Lên trường là trò giỏi, về nhà là con… hư?

04/12/2024 - 19:27

PNO - Khi con sai ở đâu, mẹ cần chỉ lỗi ở ngay đó, không nên dán nhãn, quy kết tính cách, nhân cách, tình cảm của con.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Con gái tôi học lớp Mười một. Cháu học rất giỏi, hoạt động ngoại khóa cũng xuất sắc, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Nhưng đó là chuyện trên trường.

Ở nhà, cháu rất hay cáu gắt với mẹ. Cháu thông minh trong việc học nhưng có thể nấu cơm 10 lần thì hết 3 lần quên bật nút. Tới giờ cơm mở ra thấy nguyên một nồi gạo, tôi nói cháu: làm việc không có tâm. Cháu phản ứng, nói chỉ quên thôi mà, rồi vùng vằng đi nấu lại và bỏ ăn bữa đó.

Có lần tôi bận nên nhờ cháu đón em đang học mẫu giáo. Cháu đón và chở em về bằng xe điện giữa trời mà không nón, áo khoác. Tôi nói cháu không thương em, chỉ biết làm cho xong việc và vô cảm, ích kỷ. Cháu đùng đùng trách tôi quá đáng. Lúc cháu định quay đi, tôi giận quá nên kéo cháu lại nạt một trận vì tội “mất dạy”.

Từ đó đến nay đã gần 1 tháng, cháu giữ đúng lễ nghĩa, đi thưa về trình, sai gì làm nấy, không bao giờ nói chuyện với ai trong nhà. Mới hôm qua, vợ chồng tôi đang ở phòng khách thì cháu về. Tôi lên tiếng hỏi, cháu vẫn im lặng.

Chồng tôi nhắc, mẹ đang nói con, con phải trả lời. Cháu bật khóc, nói: “Làm gì cũng nói không có tâm, ích kỷ. Không im lặng thì biết làm gì?”. Nói xong cháu chạy lên phòng, bỏ luôn bữa tối.

Tôi bế tắc vô cùng. Còn 1 năm nữa là cháu đủ 18 tuổi. Tới tầm này tôi vẫn chưa dạy được con, có khi nào đã quá muộn?

Nguyễn Thị Hương (TPHCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Hương mến,

Như chị kể, con gái chị có trách nhiệm với việc học, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Cháu hợp tác với mẹ những lần cần cơm nước, đón em. Ngay cả khi đang có xung đột, cháu vẫn giữ nếp đi thưa về trình. Như vậy, nếu phần còn lại cháu có chút “sai sai” thì cũng không phải điều gì quá cấp tính phải chỉnh ngay lập tức. Chị cứ thả lỏng, bình tĩnh giải mã từng vấn đề để cùng con hóa giải.

Các tình huống chị kể đều rất phổ biến trong những gia đình có con tuổi teen. Con có thể rất giỏi, rất say mê việc này nhưng lại đểnh đoảng, tồ tẹt ở việc khác. Tuổi teen thường chưa có khả năng cân bằng giữa các nhiệm vụ. Đây là vấn đề của sự tập trung: việc gì yêu thích, sở trường thì cháu sẽ dồn sự tập trung vào đó. Những việc còn lại, cháu sẽ chểnh mảng hơn. Nhưng điều này tuyệt đối không liên quan đến nhân cách, tình cảm của cháu.

Thực tế, những đứa trẻ tuổi teen cần được cha mẹ giúp đỡ để cân bằng các mối quan tâm. Nếu phát hiện cháu hay sai sót trong việc nhà, chị có thể giúp đỡ cháu bằng cách nhắc nhở, nói thật rõ các yêu cầu/thiếu sót có thể mắc phải trong từng nhiệm vụ để cháu lưu tâm. Ví dụ, khi phân công cháu đón em, chị có thể nhắc: “Nhớ nón áo chỉnh tề cho thiếu nhi nha”. Như vậy, chị vừa được việc, con gái chị lại lưu tâm và thấy hào hứng hơn với nhiệm vụ đó. Cả nhà cùng vui.

Ngược lại, một khi đã sơ ý làm hỏng việc, cháu cũng sẽ có cảm giác áy náy, vậy mà còn bị mẹ bồi thêm những tội trạng lớn lao như là: vô tâm, ích kỷ… thì cháu sẽ chỉ thấy bất bình và có xu hướng phản kháng để tự vệ. Hơn nữa, việc trút lên con những đúc kết như là ích kỷ, vô tâm, vô trách nhiệm… là điều tối kỵ. Khi con sai ở đâu, mẹ cần chỉ lỗi ở ngay đó, không nên dán nhãn, quy kết tính cách, nhân cách, tình cảm của con.

Ví dụ, khi con quên bật nút nồi cơm, mẹ chỉ cần chỉ cho con thấy con đã lơ là, cần tập trung hơn. Con sẽ biết rõ lỗi của mình và có thêm thông tin để khắc phục lỗi. Việc dán nhãn nhân cách không hề giúp con dễ sửa lỗi hơn mà chỉ khiến con thấy oan uổng, bất bình.

Việc chị giữ trạng thái giận dỗi quá lâu cũng làm sự việc tệ đi, đẩy con (vốn đang yếu thế vì bị mang cái mác ích kỷ, vô tâm…) vào tình trạng bị cô lập.

Tóm lại, con gái đã sai khi lơ là, thiếu tập trung. Còn chị thì sai khi quy tội, dán nhãn, làm tổn thương con. Vậy, hãy chủ động đến gần con, nhận lỗi của mình và cùng con nói về những xung đột ban đầu. Đó sẽ là một cuộc trò chuyện nhẹ nhàng vì xung đột ban đầu vốn chỉ xoay quanh một cô bé tuổi teen vụng về.

Chúc 2 mẹ con sớm “huề” và ngày càng gắn kết.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI