Lên ý tưởng thuê "thần đèn" di dời biệt thự Pháp nổi tiếng xứ Huế

13/03/2022 - 12:06

PNO - Sáng 13/3 ông Võ Lê Nhật Chủ tịch UBND TP. Huế cho biết, lãnh đạo UBND TP. Huế vừa mới chỉ nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh về việc nghiên cứu phương án di dời biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi TP. Huế.

Theo ông Võ Lê Nhật, UBND tỉnh giao UBND TP. Huế nghiên cứu các phương án chứ chưa phải yêu cầu phải di dời ngôi biệt thự ngay tức thì. Thành phố sẽ nghiên cứu xem việc di dời ngôi biệt thự sang vị trí đối diện có phù hợp về mặt không gian hay không.

"Trước hết nghiên cứu về mặt không gian xem chuyển qua đó phù hợp chưa. Thứ hai là các khu đất hiện nay cũng cần phải sắp xếp lại để làm các công trình và chỉnh trang cảnh quan chu đáo hơn. Ý tưởng là chuyển qua để tạo quỹ đất và không gian cho đồng bộ. Đó là một phương án cần phải nghiên cứu", ông Võ Lê Nhật nói.

Ngôi biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi (TP.Huế) nguyên là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế
Ngôi biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi (TP. Huế) nguyên là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế

Cũng theo ông Võ Lê Nhật, UBND tỉnh yêu cầu UBND TP.Huế nghiên cứu di dời ngôi biệt thự sang vị trí đối diện, còn về mặt kỹ thuật di dời như thế nào, có thuê "thần đèn" hay không thì sẽ tính toán sau.

Vì trước hết phải khẳng định chuyển qua đó có phù hợp không. Thuê "thần đèn" Nguyễn Văn Cư ở TPHCM ra Huế để di dời ngôi biệt thự Pháp ở số 26 đường Lê Lợi mới chỉ là ý tưởng, còn về mặt kỹ thuật để đánh giá dời như thế nào thì phải có các cơ quan chuyên môn đánh giá", ông Võ Lê Nhật nói thêm.

Ngôi biệt thự tuyệt đẹp ở đường Lê Lợi TP. Huế trước đây từng là trự sở UBND TP. Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế...
Ngôi biệt thự tuyệt đẹp ở đường Lê Lợi TP. Huế trước đây từng là trự sở UBND TP. Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế...

Chủ tịch UBND TP. Huế khẳng định, việc di dời ngôi biệt thự 26 Lê Lợi phải có đánh giá, kiểm định chất lượng của cơ quan chuyên môn thuộc Sở Xây dựng chứ thành phố không thể tự làm. Để thực hiện di dời, UBND TP.Huế sẽ phải thực hiện đầy đủ các thủ tục, trong đó phải lấy ý kiến cộng đồng.

Ngôi biệt thự Pháp ở số 26 Lê Lợi nguyên là trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Với kiến trúc Pháp được xây dựng đầu thế kỷ 20, ngôi biệt thự khá đẹp và rất giá trị, đến nay đã trên 100 năm tuổi. Sau năm 1975, biệt thự này là nơi lui tới của nhiều văn - nghệ sĩ nổi tiếng.

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TPHCM vào trưa 13/3, nhà thơ Võ Quê nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng từ sau ngày giải phóng thống nhất đất nước 1975, nơi đây là mái nhà chung quy tụ anh em văn nghệ sĩ Huế biết bao thế hệ.

Theo ý kiến cá nhân nhà thơ Võ Quê, nên giữ tòa nhà này lại ở vị trí cũ, bởi lẽ trên trục đường Lê Lợi chạy dọc sông Hương lâu nay vẫn luôn song hành tồn tại những ngôi biệt thự vừa có giá trị thẩm mỹ vừa có giá trị lịch sử văn hóa gắn liền cùng  sự phát triển vùng đất cố đô Huế. “Do đó dù có thuê “thần đèn” di dời căn biệt thự này đi đến chỗ khác thì tòa biệt thự cũng chỉ giữ được “phần xác”, còn linh hồn tinh túy thì đã bị đánh mất rồi”, nhà thơ Võ Quê luyến tiếc.

biệt thự Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt, trước mặt khách sạn Heritage cũng bị đập bỏ vào tháng 4/2017
Biệt thự Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt (TP. Huế) trước mặt khách sạn Heritage cũng bị đập bỏ vào tháng 4/2017

Từ năm 1897 trở đi, người Pháp đã xây dựng rất nhiều công trình kiến trúc trên đất cố đô Huế. Trong đó, nhiều công trình mang đậm dấu ấn văn hóa lịch sử và tiến trình phát triển của Huế như: khách sạn Sài Gòn Morin, trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Bệnh viện Trung ương Huế, Trường THPT Hai Bà Trưng, THPT chuyên Quốc Học, Ga Huế… tạo nên những giá trị khác biệt, là điểm nhấn trong quỹ kiến trúc đô thị Huế. Thế nhưng hiện nay TP. Huế vẫn thiếu nhiều kế hoạch, chính sách cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các công trình có giá trị về nghệ thuật kiến trúc, văn hóa lịch sử này…

Nhiều nhà nghiên cứu Huế khi được hỏi cảm thấy "thất vọng" và cho rằng "di sản kiến trúc Pháp" tại Huế đang bị phá hủy trên vùng đất sản sinh ra nó. Nhiều công trình kiến trúc cổ bị phá dỡ do hết niên hạn sử dụng, có công trình bị thay đổi cải tạo như: khách sạn Sài Gòn Morin, từ 2 tầng lên 4 tầng. Rồi chi nhánh ngân hàng Đông Dương bị đập bỏ để xây dựng Trung tâm Học liệu Đại học Huế hay mới nhất là ngôi biệt thự Pháp ở số 5 Lý Thường Kiệt, trước mặt khách sạn Heritage cũng bị đập bỏ vào tháng 4/2017.

Thuận Hóa 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI