Lệnh cấm học thêm ở Trung Quốc nới rộng khoảng cách học vấn giữa nông thôn và thành thị

07/12/2023 - 09:54

PNO - Các quy định mới về bài tập ở trường và dạy thêm, được Trung Quốc ban hành năm 2021 nhằm thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, dường như đã phản tác dụng.

 

Trung Quốc đã đưa ra mức phạt nghiêm khắc, yêu cầu cấp phép chặt chẽ hơn đối với gia sư tư nhân
Trung Quốc đưa ra mức phạt nghiêm khắc, yêu cầu cấp phép chặt chẽ hơn đối với gia sư tư nhân

Đối với Tan Biao, ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc, việc tìm gia sư cho cậu con trai 15 tuổi của cô gần như bất khả thi.

Trước đây, việc học gia sư rất tốn kém. Nhưng giờ đây, tiền không phải là duy nhất khi hầu hết các trường luyện thi đều đóng cửa sau khi lệnh cấm dạy kèm sau giờ học có hiệu lực vào năm 2021. Những trường còn sót lại hầu hết đều hoạt động "chui".

“Chúng tôi không có lựa chọn nào khả thi và giá cả cũng không phải chăng” - cô Tan nói. Cô có thu nhập không thường xuyên tại một công ty ngoại thương ở Quảng Châu và hiếm khi gặp các con. Bọn trẻ vẫn ở quê nhà ở huyện Renhua, phía bắc tỉnh Quảng Đông.

Trong hơn 2 năm kể từ khi Bắc Kinh cải tổ hệ thống giáo dục với chính sách “giảm gấp đôi”, đặt ra những hạn chế nghiêm ngặt về số lượng và độ khó của bài tập về nhà, cũng như phạm vi và quy mô của việc dạy thêm sau giờ học, các phụ huynh và nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, khoảng cách về kết quả học tập giữa các nhóm học sinh phân theo hoàn cảnh xã hội ngày càng rộng.

Giống như cô Tan, nhiều bậc cha mẹ bình thường không thể tìm được nơi dạy kèm cho con khi các trung tâm gia sư biến mất và ngưỡng gia nhập thị trường dạy thêm cũng được nâng lên.

Tuy vậy, Huang Bin - giáo sư tại Viện Giáo dục Đại học Nam Kinh - cho biết: “Trẻ em từ các gia đình có điều kiện vẫn có thể tìm được dịch vụ dạy kèm với giá cao”.

Kết quả là, sự chênh lệch về đầu vào học tập của học sinh từ các nền tảng giáo dục khác nhau đã trở nên trầm trọng hơn, điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của thế hệ trẻ.

Những quan sát của giáo sư Huang giống với phát hiện trong một nghiên cứu tại Đại học Bắc Kinh, được công bố trên tạp chí Kinh tế hàng quý Trung Quốc vào tháng 5/2023. Theo nghiên cứu này, những nỗ lực của chính phủ nhằm giảm bớt gánh nặng thời gian và mức độ căng thẳng của học sinh đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng giáo dục, vốn tồn tại trong thời gian dài.

Chính quyền Trung Quốc ban hành một loạt chỉ thị nhằm giảm bớt khối lượng học tập của trẻ em từ những năm 1990. Tuy nhiên, việc thực hiện các chính sách này chỉ được tăng cường trong thập kỷ qua, với đỉnh điểm vào năm 2021.

Phân tích gần 15.000 gia đình từ 25 tỉnh, thành phố từ năm 2008 - 2018, nhóm nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh phát hiện ra rằng, trẻ em từ các gia đình thuộc nhóm thu nhập thấp nhất có khả năng được nhận vào trường trung học phổ thông thấp hơn 9,3% kể từ khi thay đổi chính sách. Ngược lại, những học sinh thuộc gia đình khá giả có khả năng được nhận vào học cao hơn 5,3%.

Mặt khác, đối với các gia đình nghèo hơn, chi phí giáo dục giảm 21% và thời gian học của trẻ giảm hơn 9 giờ/tuần. Trong khi đối với những gia đình giàu hơn, chi phí tăng 66% và thời gian học tăng hơn 10 giờ/tuần.

Gia sư tại nhà cũng là bất hợp pháp theo những thay đổi chính sách, nhưng việc kiểm soát hoạt động dạy kèm là rất khó
Tại Trung Quốc, dịch vụ gia sư tại nhà cũng là bất hợp pháp

Tan Biao cho biết, cô tìm được gia sư tiếng Anh trực tuyến cho con trai vào đầu năm 2023 vì cậu bé sắp thi vào trường trung học phổ thông. Tuy nhiên, con cô phải nghỉ chỉ sau vài buổi vì học phí quá đắt.

Shirley Dai, một bà mẹ từ Thượng Hải có mức thu nhập gia đình cao hơn nhiều, lại đảm bảo rằng cô con gái 11 tuổi của mình luôn học trước chương trình giảng dạy. Cô bé, đang học tại một trường tư thục hàng đầu ở trung tâm Thượng Hải, cũng được học với gia sư tại nhà ngay cả sau khi chính phủ áp dụng biện pháp kiểm soát dạy kèm.

Chu Zhaohui - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Giáo dục Quốc gia, tổ chức thuộc Bộ Giáo dục - nhận định, để tránh khoảng cách học tập đáng kể do hoàn cảnh gia đình, các cơ quan giáo dục nên cải cách cách đánh giá học sinh.

“Chúng ta nên xem xét lý lịch của học sinh, chẳng hạn như việc các em đến từ một trường tốt ở thành phố lớn hay một trường nghèo ở nông thôn, khi chấm bài kiểm tra. Điều này không khó nếu xã hội cởi mở và minh bạch” - ông Chu nói.

Theo cuộc khảo sát của tờ China Youth Daily thực hiện trên 1.300 phụ huynh hồi đầu tháng 12/2023, hơn 60% phụ huynh có con học tiểu học và trung học cho biết họ muốn các trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa hơn. Cùng tỉ lệ này cho biết họ hy vọng giáo viên có thể quan tâm nhiều hơn đến những học sinh học kém.

Cô Tan cho biết, ở quê cô có một tin tức nổi tiếng rằng, chỉ một nửa số học sinh tham gia kỳ “zhongkao” (kỳ thi tuyển sinh THPT, là một trong hai kỳ thi quan trọng nhất đối với học sinh) có thể đậu.

Cô nói thêm, những nỗ lực của phụ huynh trong việc yêu cầu các nguồn lực giáo dục tốt hơn vẫn chưa giúp điều kiện học tập cải thiện. “Nói chung, người dân ở nông thôn không quan tâm nhiều đến việc học tập của con cái so với thành phố. Vì vậy, họ sẽ chấp nhận kết quả và cho rằng đứa trẻ thể hiện chưa tốt” - người mẹ thở dài.

Ngọc Hạ (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI