha mẹ để lại cũng chỉ là chiếc thuyền nan ọp ẹp. Chài lưới bữa có bữa không, kiếm đủ cái ăn cho 8 miệng ăn trong nhà đã khó, nói gì đến chuyện mua đất, cất nhà. “Mình khổ quen rồi nên không sao, chỉ thương mấy đứa nhỏ khổ quá. Nhưng cũng đành chịu chứ tiền đâu mà lên bờ” - anh Hiệp xót xa.
Ít năm trước, do thuyền đã mục, bà Phạm Thị Hà - 55 tuổi - đánh liều dựng nhà tạm ngay mép sông Lam để trú ngụ . Ngôi nhà rộng chừng 20m2, lợp bằng tấm xi măng, chỉ cao hơn đầu bà vài tấc nên thường xuyên chìm nghỉm khi nước lũ dâng cao. “Lúc mưa lũ, nước to chảy xiết, tôi sợ trôi mất nhà lắm. Sợ cũng chịu chứ biết sao được bởi mình chỉ có thể làm được nhà tạm, sống qua ngày thôi, đâu có đất, có tiền để cất nhà đàng hoàng. Lúc nhà bị ngập, tụi tui phải sang thuyền người khác ở nhờ, vì thuyền nó còn nổi lên được chứ nhà thì không” - bà Hà nói.
Không đất, không nhà là tình cảnh chung của những xóm vạn chài trên sông Lam. Không có đất, nhiều người đánh liều dựng nhà tạm trái phép bên bờ sông để ở. Chị Hứa Thu Hiền - 39 tuổi, ở xóm chài cạnh cầu Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An - cho biết, xóm không còn đông đúc như trước do tôm cá cạn kiệt, nhiều gia đình phải chèo thuyền đi khắp nơi để thả lưới: “Giờ chỉ còn lại mấy gia đình cố bám trụ ở đây thôi”.
Hộ của chị Hiền là 1 trong gần 200 hộ vạn chài trên sông Lam của huyện Thanh Chương nằm trong diện cần di dời lên khu tái định cư. Dự án xây dựng khu tái định cư này được triển khai từ năm 2009 với kinh phí hơn 80 tỉ đồng. Nhưng 15 năm qua, dân vạn chài vẫn chưa thể đến nơi ở mới. Ông Bùi Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt - cho biết, do chờ đất tái định cư quá lâu, phần lớn các hộ dân vạn chài ở xã Võ Liệt bỏ lên thượng nguồn cư ngụ để đánh bắt cá. Cả xã nay chỉ còn vài chục hộ dân vạn chài; nhiều hộ trong số này đã bỏ thuyền, lên ở tạm bợ bên mép sông Lam. “Nhiều thuyền hư hỏng nặng, không ở được nữa. Không có tiền mua thuyền mới, nhiều người đành dựng tạm nhà phao ở mép sông để ở” - ông nói.
Đất tái định cư bỏ hoang, “ngóng” người đến ở Trái ngược với cảnh chạy lũ triền miên của người dân xóm vạn chài xã Xuân Lam, một khu tái định cư gần đó lại đang đợi người đến ở từ nhiều năm qua. Dự án tái định cư này được triển khai từ năm 2011 nhằm di dời 100 hộ sống ngoài đê sông Lam thường bị ngập đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do thiếu vốn, phải đến năm 2021, khu này mới được hoàn thành. Đến nay, người dân thuộc diện được di dời đã xây dựng nhà cửa cao ráo, ổn định cuộc sống ở vùng ngoài đê nên không còn nhu cầu di dời đến nơi ở mới. Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Xuân Lam - cho biết, xóm vạn chài dưới chân cầu Yên Xuân có 13 hộ, với hơn 70 nhân khẩu. UBND xã đã nhiều lần kiến nghị các cấp bổ sung họ vào diện cần di dời để đưa họ lên khu tái định cư đang bỏ hoang nhưng đến nay, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận. Trong khi đó, khu tái định cư rộng thênh thang vẫn đang bị bỏ hoang, um tùm cỏ dại. |
Phan Ngọc