Mùa hè sôi động

Lên rừng xuống biển, phục vụ quán cà phê

25/07/2023 - 15:40

PNO - Tách khỏi môi trường quen thuộc, góc nhìn cuộc sống của trẻ sẽ mở ra đa chiều, cảm nhận cuộc sống của trẻ sâu sắc hơn, thấu cảm hơn.

Đầu tháng Bảy, kết thúc 1 tháng của chương trình trải nghiệm “Một ngày làm nhân viên phục vụ quán cà phê” do An Nguyên Coffee & Books (265 Tùng Thiện Vương, phường 11, quận 8, TPHCM) tổ chức, cô chủ quán Ngô Thị Trâm Anh trân trọng trao giấy chứng nhận và tiền lương tượng trưng để khích lệ các bé biết giá trị công sức của mình.

Đại gia đình cùng ngồi ôn lại những điều học được cũng như những tình huống “khó đỡ” khi các bạn nhỏ tác nghiệp. 

Có bạn mãi đến ngày tổng kết mới dám thổ lộ rằng mình cảm thấy ngại, sợ gặp người quen nên cứ đeo khẩu trang.

Có bạn trải nghiệm tình huống đang bưng cà phê cho khách thì đùng cái, cúp điện. Bạn gái duy nhất của chương trình thì luống cuống làm đổ ly sinh tố bơ định đem cho người khách này lên quần của người khách kia (may mắn là cả 2 chú khách đều vui vẻ tươi cười, xí xóa). 

Gia Phúc “chí thú làm ăn”  với công việc nhân viên quán cà phê
Gia Phúc “chí thú làm ăn” với công việc nhân viên quán cà phê

Cả quán không nhịn được cười với tình huống oái oăm của Trần Gia Phúc (sắp lên lớp Bảy, Trường trung học thực hành Sài Gòn). Do nhầm tưởng một anh khách là người ngoại quốc, Gia Phúc cứ xổ tiếng Anh khiến anh khách cũng xí xô xí xào đáp lại.

Thực ra, anh khách là người Việt 100%, lại là bạn của con cô chủ quán. Nhắc lại pha “hố hàng” này, Gia Phúc cười híp mí, nói: “Con là thiên tài mà bỏ dấu huyền”.

Theo cô chủ quán Trâm Anh, cũng là người trực tiếp hướng dẫn các nhân viên nhí, tham gia chương trình trải nghiệm này, các con sẽ được học: kỹ năng phục vụ; kỹ năng giao tiếp, tương tác với khách hàng nhiều độ tuổi, trình độ, thái độ; kỹ năng ghi nhớ; kỹ năng tính toán; kỹ năng xử lý tình huống…

Và điều quan trọng là các con có cơ hội rèn luyện lòng tự tôn, tự ý thức về giá trị bản thân bởi mình đang làm ra đồng tiền bằng công việc lương thiện. Là nhân viên phục vụ, con thể hiện sự lịch sự, lễ phép, tôn trọng khách hàng dù là người lớn hay trẻ con, người đến bằng xe đạp hay xe hơi… nhưng con không được khúm núm, hạ thấp mình.

Khi được hỏi “con rút ra điều gì từ những ngày làm nhân viên quán cà phê?”, thoáng nhăn mặt và rồi cười xòa, Gia Phúc thú thật: “Trước đây, con nghĩ công việc này đơn giản lắm, chỉ cần bưng bê, phục vụ, cười cười nói nói với khách, hết giờ là lãnh tiền mua sách đọc đã thèm. Ai ngờ, trực tiếp đi làm mới biết, con sai sót đủ thứ. Mỗi ngày con xin lỗi… “cả rổ” luôn”.

Cả rổ lời xin lỗi của Gia Phúc là khi em lỡ tay làm va đồ đập nước đá vào kính hay khi khách đông, em chạy luýnh quýnh suýt đâm sầm vào nhân viên khác và khách…

Mùa hè 2 năm trước, Gia Phúc từng phục vụ quán cho một người quen của gia đình. Công việc được giao là vệ sinh quán và quản lý thư viện mini trong quán. Do có quá nhiều truyện tranh đặc sắc nên “cậu thủ thư” mê tít, mải xem truyện mà xao nhãng nhiệm vụ khiến chủ quán phải nhắc nhở. 

Hè năm nay, trở lại với công việc nhân viên quán cà phê, nguyện vọng của Gia Phúc là nâng bậc lên thành trợ lý pha chế. Nhưng ước mơ chỉ hiện thực hóa được có 1 giờ do Phúc tuổi còn nhỏ, chiều cao chưa phù hợp để đứng quầy.

Tuy nhiên, trong 1 giờ “lịch sử” đó, Gia Phúc cũng đã kịp bắt khách-hàng-ba mua cà phê để con trổ tài pha chế. Kết quả thật bất ngờ: Gia Phúc cho đường vào cà phê không đủ lượng nên ly cà phê bị đá tan ra lạt nhách khi về đến nhà. Lại một điều nữa cần rút kinh nghiệm.

Không chỉ đi làm ở quán cà phê, Gia Phúc còn tham gia nhiều chuyến đi xa trong hè này. Chuyến đi làm tình nguyện viên cứu hộ động vật hoang dã cùng ba và các gia đình khác trong 7 ngày tại vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) đưa Gia Phúc đến tận cùng những cung bậc cảm xúc: khi sợ hãi trước hố sâu, rừng lềnh muỗi vắt; khi cảm thương cho những con thú rừng tàn tật vì nạn săn bắt; khi hào hứng, hăm hở đùa nghịch với bọn khỉ mặt đỏ, vượn má vàng thân thiện với trẻ em.

Được học về cứu hộ qua nhiệm vụ chăm sóc thú, rồi được giao nhiệm vụ chuẩn bị đồ ăn cho thú, cho thú ăn ngày 2 bữa… Gia Phúc hiểu và thêm yêu quý các loài vật, không như trước kia chỉ là khách tham quan lướt qua các dãy chuồng.

Gia Phúc cùng các bạn và cô chú cho thú ăn ở vườn quốc gia Bù Gia Mập
Gia Phúc cùng các bạn và cô chú cho thú ăn ở vườn quốc gia Bù Gia Mập

Câu chuyện con vượn má vàng cái đánh chồng vì dám mon men lại ăn cục cơm khi chưa được phép (loài vượn này theo chế độ mẫu hệ, quyền lực tập trung ở con cái) hay con khỉ cụt tay cắn vòi nước đùa giỡn khi Gia Phúc xịt chuồng cũng đọng lại trong nỗi nhớ ngày em về lại Sài Gòn. Cùng với đó là tình cảm mến thương lẫn cảm phục đối với những cô chú giữ rừng, chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, gian khó để bảo tồn vườn quốc gia. 

Tình yêu thiên nhiên của Gia Phúc được nuôi nấng tiếp tục với công việc làm tình nguyện viên cứu hộ rùa biển tại vườn quốc gia Núi Chúa, Ninh Thuận vào cuối tháng Bảy. “Qua những chuyến đi, con với ba có nhiều kỷ niệm (mẹ bận việc hơn nên năm nay chưa đi cùng). Con còn phát hiện ba con quá giỏi, cái gì ba cũng rành hết” - Gia Phúc chia sẻ, ngời ngời ánh mắt ngưỡng mộ. 

Anh Trần Hoàng Tuấn - ba của Gia Phúc - cho biết, vợ chồng anh tận dụng những ngày hè để con được trải nghiệm thực tế với những khó khăn, thử thách, tạm gọi là học kỳ không sách vở. Tách khỏi môi trường quen thuộc, góc nhìn cuộc sống của trẻ sẽ mở ra đa chiều, cảm nhận cuộc sống của trẻ sâu sắc hơn, thấu cảm hơn.

Tách khỏi điện thoại, con và các bạn trang lứa có cơ hội tương tác trực tiếp như leo cây, leo cửa sổ, đuổi bắt, ngắm trăng - những điều xa xỉ với học sinh ở đô thị chật hẹp, trong năm học đầy áp lực bài vở. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI